Đà Nẵng: Tập trung chương trình chăm sóc, hỗ trợ toàn diện

07/08/2015 17:51

Chương trình chăm sóc, hỗ trợ toàn diện cho những người nhiễm HIV mang nhiều ý nghĩa thiết thực đang được triển khai tại Đà Nẵng, nhằm giúp người nhiễm HIV/AIDS được chữa trị kịp thời, giảm thiểu số người chết do bệnh AIDS.

 

Chăm sóc, điều trị cho người nhiễm HIV - Ảnh minh họa

“Người nhiễm HIV như tụi tui thường giấu thân phận. Nếu nói mình mang căn bệnh thế kỷ sẽ bị mọi người tránh né, xì xầm. Bởi vậy, không ít người như tôi thường âm thầm sống trong cộng đồng chứ ít tìm đến các dịch vụ chăm sóc y tế”, chị H. (ở xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) thổ lộ. Chị H. là người nhiễm HIV nhưng giấu kín căn bệnh của mình để đi làm thuê kiếm tiền nuôi hai con nhỏ.

Theo thông tin từ cơ quan chức năng, số trường hợp nhiễm HIV mới hằng năm có xu hướng duy trì tương đối ổn định với khoảng 120-130 trường hợp nhiễm mới mỗi năm. Trong đó, người Đà Nẵng từ 50-70 trường hợp. Đến nay, toàn thành phố phát hiện hơn 1.825 trường hợp nhiễm HIV. Tuy nhiên, rất ít trong số đó công khai và được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế, số còn lại âm thầm sống trong sự kỳ thị của cộng đồng…

Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Đà Nẵng cho biết, những năm qua, chương trình phòng chống HIV/AIDS của thành phố Đà Nẵng đã triển khai nhiều hoạt động dự phòng và chăm sóc, điều trị hiệu quả, góp phần kiểm soát tốt tình hình lây nhiễm HIV trên địa bàn.

Người nhiễm HIV có thể phát hiện sớm tình trạng nhiễm HIV của bản thân với dịch vụ hoàn toàn miễn phí tại Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS (311/42 Trường Chinh) và tại hai cơ sở của Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS (163 Hải Phòng và 91 Nguyễn Đức Trung).

Với tiêu chí hoạt động “thân thiện - bí mật - chuyên nghiệp - miễn phí”, các phòng tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện tại Đà Nẵng trở thành địa chỉ quen thuộc đối với nhóm các đối tượng có hành vi nguy cơ cao như: người nghiện ma túy, hành nghề mại dâm, nam quan hệ đồng giới hay gia đình người nhiễm... Không chỉ vậy, những địa chỉ này cũng là nơi để nhiều người tìm đến với mong muốn được tư vấn các vấn đề về HIV/AIDS cũng như tìm hiểu về tình trạng liên quan đến HIV của bản thân.

Ngoài ra, Đà Nẵng tập trung đẩy mạnh dịch vụ chăm sóc người nhiễm HIV, đáp ứng nhu cầu của nhiều người nhiễm HIV nhưng ngại đi khám và điều trị. Từ chỗ chỉ có nhóm nhỏ thực hiện công tác này, đến nay đã có 5 nhóm chăm sóc tại nhà cho người nhiễm HIV do chính những người nhiễm lập với gần 30 thành viên. Nhờ có họ, người nhiễm HIV và gia đình có thêm điều kiện được chăm sóc, hỗ trợ.

Các nhóm này chăm sóc, hỗ trợ toàn diện người nhiễm HIV/AIDS tại gia đình, cộng đồng. Họ không chỉ cung cấp các dịch vụ chăm sóc tại nhà và tại cộng đồng, hỗ trợ tâm lý cho bệnh nhân và gia đình người bệnh..., mà còn cung cấp kiến thức, kỹ năng cần thiết để chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm trong suốt quá trình điều trị; tư vấn về phòng ngừa lây nhiễm HIV sang người khác.

Bác sĩ Nguyễn Thành Dương, Trưởng khoa Truyền thông thuộc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Đà Nẵng cho biết: “Phát hiện sớm tình trạng nhiễm HIV của bản thân sẽ giúp người nhiễm có thể tiếp cận sớm các dịch vụ chăm sóc, điều trị HIV, đồng thời góp phần hạn chế tình trạng lan nhiễm HIV trong cộng đồng”.

Theo bác sĩ Dương, hiện nay mô hình tư vấn xét nghiệm HIV lưu động miễn phí đang được áp dụng tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Đà Nẵng là sự linh hoạt trong việc cung cấp dịch vụ, nhằm đáp ứng nhu cầu tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện mang tính đặc thù của những tiếp viên, nhân viên làm việc tại các cơ sở vui chơi giải trí trên địa bàn Đà Nẵng.

Hình thức tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện lưu động góp phần quan trọng phòng ngừa lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục không an toàn. Đây là hiện là “con đường” làm lây nhiễm HIV chủ yếu tại Đà Nẵng.

Ngoài ra, bác sĩ Dương cho rằng, người nhiễm HIV và gia đình cũng cần cởi bỏ sự tự kỳ thị với bản thân, tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS thì mới phát huy hiệu quả cao các dịch vụ phòng chống HIV/AIDS.
Top