Yên Bái: Cung cấp dịch vụ toàn diện trong dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con

17/06/2015 16:02

Trong thời gian qua, công tác dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con ở tỉnh Yên Bái đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Chương trình đã cung cấp dịch vụ toàn diện về chăm sóc, điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Phụ nữ mang thai nhiễm HIV được theo dõi, quản lý, chăm sóc từ khi mang thai cho đến khi chuyển dạ, sau sinh. Nhờ vậy, phụ nữ mang thai nhiễm HIV hầu hết được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Tư vấn, xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai - Ảnh minh họa

Bác sỹ Phan Duy Tiêu, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Yên Bái cho biết, hệ thống dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con tuyến tỉnh, huyện, xã, phường, được củng cố dựa vào hệ thống y tế sẵn có, dịch vụ dự phòng được cung cấp 100% tại các bệnh viện.

Với nhiều giải pháp, hoạt động được triển khai nên tỷ lệ phụ nữ mang thai xét nghiệm HIV có kết quả dương tính đang có xu hướng giảm dần từ năm 2011 đến nay. Cụ thể, năm 2011, tỷ lệ này là 0,32%, năm 2012 là 0,24%, năm 2013 là 0,12% và trong năm 2014 tỷ lệ giảm xuống là 0,083%.

Trong năm 2014, tỉnh đã tổ chức tư vấn, xét nghiệm HIV cho trên 9.600 phụ nữ mang thai. Trong đó, 18 trường hợp phụ nữ mang thai nhiễm HIV được điều trị dự phòng đã sinh con và tỷ lệ HIV dương tính trong số 18 trẻ sinh ra là 0,055%, tương đương 1 trẻ nhiễm.

Theo Bác sỹ Phan Duy Tiêu, để đạt được kết quả như trên, tỉnh đã lồng ghép hệ thống dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con vào các hoạt động chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng các bệnh lây truyền qua đường tình dục tại địa phương nên thuận lợi cho công tác chỉ đạo và phối hợp triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, nhờ sự hỗ trợ về chuyên môn, kỹ thuật, kinh phí triển khai hoạt động từ một số dự án quốc tế như: Dự án SC (Dự phòng lây nhiễm HIV cho bà mẹ, trẻ em), Dự án Quỹ toàn cầu và Dự án CHAI (Sáng kiến tiếp cận y tế Quỹ Clin - tơn) giúp cho công tác dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con phát huy hiệu quả hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, tỉnh gặp một số khó khăn trong công tác này, đó là do cán bộ làm công tác dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con tại cơ sở chủ yếu làm kiêm nhiệm nên thường xuyên có sự thay đổi về cán bộ; triển khai hoạt động truyền thông, cung cấp dịch vụ còn khó khăn ở một số huyện, xã vùng cao do tập quán, trình độ văn hóa của người dân còn thấp; sự kết nối, chuyển gửi và theo dõi phụ nữ mang thai nhiễm HIV từ khi mang thai đến khi chuyển dạ và sau sinh, giữa các khoa, phòng trong cùng một đơn vị cung cấp dịch vụ lây truyền mẹ sang con của một số địa phương còn hạn chế và chưa được quan tâm.

Mở rộng mô hình dự phòng lây truyền HIV toàn diện

Để khắc phục những khó khăn, Bác sỹ Phan Duy Tiêu cho rằng, trong thời gian tới cần tiếp tục hoàn thiện, mở rộng mô hình dự phòng lây truyền HIV toàn diện, phù hợp với từng tuyến, lồng ghép các dịch vụ phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con vào các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em.

Bên cạnh đó, thực hiện dự phòng lây nhiễm HIV cho phụ nữ ở lứa tuổi sinh đẻ và dự phòng có thai ngoài ý muốn cho phụ nữ nhiễm HIV theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và Bộ Y tế; Xây dựng cơ chế chuyển tuyến hiệu quả giữa các cơ sở tư vấn xét nghiệm HIV, cơ sở chăm sóc trước sinh, các cơ sở cung cấp các dịch vụ can thiệp để phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, cơ sở điều trị, chăm sóc HIV/AIDS cho người lớn và trẻ em; cung cấp thuốc ARV để dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Theo Bác sỹ Phan Duy Tiêu, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của các cấp chính quyền, các cơ quan, đoàn thể và đăc biệt là của phụ nữ mang thai trong triển khai các can thiệp phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Tăng cường hoạt động truyền thông, quảng bá dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, để thay đổi nhận thức, hành vi của người dân trong cộng đồng nói chung và những phụ nữ độ tuổi sinh đẻ có nguy cơ nhiễm HIV nói riêng.

Trong Tháng Cao điểm dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS từ mẹ sang con năm nay, Bác sỹ Phan Duy Tiêu cho biết, tỉnh tập trung vào 7 nhóm đối tượng chính với các hoạt động như hàng năm. Tuy nhiên, năm 2015, tỉnh tập trung vào cung cấp dịch vụ phòng lây truyền mẹ con, đặc biệt tại tuyến xã, phường và tổ chức xét nghiệm sàng lọc phát hiện, điều trị sớm cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV bằng 3 thuốc phối hợp và điều trị suốt với các hoạt động chính.

Cụ thể, tham mưu với tỉnh, ngành y tế chỉ đạo các địa phương, đơn vị triển khai Tháng Cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Y tế; phối hợp với đơn vị liên quan triển khai các hoạt động truyền thông quảng bá về các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV với nhiều hình thức như tổ chức lễ phát động hưởng ứng, truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông trực tiếp đến đối tượng; tổ chức giám sát hỗ trợ chuyên môn tại các cở sở cung cấp dịch vụ dự phòng lây truyền mẹ con trong Tháng cao điểm; cung cấp tài liệu truyền thông, vật tư sinh phẩm xét nghiệm; cung ứng đầy đủ thuốc ARV phục vụ dự phòng lây truyền mẹ con tại các cơ sở sản khoa…
Top