Phấn đấu đạt mục tiêu 90-90-90

24/11/2014 17:32

Việt Nam mới đây đã cam kết, phấn đấu đạt được mục tiêu 90-90-90 do Liên Hợp Quốc đề ra trong công tác phòng, chống HIV/AIDS và là nước đầu tiên ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương thực hiện các mục tiêu tiến tới kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030.

Ảnh minh họa

Theo Cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) Nguyễn Hoàng Long, mục tiêu 90-90-90 (90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% số người nhiễm HIV được điều trị ARV liên tục suốt đời; 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng virus ở mức thấp và ổn định) là một thách thức rất lớn đối với ngành y tế.

TS Nguyễn Hoàng Long cho rằng, để đạt được mục tiêu này, trong thời gian tới cần phải tập trung một số công việc chính. Trước tiên, các cấp lãnh đạo Đảng, chính quyền và toàn dân cần nhận thức rõ tầm quan trọng của phòng, chống HIV/AIDS và những thách thức to lớn; coi công tác phòng, chống HIV/AIDS là một trong những nhiệm vụ quan trọng cần thực hiện.

Đồng thời, đưa công tác phòng, chống HIV/AIDS vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và của từng địa phương; phân bổ nguồn lực phù hợp; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện.

TS Nguyễn Hoàng Long cho rằng, ngành y tế cần nhanh chóng chuyển đổi từ phòng, chống HIV/AIDS dựa vào tiền viện trợ sang sử dụng các nguồn tài chính trong nước, chủ yếu là ngân sách nhà nước và bảo hiểm y tế.

Bên cạnh đó, nhà nước cần quan tâm, tăng đầu tư để bù đắp những khoảng thiếu hụt do các nguồn viện trợ cắt giảm và tăng tổng đầu tư cho phòng, chống HIV/AIDS.

Tăng cường sử dụng hiệu quả các nguồn lực dành cho phòng, chống HIV/AIDS, tập trung nguồn lực vào các khu vực có tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS cao; tập trung vào các đối tượng nguy cơ cao như những người nhiễm HIV, nghiện chích ma túy, vợ và bạn tình của những người nghiện chích ma túy nhiễm HIV, gái mại dâm và khách hàng của họ, tình dục đồng giới nam…

Tập trung nguồn lực để triển khai những giải pháp can thiệp có hiệu quả cao nhất, trong đó có công tác truyền thông, phát bơm kim tiêm sạch, phát bao cao su, mở rộng điều trị Methadone, tăng cường xét nghiệm, phát hiện nhiễm HIV, mở rộng điều trị ARV, phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con...

Ngoài ra, cần nhanh chóng lồng ghép các cơ sở cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS vào hệ thống y tế. Tăng cường phân cấp các dịch vụ xuống tuyến cơ sở, trong đó có xét nghiệm HIV, phát thuốc điều trị ARV, thuốc Methadone... để tăng khả năng tiếp cận của mọi người với các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS. Đồng thời, lồng ghép các cơ sở cung ứng dịch vụ phòng chống HIV/AIDS, bao gồm tư vấn, xét nghiệm, điều trị ARV, điều trị Methadone.

Top