Đi qua ngày giông bão

21/07/2014 08:28

“Những ai chưa nghiện, xin hãy xa rời ma túy. Những ai đã nghiện thì hãy tin rằng, không ai có thể giúp đỡ được mình bằng chính bản thân mình. Nếu bạn có niềm tin thì bạn sẽ vượt qua được mọi khổ ải, kể cả cái chết”.

Đó là thông điệp của anh Lê Trung Nghĩa gửi tới những người nghiện, một thông điệp của của hy vọng, của niềm tin.

Từng gặp không ít những mảnh đời đớn đau, mất tất cả vì lỡ trượt chân vào ma túy. Nhưng câu chuyện của Nghĩa  gieo vào lòng tôi một nỗi ám ảnh lạ kỳ. Nghiện ma túy, không may nhiễm HIV… Những tưởng cuộc sống đã quay lưng với anh, nhưng không, anh đã lật ngược số phận rồi đứng lên mạnh mẽ.

Sóng gió tuổi thơ…

Nghĩa sinh ra trong một gia đình buôn bán nhỏ ở Sài Gòn. Tuổi thơ của cậu bé êm đềm trôi qua trong vòng tay yêu thương của bố mẹ. Sóng gió cuộc đời bắt đầu nổi lên từ năm lớp 2 khi mẹ cậu bé qua đời vì bệnh nặng. Với cậu bé, đây là mất mát không gì có thể bù đắp được…

Để có người chăm sóc hai đứa con trai còn thơ dại, bố anh đi bước nữa. Sóng gió gia đình bắt nguồn từ đây, khi anh ruột không chấp nhận mẹ kế… Cậu bé Nghĩa  vốn mê game từ nhỏ, khi hết tiền chơi, cậu lấy cắp tiền của người thân trong gia đình chơi game. Biết chuyện, bố cậu tức giận đánh mắng, Nghĩa đã phải hứng chịu những trận đòn khủng khiếp…

Cậu bé Cậu bé Lê Trung Nghĩa hồi còn đi học (ảnh do nhân vật cung cấp)

Đi bụi…

Lên cấp 2, Nghĩa học trường bán công Tân Bình. Cuối cấp 2, kết quả học tập của cậu bé tự nhiên sút giảm, thỉnh thoảng cậu bé lại ngủ gật trong lớp. Trước tình trạng trên, cô chủ nhiệm đã gửi giấy mời về gia đình. Nhắc đến kỷ niệm buồn này, Nghĩa trầm tư: “Nhận được giấy mời, mẹ kế của mình lên gặp cô chủ nhiệm. Cô giáo cho biết, không biết có phải Nghĩa nghiện ma túy hay không mà dạo này học sa sút  quá, lại hay ngủ gật trong lớp. Cô yêu cầu gia đình mình xác định, nếu mình thực sự nghiện ma túy thì phải nói thật để gia đình đưa đi cai nghiện, còn nếu không thì phải viết kiểm điểm để đọc trước lễ chào cờ của nhà trường…”.

Sau khi nghe vợ kể, thay vì bình tĩnh hỏi han con trai, ông bố nghĩ rằng Nghĩa đã nghiện vì bác trai và chú của Nghĩa đã từng nghiện ma túy. Thực tế, Nghĩa không hề nghiện ngập gì cả nhưng trước thái độ gay gắt của bố, cậu bé lớp 9 cảm thấy mình bị kết tội. Nghĩa cũng ý thức được việc mình học hành chểnh mảng và hay ngủ gật, cậu bé tự hứa với lòng mình sẽ cố gắng khắc phục hơn nữa. Nghĩa trùng giọng: “mình nhiều lần cố gắng thuyết phục để bố hiểu rõ và có ý kiến với cô giáo chủ nhiệm một cách xác đáng, nhưng bố mình không nghe. Quá thất vọng, và thấy cô độc trong chính gia đình mình, mình quyết định bỏ học đi bụi”.

Ngỡ gặp quý nhân…

Vào một buổi tối năm 1998, sau một ngày lang thang đói lả, Nghĩa ghé vào một xe hủ tíu gõ. Vừa ngồi xuống vỉa hè, một thanh niên bất ngờ xuất hiện. Chỉ cần nhìn thoáng qua anh ta đã biết được hoàn cảnh của Nghĩa, mời Nghĩa ăn cơm và giới thiệu tên mình là Thành và ngỏ ý muốn rủ Nghĩa ở cùng.

