Nhật Bản: Góc khuất đằng sau dịch vụ “hẹn hò đi dạo” với nữ sinh

03/08/2015 16:09

Trên con phố Akihabara, không khó để bắt gặp các cô gái trẻ phát những tờ rơi quảng bá dịch vụ "hẹn hò đi dạo". Ít ai nghĩ rằng, đằng sau cái tên tưởng như trong sáng ấy lại là cả một góc khuất của xã hội Nhật Bản.

Những cô gái trẻ tự chào hàng, "cho thuê" bản thân với đủ loại dịch vụ, từ nói chuyện, đi dạo với nam giới cho tới bói toán. Tuy nhiên, những dịch vụ trên chỉ là vỏ bọc hào nhoáng cho hoạt động bán thân phi pháp được giật dây bởi những tên "ma cô" đứng sau.

Một tờ rơi quảng cáo dịch vụ "hẹn hò đi dạo"

Simon Ostrovsky, một phóng viên dày dạn kinh nghiệm tại trang tin Vice đã tìm cách tiếp cận các cô gái trẻ trên địa bàn Akihabara - "thành phố điện tử" nổi tiếng ở Tokyo để quay lại phóng sự về đề tài nhức nhối này.

Loại hình phổ biến nhất tại Akihabara có lẽ là dịch vụ "hẹn hò đi dạo" Joshi-kosei osanpo (JK). Tham gia vào công việc này, những cô gái còn đang ngồi trên ghế nhà trường sẽ phải "đi dạo" cùng khách hàng có nhu cầu trong một khoảng thời gian nhất định ứng với số tiền họ trả trước đó. Thông thường, màn "đi dạo" này sẽ không kết thúc bằng việc "ai về nhà nấy", mà trái lại họ sẽ cùng nhau vào khách sạn để "tâm sự".

Không khó để tiếp cận dịch vụ này, bởi hàng ngày, các cô gái sẽ tự phát tờ rơi ở những nơi tập trung đông người, nhiều "khách hàng tiềm năng" như các phố đi bộ, trước cửa trung tâm mua sắm. 

Trong lần ghé thăm Akihabara, phóng viên Simon đã may mắn mời được một cô gái trả lời phỏng vấn về nghề nghiệp đặc biệt này. Cô gái này tiết lộ mình đã "hành nghề" từ năm 16 tuổi, bởi lý do mẹ cô bị tâm thần, gia đình lại không được hòa thuận.

"Tôi tham gia hoạt động hẹn hò JK một cách nhẹ nhàng, với tư tưởng trong sáng. Nhưng câu chuyện đã thay đổi quá nhanh" - cô nói - "Trong công việc này còn có những lựa chọn ngầm và nhiều chuyện kỳ quặc khác."

Cô gái cho biết mình chẳng bao giờ phải ăn bận đẹp để đi hẹn hò, bởi khách hàng thích các nữ sinh trẻ trung, tươi tắn. Thực tế thì chiếc váy và chiếc áo mà cô đang mặc chính là đồng phục của học sinh lớp 11.

Đây không phải là một loại hình "kinh doanh" đơn lẻ, mà đứng phía sau những "cô đào nhí" này luôn có một đường dây tội phạm chuyên nghiệp, chịu trách nhiệm "bố trí" khu vực hoạt động cho từng nhóm. Mặc dù sở cảnh sát chỉ cách con phố này có một đoạn ngắn, nhưng các dịch vụ này vẫn âm thầm hoạt động.

Loại hình dịch vụ đàn ông trả tiền để được nói chuyện với các cô gái đã có từ những năm 1990 cho tới bây giờ. Thông thường, giá cho 30 phút trò chuyện là khoảng 3.000 - 4.000 yen (khoảng 500.000 -700.000 đồng) và 5.000 - 8.000 yen (900.000 - 1,3 triệu đồng) nếu khách hàng muốn "độc chiếm" cô gái trong một tiếng đồng hồ.

Ngoài thể thức truyền thống này còn có một loại hình "tiếp thị" tập thể khác, các cô gái tự thành lập một "ban nhạc" rồi cùng nhau biểu diễn. Các show diễn này thường thu hút rất đông đàn ông tới xem, nhiều người còn trả tiền để được gặp gỡ các cô gái sau buổi biểu diễn, phần lớn trong số đó là những người trong độ tuổi 40 - 50.

Dạng hẹn hò kiểu này đã gây chú ý trong năm ngoái, khi nó xuất hiện trong báo cáo thường niên của Bộ Ngoại giao Mỹ về hoạt động buôn người. Chính quyền Mỹ coi hẹn hò JK là bình phong để các hoạt động kinh doanh mại dâm diễn ra, dưới sự điều hành của các băng tội phạm.

Một trong những nhân tố dẫn đến tình trạng các cô gái Nhật Bản còn quá trẻ đã dính vào con đường bán dâm là do cuộc sống ở xứ sở hoa anh đào không hề dễ dàng và sự phân biệt giới tính vẫn còn ảnh hưởng quá lớn, khiến phụ nữ tại đây có rất ít cơ hội để vươn lên trong cuộc sống. Do hoàn cảnh xô đẩy, các cô gái tuổi teen buộc phải tham gia vào các đường dây dịch vụ trá hình để kiếm sống.

Bên cạnh đó, vì Nhật Bản là một quốc gia coi trọng thể diện nên nhiều cô gái lỡ bán thân phải tự mình vật lộn với cuộc sống chứ không dám tìm đến sự giúp đỡ từ gia đình, bạn bè. Và một khi đã dính vào con đường bán dâm đầy tai tiếng, các cô gái sẽ phải đối mặt với sự dè bỉu, xa lánh của người thân, cộng đồng. 

 

 

Top