Ngăn chặn xâm hại trẻ em qua đường du lịch

06/09/2014 10:21

Việc xâm hại tình dục trẻ em thông qua con đường du lịch không phải là một loại tội phạm mới, loại tội phạm này đã xuất hiện ở Việt Nam trong những năm gần đây. Đặc biệt là khi lượng khách du lịch nước ngoài vào Việt Nam ngày càng gia tăng cũng đồng nghĩa với loại tội phạm này sẽ ngày càng phức tạp.

Bóc lột trẻ em song hành với phát triển du lịch

Trong những năm vừa qua, Du lịch Việt Nam có những bước phát triển vượt bậc, đóng góp một phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế đất nước. Năm 2013, Việt Nam đã đón trên 7,57 triệu lượt khách quốc tế, tăng 10,6%, phục vụ 35 triệu lượt khách du lịch nội địa, tăng 7,7% so với năm 2012, tổng thu từ khách du lịch đạt 200 nghìn tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2012. Ngoài ra, cơ sở vật chất, hạ tầng kĩ thuật về du lịch cũng được đầu tư cải thiện.

Tuy nhiên, đi đôi với sự phát triển du lịch là nguy cơ tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên như ô nhiễm môi trường tại điểm đến, làm giảm đi sức hấp dẫn của cảnh quan đối với khách du lịch. Bên cạnh đó, đối với môi trường xã hội là nguy cơ xuất hiện loại hình du lịch tình dục, đặc biệt là du lịch tình dục trẻ em.

Tại Việt Nam, việc xâm hại tình dục trẻ em thông qua con đường du lịch đã xuất hiện gắn với lượng khách du lịch nước ngoài vào Việt Nam ngày càng gia tăng. Trẻ em trai và gái đều có thể trở thành nạn nhân của một số hình thức xâm hại và bóc lột khác nhau tại các điểm đến du lịch, nhất là với các đối tượng trẻ em như ăn xin; bán hàng rong hoặc biểu diễn trên đường phố, làm việc trong môi trường không an toàn. Hoạt động du lịch và lữ hành cũng có thể làm tăng khả năng tiếp cận với các trẻ em dễ tổn thương thông qua các hình thức rất nhân văn như thăm trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi, du lịch tình nguyện, du lịch tại gia.

Ảnh minh hoạ

Những bằng chứng đối chiếu từ những trường hợp được phát hiện và các báo cáo từ Đông Nam Á của tổ chức UNICEF cho thấy, những thủ phạm xâm hại tình dục trẻ em, khi đi du lịch thường nhắm vào những trẻ em làm việc trên phố hoặc trong các cơ sở kinh doanh phi chính thức tại những điểm đến du lịch. Do thiếu cơ chế bảo vệ cần thiết nên những trẻ em này dễ dàng trở thành mục tiêu của những kẻ xâm hại trẻ em bao gồm những kẻ xâm hại tình dục trẻ em dưới vỏ bọc là khách du lịch.

Du lịch an toàn với trẻ em: Quan điểm của khách du lịch

Dự án tuổi thơ (Chương trình phòng ngừa xâm hại trẻ em trong hoạt động du lịch -sáng kiến của Cơ quan Phát triển Quốc tế Úc (AusAID) do Tổ chức Tầm nhìn Thế giới thực hiện) đã có một cuộc khảo sát trực tuyến với trên 300 khách lữ hành quốc tế đã từng du lịch đến Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam về quan điểm của họ trong việc đảm bảo du lịch an toàn cho trẻ em.

Hơn một nửa số người tham gia cho biết họ đã chứng kiến những tình huống liên quan đến hành vi bóc lột hoặc xâm hại trẻ em khi đi du lịch tại 4 nước trên. Những người trả lời đã mô tả những tình huống khi họ gặp trẻ em bán hàng ăn xin hoặc đang bị người lớn sử dụng để lợi dụng sự cảm thông của khách du lịch. Họ cũng bày tỏ quan ngại về tình trạng trẻ em không được đi học, bị buộc phải biểu diễn phục vụ cho khách du lịch và phải chịu đựng hành vi bóc lột tình dục.

Nhiều người đã kể lại những lần mà họ trông thấy những bé gái (đôi khi là những bé trai) đi cùng với những ông “Tây” lớn tuổi hơn những tình huống mà họ cảm thấy vô cùng khó chịu.

