Đội công tác xã hội tình nguyện: Không phải là hình thức

28/01/2015 09:30

Với tỷ lệ tái nghiện cao, các tình nguyện viên trong Đội công tác xã hội tình nguyện phường Chương Dương, Hoàn Kiếm, Hà Nội đã có lúc nghĩ rằng những hoạt động của Đội chỉ mang tính hình thức, phong trào, khó đem lại hiệu quả thiết thực cho cuộc sống của những người nghiện sau cai. Tuy nhiên, những trường hợp sau cai được hỗ trợ hoà nhập cộng đồng thành công đã tiếp thêm niềm tin cho các tình nguyện viên.

Chị Phạm Hồng Hạnh, Đội trưởng Đội công tác xã hội tình nguyện phường Chương Dương cho hay, phường Chương Dương hiện có 16 trường hợp là những người sau cai và đều là hội viên của câu lạc bộ (CLB) B93 (CLB dành cho những người sau cai nghiện) do Đội quản lý.

Một buổi sinh hoạt CLB của những người sau cai nghiện. Ảnh Internet

Bằng lòng nhiệt tình, kiên trì thuyết phục và coi hội viên như người thân trong gia đình, các tình nguyện viên của đội ngày càng tạo được lòng tin của hội viên sau cai.

Để những người sau cai nghiện và gia đình họ nhiệt tình tham gia các hoạt động do phường tổ chức, không mặc cảm, tự ti trước mọi người, Đội tình nguyện phường Chương Dương đã sáng tạo, đổi mới các hình thức tuyên truyền, vận động. Các buổi sinh hoạt câu lạc bộ được tổ chức bằng nhiều hình thức như: Kịch bản sân khấu hóa các tiểu phẩm tuyên truyền, tự giới thiệu về bản thân và những mong muốn của mình; chia sẻ những khó khăn, thuận lợi trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng.

Bên cạnh việc giúp đỡ những người nghiện sau cai, Đội tình nguyện còn chủ động đề nghị với Hội Liên Hiệp phụ nữ phường, Hội Cựu chiến binh đề nghị ngân hàng chính sách xã hội quận cho các gia đình người sau cai có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn làm ăn, phát triển kinh tế, đảm bảo cuộc sống. Điều này đã giúp cho các hội viên cũng như gia đình của họ có thêm niềm tin và nghị lực.

Chị Hạnh cho hay, trong câu lạc bộ có rất nhiều gương tiêu biểu vươn lên trong cuộc sống. Điển hình như anh Thẩm Văn T., sinh năm 1962. Sau khi hết thời gian cai nghiện, trở về cộng đồng, anh bị tai biến phải nằm điều trị một thời gian tại bệnh viên Thanh Nhàn. Sau khi khỏe lại, hàng ngày anh chạy xe ôm để kiếm tiền nuôi con ăn học.

Trường hợp anh Lê Quang B., đã cai nghiện trên 15 năm, anh vẫn tham gia sinh hoạt CLB B93 và là một tuyên truyền viên tích cực của câu lạc bộ. Đã trên 10 năm, gia đình anh được Đội tình nguyện và Hội phụ nữ phường đề nghị Ngân hàng chính sách xã hội cho vay vốn để sản xuất quẩy bán ra thị trường.

“Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nghiện là một căn bệnh mãn tính với tỉ lệ số người tái nghiện lên đến hơn 90%. Với tỷ lệ tái nghiện cao như vậy, có lúc tôi nghĩ rằng những hoạt động của chúng tôi chỉ mang tính hình thức, phong trào, khó đem lại hiệu quả thiết thực cho cuộc sống của những người nghiện sau cai. Nhưng trường hợp của anh Nguyễn Thành L., đã tiếp thêm niềm tin cho tôi trong công tác hỗ trợ những người nghiện sau cai để họ tái hòa nhập cộng đồng, sống có ích cho gia đình và xã hội”, chị Hạnh tâm sự.

Chị Hạnh kể, trước khi mắc nghiện L. là một người con ngoan, một người chồng, người bố gương mẫu, chăm chỉ làm ăn. Song do bạn bè lôi kéo vào con đường mắc nghiện, sau 2 năm cai tại Trung tâm, năm 2012 Long trở về địa phương, bản thân mặc cảm, hoàn cảnh gia đình khó khăn, mẹ thì già, vợ đang nuôi 2 con còn nhỏ. Biết hoàn cảnh như vậy, các tình nguyện viên đã chủ động đến gặp L., mời tham gia sinh hoạt CLB B93. Với sự quan tâm chia sẻ của cộng đồng, sự hỗ trợ của CLB B93 và lòng quyết tâm của bản thân, đến nay sau 2 năm, L. đã hòa đồng với mọi thành viên trong câu lạc bộ, hàng ngày làm xe ôm, chở hàng thuê (đứng đón khách tại gần cửa khẩu Chương Dương).

Chia sẻ kinh nghiệm hoạt động của Đội tình nguyện, chị Hạnh cho hay, để có thể giúp đỡ những người sau cai, người tình nguyện viên cần phải có kỹ năng nhận diện vấn đề, xác định nhu cầu và kỹ năng huy động nguồn lực. Một mình tình nguyện viên hoặc Đội tình nguyện thì không thể làm được mà phải có sự vào cuộc của các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể cùng hỗ trợ giúp đỡ.

Bên cạnh đó, tổ chức tốt các hoạt động nhóm, tập thể để người sau cai được thể hiện sở thích, năng lực của mình khiến họ thấy mình vẫn là những người có ích cho xã hội, từ đó vươn lên làm lại cuộc đời.

Top