Đồng Nai: Không còn lo mẹ truyền nhiễm HIV sang con

12/08/2015 15:39

Tại Đồng Nai, nhiều trẻ đã không bị lây nhiễm HIV từ mẹ có HIV do được điều trị dự phòng tại các phòng khám và điều trị ngoại trú (OPC) cho người có HIV/AIDS trong tỉnh.

 

Tư vấn dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con - Ảnh minh họa

Hàng năm, tỉnh Đồng Nai có khoảng hơn 60.000 phụ nữ mang thai được tư vấn, xét nghiệm tại các cơ sở trên địa bàn. Riêng quý I, toàn tỉnh có 6.226 phụ nữ mang thai tự nguyện xét nghiệm HIV, đạt tỷ lệ gần 97%, trong đó có 6 trường hợp xét nghiệm nhanh thì có 5 trường hợp khẳng định nhiễm HIV.

Hy vọng được nhân lên…

Các bà mẹ nhiễm HIV đều được các y, bác sĩ tư vấn và điều trị dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, còn những em bé được sinh ra sẽ chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai để chăm sóc, theo dõi, điều trị và được tiếp cận điều trị sớm dự phòng lây truyền HIV một cách tích cực, đúng phác đồ.

Nhờ chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được triển khai rộng rãi nên nỗi lo lắng của những bà mẹ nhiễm HIV đã giảm. Từ đó niềm tin, hy vọng của mỗi bà mẹ nhiễm HIV được nhân lên khi những đứa con của mình sinh ra không bị lây nhiễm HIV.

Chị Nguyễn Thị Y, người nhiễm HIV tâm sự: “Cách đây 4 năm về trước khi phát hiện mình bị nhiễm HIV từ chồng, tôi gần như suy sụp hoàn toàn. Lo lắng khi nghĩ đến cảnh con mình sinh ra ốm đau, bị mọi người phân biệt do nhiễm HIV tôi chỉ muốn chết đi. Rất may mắn là vào thời điểm đó chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đã được triển khai. Tôi được các y, bác sĩ tư vấn, hướng dẫn nhiệt tình trong việc điều trị uống thuốc dự phòng cho đến sau khi sinh. Khi đứa con gái chào đời, xét nghiệm HIV âm tính, tôi rất mừng, nhưng niềm vui ấy vẫn còn thấp thỏm. Sau 18 tháng xét nghiệm lần nữa và cầm trên tay kết quả xét nghiệm HIV âm tính của con, khi đó tôi mới thật sự yên tâm và không phải lo lắng gì nữa”.

Còn chị Trần Thị H, ở Long Khánh cho biết, chị phát hiện mình nhiễm HIV khi đi khám thai ở tuần thai thứ 5 tại bệnh viện. Khi cầm kết quả xét nghiệm trên tay trên tay chị không tin đó là sự thật. Lúc đó, trong suy nghĩ của chị là sẽ bỏ đứa con chưa chào đời này đi, chị sợ rằng đứa con sinh ra cũng sẽ bị nhiễm HIV từ mình. Suy nghĩ mãi rồi chị quay vào gặp bác sĩ để thực hiện ý nghĩ đó, nhưng tại đây chị được các bác sĩ tư vấn và hướng dẫn cách điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con rất kỹ lưỡng từ khi mang thai đến khi chuyển dạ và sau khi sinh con. Nếu điều trị dự phòng đúng phác đồ và tích cực thì tỷ lệ trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV là rất thấp, nên chị rất phấn khởi và đặt hy vọng may mắn sẽ đến với mình.

Kể từ khi chương trình điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được triển khai tại khoa sản của các bệnh viện, mỗi năm, đã có nhiều phụ nữ mang thai được tiếp cận các dịch vụ như: tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện cho phụ nữ mang thai, phụ nữ có nguy cơ nhiễm HIV, điều trị dự phòng bằng thuốc kháng vi rút HIV (ARV); chăm sóc hỗ trợ cho mẹ và con trước, trong và sau sinh, cung cấp sữa thay thế cho trẻ sinh ra từ mẹ bị nhiễm HIV đến 18 tháng tuổi.

