Cần Thơ: Triển khai nhiều mô hình, sáng kiến phòng chống HIV/AIDS

10/08/2015 16:38

Với những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, Cần Thơ được đánh giá là điểm sáng trong công tác này và được Bộ Y tế chọn là địa điểm để triển khai nhiều mô hình, sáng kiến liên quan HIV/AIDS.

Tư vấn xét nghiệm HIV miễn phí - Ảnh minh họa

Đầu năm 2006, dịch HIV/AIDS tại Cần Thơ ở mức cao và thuộc 10 tỉnh, thành có tỷ lệ nhiễm HIV cao nhất cả nước. Trước tình hình này, Cần Thơ đã tập trung triển khai nhiều mô hình dự phòng lây nhiễm HIV. Khi ấy, người nhiễm HIV tập trung chủ yếu ở các nhóm mại dâm, nghiện chích ma túy, nam có quan hệ đồng tính (MSM) và bạn tình của họ.

Giảm tỷ lệ lây nhiễm trong nhóm nguy cơ cao

Để giảm lây nhiễm HIV trong nhóm nguy cơ cao, Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS Cần Thơ thành lập 3 câu lạc bộ (CLB): Sức khỏe phụ nữ, Đồng tâm, Đồng xanh. Các CLB này thu hút các đối tượng mại dâm, ma túy và MSM đến sinh hoạt để được cung cấp kiến thức về dự phòng lây nhiễm HIV; điều trị, tư vấn xét nghiệm tự nguyện; cung cấp miễn phí bao cao su và bơm kim tiêm.

Bên cạnh hình thức tuyên truyền theo chiều rộng, các đồng đẳng viên, cộng tác viên tiếp cận nhóm đối tượng nguy cơ cao tại cộng đồng theo hình thức kết nối với gia đình đối tượng hoặc tiếp cận cá nhân. Qua đó, trực tiếp tuyên truyền, giới thiệu các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, điều trị đến gia đình và đối tượng nguy cơ cao. Thành viên gia đình có kiến thức dự phòng lây nhiễm, động viên người có hành vi nguy cơ tư vấn xét nghiệm tự nguyện, tham gia điều trị ARV nếu nhiễm HIV. Đồng thời, trực tiếp vận động gia đình giảm kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV.

Xác định quan điểm "điều trị là dự phòng", TP Cần Thơ là 1 trong 4 tỉnh, thành của cả nước chủ động đề nghị Chính phủ triển khai chương trình điều trị Methadone. Tháng 6/2010, thành phố triển khai khởi liều điều trị nhóm bệnh nhân đầu tiên. Đến nay, thành phố có 4 cơ sở điều trị Methadone với hơn 1.013 bệnh nhân đã tham gia điều trị, đạt 70% độ bao phủ người nghiện và 556 bệnh nhân đang duy trì điều trị, đạt 42% độ bao phủ người nghiện ma túy trong thành phố. Chương trình góp phần giảm người nghiện ma túy, tình trạng lây nhiễm HIV và tội phạm liên quan ma túy, giúp người nghiện tái hòa nhập bền vững với cộng đồng.

Nhiều mô hình thiết thực được triển khai

Nhằm làm giảm tỷ lệ tử vong do AIDS, giảm lây nhiễm HIV, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Cần Thơ tập trung triển khai xây dựng mạng lưới phòng khám ngoại trú để điều trị ARV cho bệnh nhân. Đến nay, toàn thành phố có 6 phòng khám, trong đó có 1 phòng khám nhi. 75% người nhiễm HIV có nhu cầu đã được điều trị (trong khi cả nước đạt khoảng 50%).

Từ năm 2008, ngành y tế Cần Thơ cũng đã tiên phong thí điểm triển khai điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Đến năm 2013, tất cả xã, phường, thị trấn đều triển khai chương trình này. Từ đó, tỷ lệ nhiễm HIV từ mẹ sang con chỉ còn dưới 2,5%.

Theo các chuyên gia, nếu không thực hiện điều trị dự phòng thì tỷ lệ nhiễm HIV từ mẹ sang con khoảng 35 - 40%. Bên cạnh đó, trung tâm được lãnh đạo thành phố quan tâm đầu tư để tăng cường năng lực và củng cố mạng lưới.

Về tuyến quận, huyện, mỗi quận, huyện có từ 2-3 cán bộ chuyên trách và 3-5 cán bộ kiêm nhiệm công tác phòng, chống HIV/AIDS. Ở tuyến xã, phường, thị trấn, trung tâm xây dựng mạng lưới đồng đẳng viên, cộng tác viên. Thành phố trích ngân sách chi 500.000 đồng/tháng/đồng đẳng viên, đồng thời hỗ trợ 0,1 mức lương cơ bản cho cộng tác viên/tháng. Mỗi xã, phường, thị trấn có 2 cộng tác viên chương trình phòng, chống HIV/AIDS.

Theo đánh giá của Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), TP Cần Thơ là một trong số ít các tỉnh, thành trích ngân sách địa phương chi trả hỗ trợ cho mạng lưới đồng đẳng viên và cộng tác viên chương trình HIV/AIDS.

Tỷ lệ nhiễm mới HIV giảm liên tục

Với những hoạt động đồng bộ từ dự phòng, điều trị, đến năm 2010, Cần Thơ không còn nằm trong danh sách 10 tỉnh, thành có tỷ lệ nhiễm HIV cao nhất nước. Năm 2014, thành phố phát hiện mới 273 trường hợp nhiễm HIV, 123 bệnh nhân AIDS và 61 trường hợp tử vong do AIDS. So với năm 2013, số phát hiện mới giảm 19,9% (68 trường hợp), bệnh nhân AIDS tăng 4,2%, tỷ lệ tử vong giảm 4,6%. Với kết quả này, Cần Thơ tiếp tục là một trong 10 tỉnh, thành phố phát hiện số nhiễm mới HIV giảm trong nhiều năm liền.

Từ năm 2014, Cần Thơ thuộc nhóm có mức dịch HIV/AIDS trung bình. Với những thành tích phòng, chống HIV/AIDS thời gian qua, thành phố tiếp tục được Bộ Y tế chọn là 1 trong 2 tỉnh, thành trong cả nước triển khai thực hiện "Thành phố hướng tới mục tiêu 3 không về HIV/AIDS", đồng thời là 1 trong 2 tỉnh, thành triển khai "sáng kiến thí điểm điều trị 2.0".

Bên cạnh sự đầu tư từ chương trình mục tiêu quốc gia, ngân sách thành phố, Cần Thơ còn là điểm sáng thu hút các dự án hỗ trợ phòng, chống HIV/AIDS. Từ năm 2010 trở về trước, các dự án hỗ trợ 70% kinh phí phòng, chống HIV/AIDS của thành phố. Sau đó, do trở thành nước có thu nhập trung bình nên các dự án cắt giảm hỗ trợ. Tuy nhiên, Cần Thơ thuộc nhóm các tỉnh, thành bị cắt giảm chậm. Giai đoạn 2010-2015, mức hỗ trợ giảm còn 50% và hướng tới chỉ hỗ trợ kỹ thuật.
Top