Hơn 95 nghìn bệnh nhân đang được điều trị ARV

06/07/2015 17:18

Hiện có 95.752 người nhiễm HIV/AIDS đang được điều trị ARV, trong đó 91.156 người lớn, 4.596 trẻ em. So với cuối năm 2014, trong 4 tháng đầu năm tăng gần 2.909 bệnh nhân. So với chỉ tiêu kế hoạch năm 2015 đạt 91%.

Cung cấp thuốc điều trị ARV cho người nhiễm HIV - Ảnh minh họa

Tính đến thời điểm hiện tại, trên toàn quốc hiện có 312 phòng khám ngoại trú và 526 điểm cấp phát thuốc ARV tại xã/phường, tăng 8 cơ sở so với cuối năm 2014. Chương trình điều trị cũng đã được triển khai tại 23 trại giam và 33 Trung tâm 06.

Tình trạng điều trị muộn đã được cải thiện với tỷ lệ CD4<100 tế bào khi bắt đầu điều trị ARV giảm từ 51% của năm 2012 xuống còn 34,4%. Tỷ lệ bệnh nhân đã điều trị ARV ít nhất 36 tháng có tải lượng HIV dưới 1.000 bản sao/ml là 95,1%, trong đó, điều trị ARV bậc 1 là 92,2%. Tình trạng HIV kháng thuốc ở mức độ thấp với tỷ lệ HIV kháng thuốc trên bệnh nhân điều trị ARV từ 36 tháng trở lên là 4,6%.

Hiện có 6 tỉnh đã kiện toàn các phòng khám điều trị ARV, chính thức lồng ghép vào các bệnh viện; 35 Sở Y tế đã có văn bản gửi các cơ sở y tế chỉ đạo việc kiện toàn, còn 22 tỉnh chưa thực hiện kiện toàn các cơ sở điều trị HIV/AIDS.

Nhiều khó khăn trong chương trình điều trị ARV

Việc đảm bảo duy trì điều trị ARV gặp rất nhiều khó khăn khi các nhà tài trợ cắt giảm về địa bàn hỗ trợ, nguy cơ bệnh nhân không có thuốc điều trị khi không có dự án, trong khi đầu tư nội địa cho khoảng 5% bệnh nhân điều trị hiện nay đã chiếm 20% nguồn kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia.

Một thách thức rất lớn hiện nay là tỷ lệ người nhiễm HIV được tiếp cận với điều trị ARV. Tiêu chuẩn điều trị ARV đã được mở rộng, tuy nhiên chỉ có trên 40% người nhiễm HIV còn sống trong năm 2014 được tiếp cận với thuốc điều trị bằng ARV.

Trong khi đó việc điều trị ARV sớm có tác động rất mạnh trong việc giảm AIDS, giảm tử vong và giảm nhiễm HIV mới. Đây chính là thách thức lớn để đạt được mục tiêu kết thúc AIDS vào năm 2030, cũng như giảm ca nhiễm HIV mới.

Bên cạnh đó, công tác kiện toàn các cơ sở điều trị diễn ra chậm, bảo hiểm y tế chưa thực hiện chi trả cho điều trị HIV/AIDS trong bối cảnh các nhà tài trợ cắt giảm mạnh nguồn viện trợ hiện nay là khó khăn lớn cho việc bảo đảm bền vững chương trình điều trị HIV.

Với thuốc ARV, từ năm 2015 trở về trước thuốc ARV từ các nguồn viện trợ quốc tế được Bộ Y tế điều phối và cấp cho các tỉnh, thành phố theo nhu cầu cụ thể. Tuy nhiên, theo yêu cầu của nhà tài trợ, từ năm 2016, thuốc ARV từ nguồn hỗ trợ quốc tế chỉ tập trung cho 30 tỉnh, các tỉnh còn lại cần phải được nguồn ngân sách trong nước bảo đảm. Đồng thời, các nhà tài trợ không tăng mạnh bệnh nhân mới điều trị ARV từ năm 2016 và chưa có cam kết hỗ trợ sau năm 2017.

Ngoài ra, thị trường cung ứng thuốc ARV trong nước còn hạn chế, hiện không có đơn vị nào cung ứng thuốc ARV viên kết hợp dùng phổ biến hiện nay, thuốc ARV phác đồ bậc 2 và thuốc ARV cho trẻ em. Tất cả các vấn đề này đang là khó khăn rất lớn đối với chương trình điều trị trong bối cảnh hướng đến kết thúc AIDS vào năm 2030, đạt mục tiêu 90% người nhiễm HIV được điều trị ARV theo cam kết của chính phủ.

Trong khi đó, năm 2015 tổng nhu cầu kinh phí cần mua thuốc ARV để điều trị cho 109.000 bệnh nhân là 422 tỷ đồng. Chương trình hỗ trợ khẩn cấp của tổng thống Mỹ (PEPFAR) và Quỹ Toàn cầu đã cam kết hỗ trợ 337 tỷ đồng để cung cấp thuốc ARV điều trị cho bệnh nhân ở 30 tỉnh trọng điểm. Nguồn kinh phí trong nước cần bổ sung là 85 tỷ đồng cho 33 tỉnh, thành còn lại, trong đó dự kiến 25 tỷ đồng từ kinh phí đầu tư cho Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống HIV/AIDS. Như vậy, số kinh phí còn thiếu để mua thuốc ARV cho các bệnh nhân HIV/AIDS năm 2015 là 60 tỷ đồng.