Như người sắp chết đuối vớ được phao, Nghĩa cứ tưởng mình đã gặp quý nhân nên ngoan ngoãn theo Thành về phòng trọ ở quận Tân Bình. Hai người vừa về được một lúc, một cô gái độ 20 gõ cửa tự nhiên đi vào… Qua những câu đối đáp giữa hai người, Nghĩa mang máng hiểu rằng, cô gái ấy là "em họ" của Thành. Quá mệt mỏi sau một ngày lang thang vật vờ,  Nghĩa nhanh chóng chìm vào giấc ngủ…

Sáng hôm sau, theo thói quen Nghĩa dậy sớm. Điều đầu tiên đập vào mắt Nghĩa là cảnh tượng lộn xộn và bừa bãi…

Nhấp ngụm trà nóng, Nghĩa tiếp tục trải lòng: “Lúc đó, linh tính mách bảo mình có sự bất ổn, nhưng mình cũng không biết đi đâu… Thế rồi, ngày nào mình cũng thấy hai người đó rời nhà từ 9 - 10 giờ sáng, đến khuya mới về. Cứ mỗi tối sau khi đi làm,  họ lại hút thuốc và hít heroin... Mỗi khi hít, họ thường “động viên” mình hít thử nhưng mấy lần đầu mình từ chối.

Ngọc bảo mình, nếu em muốn hít heroin thì đầu tiên phải tập hút thuốc lá cái đã. Lúc đó đang buồn chán, ngày nào cũng đập vào mắt nên mình tò mò nghe theo Ngọc mà có ngờ đâu Ngọc đã bí mật tẩm heroin vào thuốc lá”.

Sau khi đã nghiện, Nghĩa lờ mờ nhận ra cái bẫy độc ác mà Thành và Ngọc đã đào sẵn, chỉ đợi Nghĩa sa vào. Trên thực tế, Thành là một ông trùm chuyên bán ma túy tại đường Bạch Đằng. Còn Ngọc vừa là gái mại dâm, vừa là con nghiện, ban đầu là khách hàng dần dần trở thành đầu mối của Thành. Đến lúc này, Thành mới lộ bản chất “người tốt”. Thành nói: “Từ nay, không có của chùa cho mày dùng nữa đâu, muốn có nhiều tiền mua thuốc mày phải đi bán lẻ heroine  thôi. Đồng ý không?"

Ý thức được cạm bẫy này, Nghĩa đã hình dung được cái giá phải trả về sau, nhưng trong cảnh đói thuốc, anh ngập ngừng gật đầu. Đến tháng 1/1999, công an thực hiện chiến dịch truy quét tệ nạn ma túy tại đường Bạch Đằng, Thành nhanh chân bỏ chạy. Để tránh công an và với quyết tâm cai nghiện thử, Ngọc và Nghĩa cùng vài người bạn khác chạy về Cà Mau.

Sau 10 ngày trốn chui nhủi ở Cà Mau, lượng ma túy mang dần vơi đi, cả nhóm chuyển từ hít sang chích. Hết thuốc cả bọn lại kéo nhau về Sài Gòn tìm “hàng”. Tới Sài Gòn, cả nhóm dạt vào một quán Karaoke quận Gò Vấp,  rồi cử một người về đường Bạch Đằng mua heroin. Có “hàng”, cả nhóm nhanh chóng qua cơn vật vã rồi rủ nhau ra Thủ Đức thuê phòng trọ.

Đứng dậy trong giông bão…

Vì nhớ nhà và thiếu tiền, ở Thủ Đức được chừng 4 ngày, Nghĩa xin Ngọc tiền đi xe ôm về thăm nhà. Thấy Nghĩa về, cả nhà ai cũng vui mừng và động viên Nghĩa ở nhà đi học. Riêng bố dặn dò: "Con hãy giữ gìn sức khỏe để muốn đi học lại ở trường nào thì bố sẽ xin cho vào trường đó, chứ đừng bỏ nhà đi nữa”. Nghe bố nói vậy, Nghĩa thấy rất an lòng. Tuy nhiên khi màn đêm buông xuống, khi đang ngồi chơi với đứa em họ tên Long thì Nghĩa lên cơn vật vã. Cố không để lộ ra, Nghĩa nói nhanh với người em họ phải đi có việc. Vội vàng, Nghĩa bắt xe ôm “dông” thẳng xuống Thủ Đức luôn.