Tất cả các bà mẹ mang thai đến khám thai hoặc đến sinh đều được tư vấn và xét nghiệm sàng lọc HIV. Khi bà mẹ mang thai phát hiện nhiễm HIV thì sẽ được tư vấn và điều trị uống thuốc dự phòng và theo dõi đến khi sinh. Sau khi sinh bà mẹ sẽ được chuyển đến phòng khám ngoại trú người lớn, còn em bé được chuyển đến phòng khám ngoại trú nhi để tiếp tục nhận các dịch vụ như uống thuốc dự phòng, sữa thay thế...

Phụ nữ mang thai cần được tiếp cận điều trị sớm

Điều trị điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con rất quan trọng, nếu người mẹ không có bất kỳ sự can thiệp nào thì nguy cơ lây truyền từ mẹ sang con chiếm tỷ lệ từ 15 - 45%, trong đó có từ 15-30% nguy cơ lây truyền trong thời kỳ mang thai và chuyển dạ; 10-20% nguy cơ lây truyền sau sinh qua bú mẹ. Còn người mẹ được can thiệp và dự phòng đầy đủ, không cho con bú thì nguy cơ trẻ nhiễm HIV từ mẹ chỉ còn 2%. Do đó, các phụ nữ mang thai nếu phát hiện mình nhiễm HIV không nên lo lắng, e ngại mà cần phải đến bệnh viện để các bác sĩ tư vấn, hướng dẫn và điều trị kịp thời nhằm sinh ra những đứa con khỏe mạnh. 

Hiện nay, chương trình điều trị dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con của tỉnh được triển khai tại 13 điểm nhằm tư vấn và xét nghiệm, tầm soát HIV cho tất cả các phụ nữ mang thai với mục tiêu là điều trị dự phòng nhiễm HIV từ mẹ sang con càng sớm càng tốt.

Riêng việc điều trị dự phòng cho cả mẹ và bé bằng phác đồ B và thuốc ARV đang được triển khai tại 6 phòng khám OPC của tỉnh đặt tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, Bệnh viện đa khoa khu vực Long Thành, Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh, Bệnh viện đa khoa Biên Hòa, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Đồng Nai và Bệnh viện da liễu Đồng Nai.

Th.S Cao Kim Thoa, Phó trưởng phòng Truyền thông, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) khuyến cáo, tình hình dịch HIV hiện nay đang có xu hướng gia tăng số phụ nữ nhiễm HIV, từ đó gia tăng phụ nữ mang thai nhiễm HIV. Nguy cơ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con khi không có điều trị dự phòng rất cao, chiếm từ 15-45%. Do đó, phụ nữ mang thai nhiễm HIV ở bất cứ giai đoạn nào phải điều trị dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con càng sớm càng tốt.

Tuy nhiên, hiện nay chương trình điều trị dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con trên địa bàn tỉnh cũng đang đối diện với nhiều khó khăn. Theo đó, tỷ lệ phụ nữ mang thai nhiễm HIV tiếp cận với các biện pháp điều trị dự phòng còn thấp; phụ nữ nhiễm HIV tiếp cận với các biện pháp điều trị dự phòng còn chậm.

Để khắc phục những khó khăn, hạn chế cho trương trình, tỉnh Đồng Nai sẽ tăng cường các hoạt động truyền thông, nhất là các hoạt động truyền thông trực tiếp tại các bệnh viện, cơ sở y tế; qua các đợt thăm hỏi các gia đình có phụ nữ mang thai nhiễm HIV. Đồng thời, tại các OPC sẽ tiếp tục cung cấp dịch vụ chăm sóc và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cho bà mẹ mang thai nhiễm HIV và trẻ sinh ra từ họ.
Top