Khách du lịch không dung túng với tình trạng xâm hại và bóc lột trẻ em trong hoạt động du lịch và tình trạng này có thể gây ra những tác động đáng kể tới hình ảnh về điểm đến mà khách du lịch và khách du lịch tiềm năng hình dung ra. Nhiều người đã rút ngắn chuyến thăm tới các địa điểm cụ thể hoặc sẽ không quay lại nơi mà họ đã chứng kiến những trường hợp mà họ tin rằng có liên quan đến việc xâm hại trẻ em.

Một nữ du khách người Úc, 36 tuổi chia sẻ. “Tôi trông thấy một người đàn ông phương Tây lớn tuổi đang ở cùng một vài cô gái trẻ trên bãi biển với những biểu hiện đáng ngờ. Tôi đã cố gắng gọi điện cho một đường dây nóng vì sự an toàn của trẻ em nhưng không liên lạc được. Vì vậy tôi chỉ chỗ của anh ta cho cảnh sát địa phương tuy nhiên họ nói rằng không thể làm gì được trừ khi người đàn ông này chứa gái trong phòng khách sạn của mình. Tôi cảm thấy tức giận và rất bất bình vì không biết phải làm gì để giúp đỡ. Tôi đã trải nghiệm sự việc tương tự tại điểm đến tiếp theo. Nơi nào cũng có đàn ông phương Tây lớn tuổi cùng với những cô gái rất trẻ trong các quán bar và uống rượu, nhưng tôi cảm thấy không thể làm gì để có thể giúp đỡ. Sự việc nhiều đến nỗi tôi nghĩ mình sẽ không quay trở lại nơi đó nữa.”

Bên cạnh đó, 85% người được hỏi họ muốn biết thêm về cách thức bảo vệ trẻ em và ngăn chặn tình trạng bóc lột trong khu vực. Tuy nhiên, 48,2% trong số đó đã không nhận được hoặc tiếp cận bất cứ thông tin bào về cách thức để bảo vệ trẻ em và người chưa thành niên trong khu vực khỏi bị xâm hại/bóc lột trước hoặc trong chuyến đi của họ.

Gần 95% người tham gia cho rằng chính sách bảo vệ trẻ em của một doanh nghiệp có ảnh hưởng đến thói quen mua sắm của họ.

Một khác du kịch đã nói rằng anh ấy “chỉ ăn ở những nhà hàng nào mà có các chính sách bảo vệ hỗ trợ trẻ em và ở tại những khách sạn an toàn với trẻ em

Một phụ nữ khác cho biết chị đã mua một ít đồ với giá cao hơn ở những cửa hàng hỗ trợ người dân địa phương và tạo công ăn việc làm cho cha mẹ và môi trường học hành an toàn cho trẻ.

Khảo sát của Dự án Tuổi thơ cho thấy, nhiều khách du lịch muốn đi du lịch một cách tích cực và thực sự mong muốn góp phần xoá đói giảm nghèo và các vấn đề xã hội khác ở các nước mà họ đến thăm. Nhiều người trong số đó đã bị ảnh hưởng đáng kể bởi các cuộc gặp gỡ với trẻ em trong khu vực và đặc biệt bởi những tình huống mà họ cho rằng có liên quan đến hành vi bóc lột và xâm hại. Tuy nhiên kiến thức của khách du lịch về những cách tốt nhất để ứng phó với tình huống như vậy còn hạn chế. Nhiều người bày tỏ nghi ngờ rằng liệu cộng đồng địa phương có quan tâm giải quyết các vấn đề về bóc lột và xâm hại trẻ em hay không.

Để xây dựng được môi trường du lịch an toàn cho trẻ em, cần sự chung tay góp sức của mỗi cá nhân nói riêng và cả cộng đồng xã hội nói chung. Đây cũng là một phần quan trọng đối với sự phát triển bền vững và lành mạnh của ngành công nghiệp du lịch.

Khuyến nghị của Dự án Tuổi thơ về du lịch an toàn với trẻ em:

1. Cung cấp nhiều thông tin hơn cho khách du lịch về tính dễ bị tổn thương của trẻ em với các hành vi xâm hại và bóc lột trong hoạt động du lịch.

2. Cung cấp cho khách du lịch những thông tin rõ ràng hơn về cách thức để trở thành khách du lịch an toàn với trẻ em.

3. Cung cấp cho khách du lịch nhiều sự lựa chọn và tuỳ chọn tiêu dùng hơn phù hợp với cá nguyên tắc du lịch an toàn với trẻ em.

4. Công khai thừa nhận và tăng cường hiểu biết về du lịch an toàn với trẻ em là trách nhiệm chung giữa chính phủ các nước, ngành công nghiệp du lịch và khách du lịch.

 

 

 

 

Top