Đợi lâu không thấy Nghĩa quay về và thấy Nghĩa có thái độ không bình thường, Long sinh nghi nên đã báo cho bố và mẹ kế của Nghĩa biết. Kể đến đây, đôi mắt Nghĩa rưng rưng: “Thực ra ở giai đoạn này mình đã nghiện rất nặng, mỗi ngày phải có từ 6 - 7 cữ mới thoả mãn. Bản thân mình muốn thoát khỏi ma túy lắm, nhưng không thể… Bác xe ôm gần nhà tốt lắm, bác đã tự nguyện chở bố đến tận nơi mình ở trọ. Bố con gặp nhau, mình tự nguyện theo bố về ngay trong đêm. Sáng hôm sau, mình được đưa vào cai nghiện tại Trung tâm tư vấn cai nghiện Nơ Trang Long. Mình đã cắt cơn sau 10 ngày điều trị, nên trung tâm cho gia đình đón về”.

Tuy nhiên, ma túy khi đã bập vào thì khó lòng mà dứt ra được. Nghĩa tiếp tục trải qua hai lần cai nghiện rồi lại tái nghiện. Do Nghĩa rất tự giác trong học tập và cai nghiện nên được cán bộ quản giáo rất tin tưởng. Đến tháng 12/2006, Nghĩa cai nghiện thành công, trở về với gia đình. Cứ tưởng mối “duyên nợ” với ma túy đã chấm dứt, Nghĩa có ngờ đâu,  ở ngoài đời cạm bẫy ma túy giăng ra ở khắp nơi. Mới chân ướt, chân ráo từ Trung tâm trở về, Nghĩa lại tái nghiện… Điệp khúc cai rồi tái cứ lặp đi lặp lại. Mãi đến tháng 10/2010, Nghĩa mới cai nghiện thành công và được về nhà.

Nghĩa đã qua 3 lần vào các trung tâm cai nghiện,  bằng ý chí của mình, cuối cùng anh đoạn tuyệt được với ma túy. Anh mỉm cười vui vẻ,  kể lại: “để tránh rơi vào tâm trạng chán chường sau khi ra khỏi trung tâm, mình đã tự đi xin việc ở quận Gò Vấp, rồi sau đó làm nhân viên tạp vụ ở Bình Thạnh. Những vết thương từ quá khứ tưởng chừng như đã khép kín. Tuy nhiên, bão tố lại ập đến: trong một lần xét nghiệm sau cai,  mình phát hiện đã nhiễm HIV. Cầm tờ kết quả xét nghiệm trên tay, mình thấy đất trời như sụp đổ. Nhiều lần, mình định tìm đến cái chết…”.

Đang trong  giai đoạn tuyệt vọng, đớn đau Nghĩa may mắn gặp lại các thầy mà anh từng quen biết trong những lần đi cai trước đây. Thông cảm với hoàn cảnh của anh, các thầy đã giới thiệu Nghĩa vào làm việc tại một Trung tâm Y tế dự phòng. Tại đây, Nghĩa được giao nhiệm vụ làm tuyên truyền viên đồng đẳng. Công việc hàng ngày của anh là ra điểm tiếp xúc với người nghiện để tuyên truyền, tư vấn cho họ về phương pháp cai nghiện và cách tiếp xúc với các trung tâm dịch vụ y tế để xét nghiệm, thử máu…

Lê Trung Nghĩa (hàng sau cùng, thứ tư từ trái sang) tham gia lớp tập huấn chống kỳ thị, phân biệt đối với người nhiễm HIV (ảnh do nhân vật cung cấp).

Từ tháng 4 năm 2012 , anh bắt đầu gắn bó với công việc này. Làm việc dưới môi trường mới, Nghĩa đã chứng kiến được nhiều mảnh đời còn éo le, đớn đau hơn mình. Đồng cảm với họ, anh đã đã tư vấn, vận động được gần chục người đi cai nghiện và xét nghiệm thử máu.  

Điều đáng mừng, sau một thời gian tích cực điều trị, Nghĩa đã tìm được niềm vui và động lực trong cuộc sống. Khi được hỏi, trong quá trình vận động mọi người đi xét nghiệm, anh gặp khó khăn gì. Nghĩa cười: “Người nghiện cũng là con người mà, bản tính thiện vẫn ở trong họ, khi ta đến với họ bằng tình yêu thương chân thật, không vì mục đích cá nhân, ta sẽ là chỗ dựa tinh thần để giúp họ tin rằng, đoạn tuyệt với ma túy".

Tới thời điểm hiện tại, anh đã chuyển sang làm  việc khác, nhưng khi gặp những hoàn cảnh tương tự, anh hết lòng giúp đỡ họ. Tôi vẫn nhớ mãi lời anh nói: "Giúp người là không nên nhớ, nên ghi…”.

Top