Cô gái 10 năm chung sống khỏe mạnh với HIV

04/08/2015 09:07

Gia đình chồng ruồng bỏ vì hai lần hỏng thai, Trang sa vào con đường nghiện ngập và rồi bị chính những người ruột thịt xa lánh khi mang trong mình căn bệnh HIV.

Trang và chồng đều là những bệnh nhân đang mang trong mình căn bệnh AIDS. Ảnh: HQ

Sự ruồng rẫy của gia đình

Quỳnh Trang (sinh năm 1981, Hoài Đức, Hà Nội) là bệnh nhân AIDS đến nay đã hơn 10 năm. Sống chung với căn bệnh thế kỷ lâu năm, hơn ai hết cô biết mình cần phải làm gì. Quá khứ sa ngã không cho phép cô tiếp tục phạm sai lầm. Chính vì thế, Trang luôn là niềm tự hào của các bác sĩ tại Bệnh viện 09 vì lối sống lành mạnh và lạc quan.

Dù vậy, mỗi khi nhớ lại quá khứ đen tối, Trang không khỏi rơi nước mắt vì ân hận bởi những gì mình đã làm. Gặp tôi, Trang nói ngay: “Sự ruồng rẫy của gia đình khi biết tin mình mang trong người căn bệnh AIDS là điều đau đớn nhất tôi phải trả giá cho cuộc đời này sau quãng thời gian sống buông thả”.

Rồi Trang không giấu diếm kể về quãng thời gian sa ngã của mình. Hồi đó, cô thôn nữ tên Trang xinh xắn, được nhiều anh theo đuổi. Cuối cùng cô cũng đồng ý về làm vợ anh chàng làng kế bên. Cũng như những đôi vợ chồng khác, Trang khao khát làm mẹ, thế nhưng cả hai lần mang thai cô đều chửa ngoài dạ con.

Điều đó khiến Trang bị gia đình chồng hắt hủi. Người chồng ruồng rẫy và đuổi cô ra khỏi nhà khi mới bước sang tuổi 23. Trở về nhà, người phụ nữ này cũng không được gia đình chào đón. Quá chán chường, cô nghe lời đám bạn sa lầy vào cuộc sống ăn chơi, trong đó có ma túy - thứ sau này khó khăn lắm, Trang mới có thể đoạn tuyệt.

“Năm 2003-2006 là quãng thời gian tăm tối nhất cuộc đời tôi. Một ngày cuối năm 2006, tôi hay tin mình mắc căn bệnh HIV. Tin dữ nhưng lại khiến bản thân tôi thức tỉnh", Trang ngậm ngùi nhớ lại.

Năm 2009, Trang được chuyển về Bệnh viện 09, nơi chuyên điều trị các bệnh nhân HIV trong tình trạng AIDS giai đoạn cuối. Lúc này, sức khỏe của cô kiệt quệ khi vừa mắc lao, vừa suy nhược cơ thể trầm trọng.

Tiên lượng tình trạng khó qua khỏi, thậm chí người thân đã chuẩn bị ảnh thờ cho cô. Lần lượt bố mẹ, anh, chị, em đến viện để nhìn mặt đứa con tội lỗi lần cuối.

May mắn, Trang đã khỏe lại sau khi được các bác sĩ điều trị tận tình. Suốt 2 năm sau đó, cô được điều trị nội trú và bình phục cho tới bây giờ.

Tuy nhiên căn bệnh cô mang trong người đã trở thành bức tường ngăn cách cô với gia đình. “Mọi người đều rỉ tai nhau về căn bệnh và họ sợ phải ngồi cạnh, ăn chung, uống chung với tôi. Thậm chí khi tôi nguy kịch nhất, họ cũng chỉ dám ở dưới phòng bảo vệ, không dám đến thăm”, Trang chia sẻ.

Ngày bà nội ra đi, Trang được về chịu tang bà. Nhưng suốt mấy ngày tang lễ, cô chỉ được phép ngồi một góc với chiếc khẩu trang che gần kín khuôn mặt.

Trang tâm sự: “Lúc đó tôi rất chán đời, muốn kết thúc tất cả, nhưng vào viện được những cán bộ từ điều dưỡng đến bác sĩ đều quan tâm hết mực, họ đã động viên tôi rất nhiều. Còn về phía gia đình, tôi không thể trách họ vì từ lâu, họ không hiểu hết về căn bệnh".

Cô không giấu sự hối hận của mình trong từng lời nói: “Chưa bao giờ tôi thôi hối hận vì những việc mình đã làm trong quá khứ. Nó luôn dằn vặt tôi. Càng về sau tôi càng nhận ra rằng tất cả sự việc ngày hôm nay là do chính bản thân mình chứ không phải do hoàn cảnh, hay vì sự rủ rê”. 

Làm thế nào để chung sống lâu dài với HIV/AIDS?

Trang cho biết, những người mang bệnh như cô muốn kéo dài tuổi thọ phải uống thuốc hàng ngày và sinh hoạt lành mạnh nhất.

"Chỉ cần uống thuốc chậm hơn một giờ, tiếp tục nghiện hút, ăn chơi sa đọa… sẽ khiến chúng tôi ra đi nhanh hơn", cô chia sẻ. Vì vậy, cùng đợt điều trị với cô, nhiều người đã ra đi do không chịu từ bỏ cuộc sống ăn chơi.

Bên cạnh đó, suy nghĩ chán chường, bi quan cũng có thể khiến người bệnh trở nên yếu ớt hơn khi khả năng đáp ứng thuốc thấp. 

Thế nhưng, Trang tâm sự không khó để những người bệnh như cô duy trì tuổi thọ, nhưng khó ở chỗ làm thế nào để bản thân có thể kiếm sống qua ngày khi trong tay không có một nghề nghiệp ổn định, thêm vào đó là sự kỳ thị của xã hội.

Những ngày vào viện lấy thuốc, Trang gặp người chồng hiện giờ. Anh cũng là một bệnh nhân AIDS từ năm 2000. Và thế là hai mảnh đời chắp ghép lại với nhau. Trước đây, hai vợ chồng từng thuê nhà, bán đồ ăn sáng.

Nhưng khi làm giấy tạm trú, công an phường điều tra và biết quá khứ họ từng là người nghiện ma túy, lại nhiễm HIV, nên chẳng mấy chốc, tin lan nhanh và quán ăn bị tẩy chay. Sau đó, họ lại mở quán bán đồ lưu niệm, tin dữ đến tai bà chủ, họ lại bị "đuổi khéo". 

Giờ đây, để mưu sinh, hàng ngày từ 18h-3h sáng, chồng Trang chạy xe ôm, còn cô bán trà đá cách nơi ở tới 15 km để tránh điều tiếng. Những hôm trời mưa, chỉ cần dính vài giọt nước cũng đủ khiến người phụ nữ này nằm gục 2-3 hôm. 

“Cuộc sống khó khăn quá, hết bị người này đuổi, người kia hắt hủi, nhưng tôi không bao giờ từ bỏ con đường làm người lương thiện dù không dễ dàng. Mùa đông tới, tôi sẽ mở bán thịt xiên nướng để tăng thu nhập. Hy vọng, công việc thuận lợi để đủ tiền trang trải cuộc sống qua ngày”, Trang chia sẻ về dự định mới của mình.

Top