Chống bạo lực với nữ giới thời công nghệ số ở Campuchia

03/09/2015 16:27

Bạo lực với nữ giới vẫn là vấn đề gây nhức nhối trong xã hội Campuchia. Liên hợp quốc (UN) cho biết, một trong bốn phụ nữ Campuchia bị bạo lực thể xác hoặc tình dục bởi chồng hoặc người tình, 5% đàn ông thừa nhận đã tham gia vào các vụ hiếp dâm tập thể. Hiện nay, công nghệ và các phương tiện truyền thông xã hội đang được khai thác mạnh mẽ trong cuộc chiến chống bạo lực ở nước này.

Những phụ nữ yếu thế trong xã hội

Trong một căn phòng cấp bốn đã xuống cấp ở vùng ngoại ô của Thủ đô Phnom Penh, Sreyleap (không phải tên thật của nhân vật), ngồi bệt trên sàn vừa nhấm nháp ly cà phê đá vừa kể về cuộc sống của mình. Đã quá trưa nhưng Sreyleap, cô gái 25 tuổi cũng mới tỉnh giấc sau một đêm làm việc mệt mỏi.

Công việc của một nhân viên phục vụ quán karaoke khiến cô thường xuyên phải uống rượu và đối mặt với hành vi "không đứng đắn" của khách hàng để nhận lấy số tiền bo ít ỏi. "Tôi phải đối mặt với nguy cơ bị tấn công tình dục gần như hàng đêm. Khách hàng luôn muốn chúng tôi chiều chuộng họ, nếu từ chối, họ tỏ thái độ giận dữ, đập vỡ kính hay la hét", Sreyleap nói.

Hai tháng trước, Sreyleap phát hiện mình mang thai. Tuy nhiên, khi ông chủ quán karaoke nơi cô làm việc biết tin đã yêu cầu: "hoặc là bỏ đứa bé đi, hoặc là nghỉ việc". Sreyleap mới hoàn tất thủ tục ly dị người chồng vũ phu. Theo phán quyết của tòa án, cô nhận được 60 USD/tháng từ người chồng để trả tiền thuê nhà và hỗ trợ nuôi con gái 5 tuổi. "Tôi không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc bỏ đi giọt máu của mình. Tôi đã phá thai bằng cách sử dụng loại thuốc rẻ nhất. Tôi không biết mình sẽ sống chết ra sao",  Sreyleap nói.

Những phụ nữ yếu thế trong xã hội thường xuyên bị bạo lực về thể chất và tinh thần như Sreyleap không phải là hiếm trong xã hội Campuchia hiện nay. Câu chuyện của Sreyleap cũng là câu chuyện của nhiều phụ nữ nông thôn có hoàn cảnh khó khăn di cư đến Phnom Penh để tìm việc làm. Công việc phổ biến mà họ thường tìm đến là công nhân may mặc, nhân viên tiếp thị rượu, bia, nhân viên quán karaoke hoặc gái mại dâm.

"Phụ nữ dễ trở thành nạn nhân của bạo lực, nhất là những người di cư. Dân số Phnom Penh đã tăng gấp đôi kể từ năm 1998", Caroline McCausland, Giám đốc chương trình từ thiện bảo vệ quyền lợi phụ nữ ActionAid nói. Inala Fathimath, một chuyên gia của UN nhận định, "bạo lực đối với phụ nữ, đó là một trong những hình thức vi phạm nhân quyền vẫn còn rất phổ biến ở Campuchia".

Phụ nữ nghèo di cư đến Phnom Penh tìm việc làm là nhóm đối tượng có nguy cơ bị bạo lực cao nhất.

"Cứu cánh" từ công nghệ số

Các tổ chức nhân đạo ở Campuchia đang tìm cách chống lại bạo lực với phụ nữ bằng cách khai thác thế mạnh của công nghệ và phương tiện truyền thông xã hội. Tháng trước, Quỹ Châu Á (TAF) đã triển khai ba ứng dụng trên điện thoại thông minh để cải thiện tình hình an ninh và nâng cao nhận thức của người dân về bạo lực giới. Một trong ba chương trình có tên là Safe Agent 008.

Chương trình này có hệ thống báo động, cơ chế báo cáo nặc danh và hệ thống tin nhắn tự động gửi đến bạn bè, các cơ quan chức năng nếu phụ nữ cảm thấy mình có nguy cơ bị bạo lực. Hiện nay, Safe Agent 008 đang được triển khai thí điểm trong nhóm phụ nữ hành nghề mại dâm, công nhân may mặc, nhân viên tiếp thị rượu, bia. Một ứng dụng khác có cài đặt video và âm thanh giúp những người không biết chữ có thể nắm được các quy định pháp luật về những vấn đề liên quan đến quyền lợi của mình.

"Đầu tư vào công nghệ để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống bạo lực giới là điều nên làm vào thời điểm này. 3,8 triệu người Campuchia sử dụng Internet, trong khi đó, 1,5 triệu người, chiếm 10% dân số sử dụng Facebook. 26% người dân sử dụng điện thoại thông minh", Tiến sĩ Ing Kantha nhận định. "Công nghệ có thể tiếp cận người dân nhanh hơn. Chúng tôi hy vọng, nạn bạo lực, quấy rối tình dục trên đường phố sẽ giảm thông qua chiến dịch và các ứng dụng thông minh", Lok Malin, cán bộ của TAF nói.

Campuchia cũng đang nỗ lực xây dựng thành phố an toàn bằng cách cải thiện hệ thống chiếu sáng trên đường phố, phát triển các dịch vụ vệ sinh và chỗ ở. Bên cạnh đó, Chính phủ nước này cũng chú trọng tăng cường sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội để tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân. Tác động của truyền thông xã hội có thể thấy rõ trong vụ cô Socheata bị trùm bất động sản Sok Bun tấn công bạo lực nêu trên.

Khi đoạn video được lan truyền trên mạng xã hội đã tạo nên những làn sóng phẫn nộ trong công chúng. Ông Bun bỏ trốn khỏi đất nước nhưng đã bị bắt và chờ ngày hầu tòa. "Đây là một ví dụ sinh động về sức mạnh của truyền thông xã hội. Những gì chúng ta cần làm là phải tạo ra dư luận xã hội mạnh mẽ, hướng đến xây dựng thành phố an toàn", Kate Seewald, cố vấn của chiến dịch thành phố an toàn nói. 

Top