Thanh Hóa triển khai hiệu quả mô hình tiếp cận Điều trị 2.0

29/05/2015 09:29

Năm 2014, mô hình tiếp cận Điều trị 2.0 được triển khai mở rộng tại hai tỉnh Thanh Hóa và Thái Nguyên. Tại Thanh Hóa, sau gần 9 tháng triển khai tại 19 xã, cán bộ y tế xã đã cung cấp dịch vụ tư vấn và xét nghiệm (TV&XN) cho 2.484 người, trong đó có 168 người tiêm chích ma túy (NTCMT), 38 phụ nữ bán dâm, 4 nam có quan hệ tình dục đồng giới và 173 người là vợ/chồng hoặc bạn tình của người nhiễm HIV hoặc người tiêm chích ma túy.

Đoàn công tác làm việc với cán bộ y tế tại trạm y tế xã Thành Sơn, Quan Hóa - Ảnh: Kim Thoa

Trong số đó, 40 người đã được phát hiện nhiễm HIV, phần lớn NTCMT là 27 người, bạn tình của người nhiễm hoặc NTCMT là 10 người. Tỷ lệ NTCMT phát hiện nhiễm HIV rất cao chiếm 16%, sau đó là bạn tình của người nhiễm hoặc NTCMT chiếm 5,8%. Bên cạnh đó, 19 xã triển khai mô hình Điều trị 2.0 đã cung cấp ARV cho 317 trong tổng số 358 bệnh nhân. Sau 9 tháng, số bệnh nhân này vẫn duy trì điều trị tại các trạm y tế xã. 

Thành Sơn - một trong các xã của huyện Quan Hóa triển khai mô hình Điều trị 2.0. Đây là xã vùng sâu vùng xa cách trung tâm huyện tới 50 km, giao thông  đi lại rất khó khăn, đặc biệt vào mùa mưa. Để triển khai dịch vụ tư vấn và xét nghiệm HIV cũng như điều trị ARV và Methadone, các cán bộ y tế xã đã được đào tạo về chuyên môn và được cung cấp các vật phẩm thiết yếu phục vụ cho xét nghiệm và điều trị.

Từ tháng 7/2014 trạm y tế xã Thành Sơn đã bắt đầu triển khai TV&XN HIV và điều trị ARV tại xã. Đến nay, sau gần một năm cung cấp dịch vụ, đã có 126 lượt người được tư vấn xét nghiệm HIV phát hiện được 1 người nhiễm HIV. Trong số 12 người nhiễm HIV đang sống tại xã có 10 người đang được điều trị ARV tại xã. 100% số NTCMT được quản lý đã được tư vấn và xét nghiệm HIV. Tuy nhiên việc tiếp cận với thuốc Methadone đối với NTCMT tại Thành Sơn cũng như các xã lân cận rất hạn chế do phải đi lại 100 km mỗi ngày để uống thuốc. Vì vậy ngay từ đầu năm 2015, dưới sự chỉ đạo của Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Thanh Hóa, sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế Thế giới, Quỹ Toàn cầu, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Quan Hóa và trạm y tế xã Thành Sơn đã quyết tâm triển khai dịch vụ điều trị Methadone tại xã.

Sau hơn một tháng kể từ ngày khởi liều đợt 1 (từ 10/4 đến 26/5), xã Thành Sơn đã điều trị cho 63 bệnh nhân. Đây là kết quả rất đáng khích lệ và rất hợp lòng dân. Với mô hình này, xã Thành Sơn đã trở thành xã đầu tiên trong cả nước cung cấp toàn diện dịch vụ tư vấn, xét nghiệm HIV, điều trị ARV và Methadone cho người dân của địa phương. Tuy nhiên, trong thời gian sắp tới việc bố trí nguồn nhân lực trong việc duy trì mô hình cần được xem xét.

Trong tuần, đoàn công tác của Cục Phòng, chống HIV/AIDS và Tổ chức Y tế thế giới đã đến thăm và làm việc tại xã Thành Sơn do  PGS.TS Bùi Đức Dương, Phó Cục trưởng làm Trưởng đoàn.

Nhận xét về việc triển khai mô hình tại xã Thành Sơn, PGS.TS Bùi Đức Dương đã đánh giá cao sự nỗ lực của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh, TTYT huyện Quan Hóa, đặc biệt là trạm y tế xã Thành Sơn đã thực hiện rất thành công mô hình cung cấp dịch vụ tại tuyến xã như chủ trương của Bộ Y tế đã đề ra.

PGS.TS Bùi Đức Dương đề nghị trung tâm y tế huyện cần tiếp tục mở rộng việc thực hiện cung cấp dịch vụ tại các xã có nhiều người nhiễm HIV và người có hành vi nguy cơ cao để giảm tải bệnh nhân cho xã Thành Sơn để trạm y tế xã Thành Sơn có thể cung cấp các dịch vụ y tế khác.

Bệnh nhân đến uống thuốc Methadone tại trạm y tế xã Thành Sơn - Ảnh: Kim Thoa

Ông Jeffery Kobza, Trưởng đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam đánh giá: Việc phân cấp và lồng ghép dịch vụ HIV xuống y tế cơ sở có thể coi là mô hình cung cấp dịch vụ mới và có thể áp dụng cho các chương trình y tế khác, đặc biệt là ở những đia bàn miền núi nơi tiếp cận dịch vụ y tế hết sức khó khăn. Mô hình cung cấp dịch vụ HIV này có thể mở rộng cho các cộng đồng khó tiếp cận để tối ưu hóa hệ thống y tế cơ sở và cải thiện tính công bằng trong tiếp cận y tế cho người dân.

Để việc triển khai mô hình tiếp cận Điều trị 2.0 hiệu quả hơn trong thời gian tới, BS Phạm Thị Sử, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Quan Hóa kiến nghị: Bộ Y tế cần đơn giản hóa các quy trình cũng như yêu cầu về cơ sở vật chất và nhân lực cho việc cung cấp dịch vụ điều trị Methadone, bao gồm cả vận chuyển thuốc để các huyện miền núi khó khăn như Quan Hóa có thể  mở rộng hơn nữa mô hình này.

 Mô hình tiếp cận Điều trị 2.0 đã được UNAIDS và WHO khởi xướng từ năm 2011. Một trong những điểm mới trong mô hình này là phân cấp và lồng ghép dịch vụ HIV từ tuyến huyện xuống xã phường để tăng sự tiếp cận với dịch vụ cho các quần thể có nguy cơ cao từ đó thúc đẩy việc chẩn đoán sớm và điều trị sớm HIV nhằm giảm gánh nặng cho bệnh nhân cũng như ngành y tế. Việt Nam là một trong số ít nước đầu tiên trên thế giới thí điểm mô hình Điều trị 2.0 với sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế Thế giới và UNAIDS. Tính khả thi cũng như hiệu quả của mô hình này trong cung cấp dịch vụ HIV tại tuyến xã đã được chứng minh tại 2 tỉnh thí điểm Điện Biên và Cần Thơ.
Top