Quyết liệt phòng, chống tội phạm mua bán người

03/09/2015 14:45

Theo Thiếu tướng Nguyễn Phong Hòa, Phó Tổng Cục trưởng, Tổng cục Cảnh sát, Việt Nam được xác định là địa bàn đi, đến và trung chuyển của của những đối tượng phạm tội, đặc biệt tội phạm mua bán người đã xảy ra tại tất cả 63 tỉnh, thành phố trên dải đất hình chữ S.

Triệt xóa nhiều đường dây mua bán người. Ảnh minh họa

Trong những năm gần đây tình hình hoạt động của tội phạm mua bán người, đặc biệt là mua bán phụ nữ và trẻ em ở nước ta diễn biến phức tạp, tính chất, quy mô và thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi, xảo quyệt, có tổ chức chặt chẽ.

Hiện nay đối tượng bị mua bán không chỉ nguyên phụ nữ, trẻ em, mà còn đàn ông, bào thai, trẻ sơ sinh, nội tạng và hoạt động đẻ thuê. Thời gian gần đây, bọn tội phạm lợi dụng việc đưa người di cư trái phép, môi giới lấy chồng nước ngoài, xuất khẩu lao động, cho nhận con nuôi, thăm thân, du lịch… để lừa đảo đưa người ra nước ngoài bán.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Phòng, chống tội phạm Chính phủ, từ năm 2011 đến tháng 6/2015, toàn quốc xảy ra 2.108 vụ, với  3.108 đối tượng, lừa bán 4.265 nạn nhân. So với cùng thời gian trước (từ năm 2006 - 2010), tăng 23% số vụ và 14,5% số nạn nhân; trong đó, 15% số vụ trong nội địa và 85% ra nước ngoài, chủ yếu sang Trung Quốc (chiếm 70%).

Các đối tượng phạm tội thường lợi dụng tình hình khó khăn kinh tế, thất nghiệp, thiếu việc làm, nhẹ dạ cả tin của người dân, bằng những lời đường mật dụ dỗ tìm kiếm việc làm đơn giản, có thu nhập cao rồi đưa người ra nước ngoài, bán vào các động mại dâm, cưỡng bức lao động, cưỡng ép hôn nhân, chủ yếu đưa sang Malaysia, Singapo, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan... hoặc lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin, mất cảnh giác của một bộ phận học sinh, sinh viên để lừa bán (chiếm trên 6%); lợi dụng địa bàn miền núi vắng vẻ, đột nhập nhà dân, giết người thân, chiếm đoạt, bắt cóc trẻ em; mua bán trẻ sơ sinh, trẻ trong bào thai (chiếm 16%)...

Những đối tượng phạm tội thường là những tên lưu manh chuyên nghiệp, có tiền án, tiền sự về mua bán người; người nước ngoài thông qua công ty môi giới vào Việt Nam dưới dạng thăm quan, du lịch, hoạt động kinh doanh rồi móc nối, cấu kết với cò mồi, môi giới người Việt Nam, hình thành những đường dây mua bán người xuyên quốc gia, quốc tế. Một số người từng là nạn nhân hoặc lấy chồng người nước ngoài khi về thăm quê lại trở thành thủ phạm dụ dỗ, lừa bán những phụ nữ, trẻ em khác, kể cả những người thân trong gia đình; hoặc lợi dụng việc buôn bán, làm ăn qua lại biên giới hoặc kinh doanh các dịch vụ dọc biên giới để tham gia hoạt động phạm tội.

Cần thiết xây dựng Chương trình 130/CP giai đoạn 2016- 2020

Được sự quan tâm và chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, nỗ lực của các bộ, ngành và địa phương, đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, sự đồng thuận của toàn xã hội tích cực tham gia phòng, chống tội phạm mua bán người.

Công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như trực tiếp tại cộng đồng đã tạo sự chuyển biến cơ bản về nhận thức và hành động trong toàn xã hội về phòng, chống mua bán người.

Bên cạnh đó, các tuyến, địa bàn trọng điểm về mua bán người đều được áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn; tỷ lệ điều tra, khám phá các vụ án mua bán người được nâng cao (tăng gần 4% so với cùng kỳ giai đoạn trước). Hàng năm, tỷ lệ truy tố, xét xử các vụ án mua bán người đều đạt trên 95% tổng số vụ án phải đưa ra xét xử, đảm bảo nghiêm minh và chưa phát hiện trường hợp nào oan sai, nhất là các vụ án điểm, gây bức xúc trong xã hội, được đưa ra xét xử công khai, lưu động.

Theo đánh giá của Cơ quan phòng, chống tội phạm của Liên Hợp quốc (UNODC) và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), hiện trên thế giới có khoảng trên 17,5 triệu người là nạn nhân của mua bán người và trên 20,9 triệu người đang bị cưỡng bức lao động, ước tính lợi nhuận của tội phạm mua bán người đạt khoảng 32 tỷ USD mỗi năm. Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là các nước Tiểu vùng sông Mê Kông (trong đó có Việt Nam), tình hình tội phạm mua bán người rất phức tạp và có số nạn nhân bị mua bán cao nhất 11,7 triệu người, chiếm khoảng 70% (55% là phụ nữ, trẻ em gái và 45% là nam giới). Các quốc gia và cộng đồng quốc tế đã và đang nỗ lực, quyết tâm chống lại loại tội phạm này, được Liên Hợp Quốc đưa vào Chương trình phòng, chống mua bán người toàn cầu.

Theo dự thảo Chương trình 130/CP, mục tiêu chung của Chương trình là giảm nguy cơ mua bán người; giảm tội phạm mua bán người; thực hiện hiệu quả công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về. 5 nhóm giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm chủ yếu, bao gồm: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra của các cấp uỷ Đảng, chính quyền đối với công tác phòng, chống mua bán người; Chỉ đạo, triển khai các lực lượng, biện pháp để điều tra, truy tố, xét xử tội phạm mua bán người và bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân; Đa dạng hóa các hình thức và nội dung truyền thông về phòng, chống mua bán người; Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính và thực hiện công tác giám sát, đánh giá Chương trình; Thực hiện công tác nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người.

Theo đó, để đạt được 5 mục tiêu cụ thể này, Chương trình sẽ có 5 đề án, bao gồm: Đề án 1 là Truyền thông phòng, chống mua bán người; Đề án 2 là Đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người; Đề án 3 là Tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; Đề án 4 là Hoàn thiện pháp luật và theo dõi thi hành chính sách, pháp luật về phòng, chống mua bán người; Đề án 5 là Hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người.

Top