Cuộc đời được “hồi sinh” nhờ điều trị thuốc ARV

08/10/2015 18:01

Chương trình điều trị HIV bằng thuốc kháng ARV bắt đầu được thí điểm từ năm 2004. Hơn 10 năm qua, chương trình đã giúp nhiều người nhiễm HIV “hồi sinh”, chiến đấu lại căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS, cải thiện sức khoẻ và tái hòa nhập cộng đồng.

Ảnh minh họa

Những cuộc đời được “hồi sinh”

Gặp chị M.T.T, với dáng vẻ nhanh nhẹn, nụ cười rạng rỡ luôn nở trên môi, không ai nghĩ chị M.T.T là người nhiễm HIV và đang điều trị ARV. Chị T chia sẻ:

“Khi phát hiện mình nhiễm HIV từ chồng, tôi đã hoàn toàn suy sụp. Lúc đó tôi chỉ muốn tìm đến cái chết, tôi đã nằm liệt giường và sức khỏe giảm sút rất nhanh. Cách đây 4 năm khi chưa được điều trị ARV, tôi chưa được 40 kg, nhưng từ khi được uống thuốc ARV sức khỏe của tôi được cải thiện rõ rệt, tăng cân trở lại. Bây giờ tôi đã lấy lại được tinh thần, lao động trở lại. Bên cạnh đó, tôi tham gia câu lạc bộ cho những người nhiễm HIV/AIDS, tư vấn phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS cho cộng đồng. Thuốc ARV đã giúp cho tôi hồi sinh, hòa nhập lại với cộng đồng”.

Một trường hợp khác của chị N.T.L, năm 2004 chị phát hiện mình nhiễm HIV khi đi khám thai ở Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Nỗi lo lắng, sợ hãi khiến chị sống khép kín, tuyệt vọng trong thời gian dài. Năm 2008, được người thân tư vấn điều trị ARV sẽ giúp chị chống chọi lại với căn bệnh thế kỷ, chị N.T.L đã tuân thủ điều trị và thấy hiệu quả rõ rệt. Khi bắt đầu điều trị CD4 của chị chỉ có 40, nhưng bây giờ CD4 của chị đã là 500.

Hiện tại, chị N.T.L có cuộc sống ổn định hơn. Chị nhận làm việc tại một địa điểm cấp phát thuốc ARV cho những người nhiễm HIV/AIDS, đồng thời tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Anh N.V.T, một người nhiễm HIV do nghiện chích ma túy cho hay: “Tôi bắt đầu điều trị thuốc ARV từ năm 2007. Từ khi uống thuốc này, tôi thấy cơ thể mình khỏe mạnh hơn trước rất nhiều. Trước đây, khi bị nhiễm HIV, tôi cảm thấy tự ti và xác định không bao giờ bệnh này có thể chữa khỏi. Cho đến khi có thuốc ARV, tôi cảm thấy rất vui vì tôi có thể kéo dài cuộc sống của mình và làm những điều có ích cho xã hội.

Nguy cơ bùng phát dịch HIV kháng thuốc nếu thiếu ARV

TS.BS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cho biết, hơn 10 năm vừa qua, nhà nước liên tục mở rộng và nâng cao chất lượng điều trị ARV. Năm 2004, chúng ta mới điều trị cho 400 bệnh nhân thì hiện nay chúng ta điều trị 100.000 người. Số lượng bệnh nhân rất lớn so với trước đây. Hiện nay ARV đã được triển khai tại tất cả 63 tỉnh, thành trên toàn quốc, cả nước có 316 điểm điều trị ARV. Đặc biệt, chúng ta đã triển khai tại tuyến xã, 526 trạm y tế xã hiện nay đang phát thuốc ARV cho các bệnh nhân. Ngoài ra chúng ta đã mở điều trị ARV tại các trại giam, các cơ sở tạm giam, tạm giữ.

Chương trình điều trị HIV bằng ARV mang lại hiệu quả rất lớn, điều trị bằng ARV kịp thời giúp cải thiện chất lượng sống cho người bệnh, giúp giảm nguy cơ tử vong cho người nhiễm HIV/AIDS. Đồng thời, giúp làm giảm khả năng lây truyền HIV từ mẹ sang con và từ người nhiễm HIV sang vợ/chồng hoặc bạn tình của họ.

Do vậy, nếu thiếu thuốc ARV thì hậu quả trước tiên là người nhiễm HIV sẽ sớm chuyển sang AIDS và dẫn đến tử vong. Bên cạnh đó, tỷ lệ HIV kháng thuốc sẽ tăng cao, gây khó khăn và tốn kém trong điều trị vì  điều trị HIV kháng thuốc đắt gấp 8-10 lần so với HIV chưa kháng thuốc. Khi không được điều trị thì nồng độ HIV trong máu người nhiễm HIV sẽ tăng cao, làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV cho người khác, dẫn đến dịch HIV/AIDS lan rộng trong cộng đồng.