Các rào cản về tài chính, xã hội, địa lý đang ảnh hưởng đến mở rộng điều trị ARV, đặc biệt khu vực vùng sâu, vùng xa, tỷ lệ bệnh nhân điều trị muộn còn cao, 34% bệnh nhân bắt đầu điều trị khi tế bào CD4 dưới 100. Khó khăn trong triển khai điều trị toàn diện cho bệnh nhân đồng nhiễm Lao, viêm gan. Hạn chế việc sử dụng xét nghiệm đo tải lượng virus trong theo dõi điều trị.

Phác đồ bậc 2 tăng dần (hiện tại 3,95%), khi mở rộng sử dụng xét nghiệm tải lượng HIV thì tỷ lệ này có thể lên đến 8-10%, giá thành thuốc điều trị bậc 2 rất cao, thị trường cung ứng còn rất hạn chế so với thuốc ARV bậc 1. Việc mua sắm thuốc trong nước cho tất cả loại thuốc ARV khó thực hiện, giá thành trong nước còn cao so với các dự án mua từ các nguồn quốc tế.

95% tiền chi cho thuốc kháng ARV từ nguồn viện trợ

Ông Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV cho biết: 95% tiền chi cho thuốc kháng ARV là từ viện trợ. Các chi phí khác như đào tạo cán bộ, cung cấp trang thiết bị... dù có nguồn tài chính trong nước nhưng chủ yếu vẫn là nhờ viện trợ nước ngoài.

Từ khi Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình, các nhà tài trợ bắt đầu cắt giảm và cắt giảm rất nhanh thời gian vừa rồi. Hiện chỉ còn hai nguồn chính là Quỹ Toàn cầu phòng chống lao, sốt rét và HIV/AIDS và PEPFAR. Nhưng cả hai nguồn này cũng chỉ cam kết đến năm 2017 và chưa cam kết thêm. Ngành y tế đang hy vọng các tổ chức này sẽ gia hạn sau năm 2017.

Trước mắt, để giải quyết vấn đề về kinh phí, mới đây Bộ Y tế đã trình Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm đề xuất nhu cầu bổ sung 60 tỷ đồng mua thuốc ARV.

Để giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn lực cho điều trị ARV,  ông Bùi Đức Dương, Cục phó Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho rằng, nên tăng ngân sách nhà nước. Đây là nguồn kinh phí chính có thể đáp ứng điều trị cho mọi công dân, mọi đối tượng tại cộng đồng, trong trại giam, người nghèo, vô gia cư. Bên cạnh đó, cần tiếp tục kêu gọi tài trợ từ các tổ chức quốc tế, chính phủ và phi chính phủ để tiếp tục hỗ trợ cho công tác này. Đồng thời, thực hiện các biện pháp để có thể chi trả cho thuốc ARV qua bảo hiểm y tế bao gồm: xây dựng được quỹ cho điều trị HIV bằng thuốc ARV chi trả qua bảo hiểm y tế từ các nguồn tài chính khác nhau; xây dựng được cơ chế mua sắm, phân phối thuốc ARV điều trị HIV qua hệ thống bảo hiểm y tế.

Bên cạnh đó, cần huy động người nhiễm HIV tham gia bảo hiểm y tế để các chi phí liên quan đến điều trị HIV/AIDS được thanh toán thông qua bảo hiểm y tế. Hiện nay, các loại thuốc trong phác đồ điều trị cho người nhiễm HIV đều có trong danh mục thuốc bảo hiểm y tế do Bộ Y tế quy định (gồm cả thuốc ARV). Với việc tham gia vào bảo hiểm y tế, bệnh nhân HIV/AIDS sẽ giảm được tới 80% chi phí khám, chữa bệnh ở các bệnh viện đúng tuyến.

Để bảo đảm hiệu quả và đẩy mạnh chương trình điều trị ARV, Bộ Y tế đang tiếp tục mở rộng chương trình điều trị 2.0 cho Cần Thơ, Điện Biên, Thanh Hóa, Thái Nguyên nhằm lồng ghép và đưa dịch vụ điều trị ARV về cộng đồng, tăng khả năng tiếp cận, tăng tính thuận tiện cho người bệnh. Đồng thời, triển khai thí điểm mô hình điều trị ARV cho 7 tỉnh miền núi, phát hiện người nhiễm HIV và điều trị ngay không phụ thuộc tế bào CD4.

Ngành y tế cũng chỉ đạo các địa phương kiện toàn mạng lưới phòng khám ngoại trú điều trị HIV/AIDS nhằm bảo đảm tính bền vững và thực hiện chi trả điều trị HIV/AIDS qua bảo hiểm y tế sau khi nguồn viện trợ kết thúc.

Trong 6 tháng cuối năm, ngành y tế xác định các khu vực địa lý ưu tiên tại các tỉnh, mở rộng việc tiếp cận quần thể đích, xét nghiệm HIV, kết nối điều trị, điều trị ARV sớm; mở rộng điều trị ARV trong trại giam; tăng cường phối hợp HIV/lao, tăng điều trị ARV cho bệnh nhân HIV/lao và xây dựng quy chế phối hợp giữa hệ thống HIV và sức khỏe sinh sản trong thực hiện can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Top