Nam Định: Triển khai mô hình điểm toàn diện về phòng, chống HIV/AIDS

17/08/2015 16:28

Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Nam Định vừa phối hợp với Trung tâm Y tế các huyện/thành phố trên địa bàn triển khai xây dựng mô hình điểm xã/phường toàn diện về phòng, chống HIV/AIDS tại các huyện/thành phố.

 

Tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS - Ảnh minh họa

Mô hình nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư, cùng với hệ thống phòng, chống HIV/AIDS cả nước hưởng ứng mục tiêu 90 - 90 - 90 của Liên Hợp Quốc do Bộ Y tế phát động, đồng thời thực hiện kế hoạch hoạt động năm 2015 đã được Sở Y tế tỉnh Nam Định phê duyệt.

Để lựa chọn các xã/phường tham gia mô hình, Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS Nam Định đã xây dựng các tiêu chí lựa chọn gồm: Xã/phường có tỷ lệ người nhiễm cao, có bệnh nhân đang tham gia điều trị ARV, có bệnh nhân tham gia điều trị Methdone; Xã/phường có tỷ lệ đối tượng nguy cơ cao cao như người nghiện chích ma túy, người hoạt động mại dâm, dân di biến động…; Xã/phường đang triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS như “Phong trào toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư”, chương trình Truyền thông, chương trình Can thiệp giảm hại…

Căn cứ vào những tiêu chí trên, Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Nam Định lựa chọn các xã/phường tham gia triển khai hoạt động này đó là: Phường Ngô Quyền, TP Nam Định; xã Hải Nam, huyện Hải Hậu và xã Giao Xuân, huyện Giao Thủy.

Sau khi phối hợp với Trung tâm Y tế các huyện/thành phố thống nhất lựa chọn được danh sách các xã/phường tham gia mô hình và căn cứ vào Hướng dẫn ban hành kèm theo Quyết định 4994/QĐ – BYT ngày 14/12/2012 của Bộ Y tế về việc “Ban hành Hướng dẫn tổ chức, hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tuyến xã/phường”.

Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh đã triển khai một số các hoạt động. Cụ thể, tập huấn cho cán bộ chuyên trách công tác phòng, chống HIV/AIDS, đội ngũ y tế thôn, xóm, tổ dân phố, các trưởng thôn/xóm, tổ trưởng tổ dân phố và các thành viên của tổ công tác cai nghiện ma túy… về các nội dung hoạt động của một xã/phường có các hoạt động toàn diện về công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Bên cạnh đó, hướng dẫn, hỗ trợ kinh phí, hỗ trợ kỹ thuật các xã/phường triển khai hoạt động truyền thông gồm: Tổ chức truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS trên hệ thống truyền thông của xã/phường, truyền thông lồng ghép trong các hội nghị của địa phương, tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề và HIV/AIDS, mối liên quan giữa HIV và ma túy cho các hội, đoàn thể của xã/phường, cấp phát tờ rơi về HIV/AIDS, điều trị Methadone…, cung cấp các tài liệu truyền thông khác cho Trạm Y tế.

Trung tâm cũng tổ chức hoạt động chăm sóc và điều trị tại cơ sở: Hỗ trợ gói chăm sóc điều trị cho bệnh nhân AIDS gồm thuốc nhiễm trùng cơ hội, bông, băng, cồn gạc… và hướng dẫn nhân viên y tế thôn đội cùng thực hiện việc chăm sóc cho bệnh nhân tại nhà và hướng dẫn cho người nhà bệnh nhân cùng thực hiện.

Đồng thời, hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao chất lượng tư vấn cho các đối tượng nguy cơ cao tham gia xét nghiệm HIV và được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc điều trị HIV/AIDS đối với người nhiễm HIV. Duy trì, nâng cao hiệu quả chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Trong quá trình thực hiện Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh đã đề nghị Trung tâm Y tế các huyện/thành phố cử cán bộ phụ trách phối hợp tham gia tổ chức giám sát, hỗ trợ kỹ thuật cho các xã/phường thực hiện các hoạt động trên và một số các hoạt động khác về phòng, chống HIV/AIDS nhằm nâng cao hiệu quả cả về chiều sâu lẫn chiều rộng công tác phòng, chống HIV/AIDS tại cơ sở.

Trong những năm tới, hy vọng mô hình sẽ được nhân rộng trên địa bàn, góp phần làm giảm kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, giảm tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng và góp phần tích cực hưởng ứng các mục tiêu 90- 90-90 của Liên Hợp Quốc để tiến tới kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030.
Top