Trong thời gian tới, 95% lượng thuốc ARV để điều trị cho người nhiễm HIV đến từ khoản tài trợ không hoàn lại của tổ chức quốc tế sẽ rút đi và dự kiến sẽ kết thúc vào cuối năm 2017, như vậy những bệnh nhân HIV/AIDS sẽ không thể điều trị hoặc không được điều trị liên tục, suốt đời. Nguy cơ bùng phát dịch HIV kháng thuốc là khó tránh khỏi.

Thiếu ARV - thách thức lớn với cộng đồng người nhiễm HIV

Trên phương diện là người đang hưởng lợi từ chương trình điều trị ARV, chị N.T.L cho hay, trong thời gian tới, nếu nguồn viện trợ cho công tác điều trị ARV chấm dứt hẳn, những người nhiễm HIV sẽ không được điều trị ARV miễn phí nữa thì đây sẽ là thách thức rất lớn đối với cộng đồng người nhiễm HIV/AIDS. Chị N.T.L mong muốn được tiếp tục hỗ trợ để được điều trị thuốc ARV. Chị N.T.L hy vọng các doanh nghiệp sẽ chung tay giúp đỡ, hoặc triển khai mô hình “nhà nước và nhân dân cùng làm” để những người có hoàn cảnh như chị có cơ hội được hồi sinh lần nữa.

Anh N.V.T bày tỏ: Nếu nguồn viện trợ cho công tác điều trị ARV chấm dứt hẳn, những người nhiễm HIV như chúng tôi không được điều trị miễn phí nữa sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Bởi hầu hết những người nhiễm HIV như tôi, gia đình đều có hoàn cảnh, kinh tế thiếu thốn, bản thân tôi nghiện lâu năm, chúng tôi chưa biết trông vào đâu. Vì vậy, để tự bỏ tiền mua thuốc điều trị là điều rất khó. Chúng tôi mong muốn bảo hiểm y tế can thiệp, tiếp tục hỗ trợ để chúng tôi bớt đi phần nào gánh nặng chi phí, cho chúng tôi kéo dài được sự sống”.

Bảo đảm ARV cho những người nhiễm HIV/AIDS

Để những người nhiễm HIV/AIDS chưa được điều trị bằng thuốc ARV có cơ hội được hồi sinh và để những cuộc đời đã được hồi sinh tiếp tục sống khỏe mạnh, đóng góp có ích cho gia đình và xã hội, TS. Nguyễn Hoàng Long mong muốn trong thời gian tới sẽ có những nguồn xã hội hóa, đóng góp từ các tổ chức, cá nhân, đoàn thể và các quỹ từ thiện để giúp những người nhiễm HIV có được nguồn thuốc ARV để điều trị.

TS. Nguyễn Hoàng Long cho rằng, điều chúng ta cần giải quyết trước tiên đó là làm thế nào để có đủ nguồn tài chính mua thuốc ARV, tiếp tục cung cấp cho khoảng gần 100.000 người đang được điều trị hiện nay và để mở rộng cho 90% người nhiễm HIV được phát hiện, tức là khoảng 200.000 người được điều trị vào năm 2020 như chúng ta đã đặt ra mục tiêu và đã cam kết. Việc bảo đảm nguồn thuốc ARV cho người nhiễm HIV cần một giải pháp tổng thể.

TS Nguyễn Hoàng Long cho biết, hiện Bộ Y tế đang tích cực đôn đốc các địa phương triển khai Nghị định 1899/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về giải pháp bền vững trong công tác phòng, chống AIDS và riêng đối với thuốc ARV. Đồng thời, Bộ Y tế đang cố gắng phát triển theo mấy nguồn.

Thứ nhất, đối với ngân sách nhà nước, hiện nay Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch phòng, chống AIDS từ năm 2016 đến năm 2020, trong đó có nêu nhu cầu rất bức thiết về thuốc ARV. Bộ cũng có giải trình lên Chính phủ và các Bộ ngành liên quan, mong những năm tới tăng phần phân bổ tài chính mua thuốc ARV khi nguồn viện trợ chấm dứt.

Nguồn thứ hai là các địa phương. Hiện đã có 29 tỉnh, thành phố đã phê duyệt đề án cải cách tài chính cho công tác phòng chống AIDS, đặc biệt mong các tỉnh, các địa phương có điều kiện kinh tế sẽ tăng phân bổ tài chính cho ARV.

Nguồn thứ ba rất quan trọng là nguồn bảo hiểm y tế. Đây là nguồn tài chính cơ bản và lâu dài mà chúng ta phải dựa vào nguồn này vì ngân sách nhà nước còn rất khó khăn và hạn hẹp. Những người nhiễm HIV, đặc biệt là những người đang điều trị AIDS nên quan tâm, tham gia bảo hiểm y tế trong thời gian tới.
Top