TP.HCM: Dẫn đầu trong công tác phòng, chống HIV/AIDS

08/04/2015 18:52

TP.HCM xứng đáng là đơn vị dẫn đầu cả nước về công tác này. Trong giai đoạn tiếp theo, thành phố cần sớm chuẩn bị các phương án để tiếp nhận toàn bộ nhân lực phòng phống HIV/AIDS cũng như chủ động kinh phí cung cấp các dịch vụ từ dự phòng đến điều trị, nhằm duy trì và mở rộng các dịch vụ này để hướng tới mục tiêu chấm dứt đại dịch HIV vào năm 2030.

 

TS Nguyễn Hoàng Long phát biểu tại buổi làm việc với Sở Y tế TP.HCM - Ảnh Kim Thoa

TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) đã ghi nhận những thành quả của TP.HCM về công tác phòng, chống HIV/AIDS trong buổi làm việc với Sở Y tế TP.HCM và Ủy ban phòng, chống AIDS TP.HCM ngày 6/4, tại TP.HCM.

Bà Tiêu Thị Vân, Chánh Văn phòng Ủy ban Phòng, chống AIDS TP.HCM cho biết, tính đến tháng 2/2015, TP.HCM đã phát hiện hơn 60.000 người nhiễm HIV, trong đó đã tử vong hơn 10.000 người và hiện đang quản lý hơn 50.000 người nhiễm HIV trên địa bàn. Với số người nhiễm HIV lớn như vậy nhưng TP. HCM vẫn thực hiện tốt công tác điều trị HIV/AIDS tại 33 cơ sở điều trị tuyến quận huyện, 165 phường xã cấp thuốc ARV cho bệnh nhân.

Để giữ vững thành quả của công tác điều trị, UBND TP.HCM đã phê duyệt Đề án thí điểm “Điều trị ARV sớm cho người nhiễm HIV theo phương thức xã hội hóa, giai đoạn 2014 – 2018”. Đến nay, TP.HCM đang điều trị ARV cho trên 24.000 bệnh nhân.

Bà Tiêu Thị Vân cho biết thêm, chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đang được triển khai đạt được kết quả rất đáng khích lệ. Trên 99% thai phụ đồng ý làm xét nghiệm trong thời kỳ tiền sản, trên 90% thai phụ nhiễm HIV được điều trị ARV, 99,8% trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV được điều trị ARV dự phòng. Tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con trong nhiều năm liên tục ở mức dưới 3%, tức là đã loại trừ được lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Theo bà Vân, công tác điều trị thay thế bằng Methdone cũng đang được TP.HCM chủ động và tăng cường triển khai. UBND thành phố đã phê duyệt Đề án “Thực hiện mở rộng và xã hội hóa chương trình điều trị nghiệm các chất dạng thuốc phiện bằng Methdone, giai đoạn 2014-2016”. Theo đó, thành phố đã thực hiện thu phí 7.000-10.000đ/ngày/bệnh nhân từ 1/1/2015.

Bên cạnh đó, TP.HCM cũng đang xúc tiến các thủ tục mua thuốc Methadone bằng ngân sách của Thành phố. Cho đến nay, Thành phố đang duy trì công tác điều trị Methdone tại 8 cơ sở cho hơn 2.000 bệnh nhân. Tuy nhiên, trong năm 2015 thành phố đẩy mạnh việc mở thêm các cơ sở điều trị tại tất cả các quận, huyện để đáp ứng dịch vụ điều trị cho 8.000 bệnh nhân.
Top