Lai Châu: Nỗ lực khống chế tỷ lệ nhiễm mới HIV trong cộng đồng

27/02/2015 17:36

Những năm qua, tỉnh Lai Châu đã nỗ lực huy động tối đa nguồn lực, triển khai nhiều hoạt động cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương để khống chế thấp nhất tỷ lệ lây nhiễm HIV trên địa bàn.

Xét nghiệm HIV trong phòng thí nghiệm - Ảnh minh họa

Theo Giám đốc Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Lai Châu Lê Thị Mai, xác định mục tiêu giảm thiểu số người lây nhiễm mới HIV là công tác trọng tâm, nên thời gian qua tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong phòng, chống lây nhiễm HIV trong cộng đồng.

Trên cơ sở đó, trung tâm đã chủ động phối hợp với các ban, ngành đoàn thể, địa phương tuyên truyền với nhiều hình thức như: Tăng cường lồng ghép truyền thông về HIV/AIDS cho người dân thông qua các buổi họp tổ dân phố, thôn bản, cấp phát tờ rơi, xây dựng panô, áp phích tại các điểm dân cư, tuyến giao thông về con đường lây truyền và biện pháp phòng ngừa HIV/AIDS…

Bên cạnh đó, trung tâm cũng phối hợp với các đơn vị trường học tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe sinh sản, tác hại của chất gây nghiện cho học sinh, sinh viên… Chỉ tính riêng trong năm 2014, có 68.437 lượt người được truyền thông trực tiếp thay đổi hành vi, trong đó có hơn 80% lượt đối tượng thuộc nhóm nguy cơ cao.

Trung tâm cũng đẩy mạnh chương trình can thiệp giảm hại, cung cấp kiến thức sử dụng bơm kim tiêm an toàn, tình dục an toàn tới nhóm người có hành vi nguy cơ cao như tiêm chích ma túy, mại dâm. Đồng thời, tổ chức cấp phát trên 517.897 bơm kim tiêm và 9.118 bao cao su miễn phí.

Đối với chương trình điều trị HIV/AIDS, chương trình đã được triển khai toàn diện tại các trung tâm y tế tuyến huyện và xã để người nhiễm HIV sớm được tiếp cận điều trị ARV. Hiện trung tâm đang điều trị ARV cho hơn 600 bệnh nhân, số bệnh nhân sẽ còn gia tăng trong những năm tới.

Về chương trình điều trị nghiện các dạng thuốc phiện bằng Methadone, trong 2 năm qua, trung tâm đã đưa 18 cơ sở điều trị và cơ sở cấp phát thuốc Methadone đi vào hoạt động, tiếp nhận và điều trị cho trên 1.200 bệnh nhân nghiện các chất dạng thuốc phiện. Qua đó, góp phần làm giảm lây nhiễm HIV/AIDS và các bệnh lây truyền qua đường máu cho những người nghiện chích ma túy nói riêng và nghiện các chất dạng thuốc phiện nói chung.

Đặc biệt, nét nổi bật nhất và cũng là giải pháp hữu hiệu nhất hiện nay trong hoạt động can thiệp giảm thiểu tác hại của trung tâm là áp dụng mô hình 3 trong 1, kết hợp 3 dịch vụ: Tư vấn và xét nghiệm tự nguyện (VCT); điều trị Methadone và phòng khám ngoại trú (OPC) vào cùng một điểm. Mô hình này giúp bệnh nhân dễ tiếp cận với các dịch vụ, tăng tỷ lệ bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính được tiếp cận với chương trình chăm sóc điều trị; tăng tính tuân thủ điều trị của bệnh nhân điều trị ARV và Methadone; giảm số nhân lực, tiết kiệm thời gian và chi phí cho bệnh nhân cũng như chương trình phòng, chống HIV/AIDS.

Hiện mô hình này đã và đang quản lý 1.800 bệnh nhân. Dự kiến đến hết năm 2015 – 2016 sẽ có gần 3.000 bệnh nhân được chăm sóc điều trị thuốc kháng virus (ARV), Methadone và duy trì tư vấn xét nghiệm HIV; trung bình 52 khách hàng/tháng/cơ sở điều trị.

Theo Giám đốc Lê Thị Mai, việc phát triển mô hình trên là rất cần thiết, nhất là khi nguồn lực cho các chương trình phòng, chống HIV/AIDS có xu hướng giảm mạnh như hiện nay.

Để góp phần giảm thiểu số người nhiễm mới HIV và đạt được mục tiêu chiến lược 90-90-90 đến năm 2020, bà Lê Thị Mai cho biết, trong thời gian tới, Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh sẽ tiếp tục triển khai thực hiện chương trình phòng, chống HIV/AIDS mang tính liên ngành, toàn diện; đẩy mạnh công tác truyền thông, tư vấn, điều trị, mở rộng dịch vụ tư vấn, xét nghiệm tự nguyện.

Bên cạnh đó, củng cố, mở rộng hệ thống điều trị ngoại trú cho bệnh nhân HIV cũng như các cơ sở điều trị cai nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone; duy trì, nâng cao năng lực cán bộ và hiệu quả hoạt động tại các điểm điều trị HIV/AIDS trong toàn tỉnh. Đồng thời, tiếp tục huy động sự chung tay tích cực của cộng đồng trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS.
Top