Bạc Liêu: Tập trung xóa rào cản kỳ thị với người nhiễm HIV/AIDS

23/06/2015 15:38

Căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS không hoàn toàn gắn liền với tệ nạn xã hội. Tuy nhiên, hiện nay sự phân biệt đối xử, kỳ thị với người nhiễm HIV/AIDS khiến người nhiễm HIV/AIDS tự ti, mặc cảm và làm tăng thêm nguy cơ lây nhiễm HIV trong cộng đồng.

Dự kiến trong tháng 8, tỉnh sẽ đưa vào hoạt động phòng khám, điều trị Methadone để giảm thiểu số người nhiễm mới HIV trong nhóm nghiện chích ma túy - Ảnh: Thanh Tâm

Theo số liệu thống kê, tính đến ngày 31/5/2015, toàn tỉnh phát hiện 2.494 người nhiễm HIV, chuyển sang AIDS 1.575 người và tử vong 868 người. Hiện tỉnh Bạc Liêu có hơn 1.000 người nhiễm HIV/AIDS đang được quản lý theo dõi, chăm sóc điều trị. Theo đó, người nhiễm được tiếp cận các dịch vụ gồm: chăm sóc dự phòng và điều trị tại phòng khám ngoại trú HIV/AIDS, phòng tư vấn xét nghiệm tự nguyện, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con...

Trong thời gian qua, sự kỳ thị và phân biệt đối xử khiến người nhiễm HIV che giấu bệnh tật, đồng thời trở thành một rào cản cho những người có hành vi nguy cơ cao cũng như những người nhiễm HIV/AIDS khó tiếp cận với các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS và làm hạn chế một số quyền cơ bản của con người như quyền được chăm sóc sức khỏe, làm việc, học hành.

Một trong những nguyên nhân của sự kỳ thị là do thiếu hiểu biết hoặc hiểu không đầy đủ về HIV/AIDS, từ đó dẫn đến lo sợ mình bị lây bệnh và thể hiện cách phòng vệ bản thân quá mức, có những biểu hiện phân biệt đối xử với người có HIV như không ngồi chung bàn, không ăn chung, không cho trẻ em chơi chung, học chung với trẻ có HIV hay nghi ngờ bị nhiễm.

Chính vì vậy, để hành động chống lại sự kỳ thị với người nhiễm HIV/AIDS, tỉnh Bạc Liêu xác định công tác truyền thông phòng, chống HIV/AIDS là một nhiệm vụ quan trọng để thay đổi hành vi của cộng đồng. Những hoạt động cụ thể là tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS lồng ghép vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương thông qua phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư”; vận động cộng đồng mở rộng vòng tay giúp đỡ người nhiễm HIV/AIDS…

Ngoài ra, cùng với việc thực hiện có hiệu quả các hoạt động truyền thông thay đổi hành vi, cần chú trọng đến công tác quản lý, tư vấn và chăm sóc điều trị người nhiễm HIV/AIDS.

Các hoạt động được kết nối trực tiếp với người bệnh như: công tác tuyên truyền giáo dục, nhất là các nhóm có hành vi nguy cơ cao như nghiện chích ma túy, người bán dâm... Hoạt động giới thiệu chuyển tiếp khám và điều trị lao, bệnh lây truyền qua đường tình dục...

Trong thời gian tới, để công tác phòng, chống HIV/AIDS đạt hiệu quả cao hơn, tỉnh xác định đây là nhiệm vụ phải được tiến hành thường xuyên và lâu dài, có sự tham gia của toàn xã hội và của mỗi người dân; cần thẳng thắn nhìn vào sự thật để thấy rằng kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS hiện vẫn đang tồn tại ở các mức độ khác nhau, ở nhiều nơi, từ gia đình, nơi làm việc, trường học, công sở và ngoài cộng đồng.

Mỗi cá nhân cần có trách nhiệm ngăn chặn, chấm dứt tình trạng kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS, góp phần vào sự thành công trong việc từng bước đẩy lùi căn bệnh xã hội trên địa bàn.

Để giảm thiểu số người nhiễm mới HIV trong nhóm tiêm chích ma túy, dự kiến trong tháng 8, tỉnh Bạc Liêu sẽ đưa vào hoạt động phòng khám, điều trị Methadone đặt tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh.
Top