Điều trị và chăm sóc lệ thuộc ma túy dựa vào cộng đồng

02/10/2014 15:49

Với hình thức điều trị tại cộng đồng, chương trình điều trị và chăm sóc lệ thuộc ma túy đem lại nhiều lợi ích cao như: tạo điều kiện cho bệnh nhân tiếp cận với điều trị; chú trọng hòa nhập xã hội; chi phí phù hợp; giáo dục cộng đồng giảm kỳ thị; ít ảnh hưởng tới công việc, gia đình...

Ngày 1/10, tại T.P Thái Nguyên, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) đã phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) tổ chức Hội thảo lập kế hoạch thí điểm mô hình điều trị và chăm sóc lệ thuộc ma túy dựa vào cộng đồng.

Điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone cho người nghiện

Chương trình điều trị và chăm sóc lệ thuộc ma túy toàn cầu được triển khai từ năm 2009 tại trên 20 nước và bắt đầu được triển khai ở Việt Nam từ cuối năm 2013.

Mục tiêu của Chương trình là điều trị và chăm sóc toàn diện, tự nguyện, hiệu quả và nhân đạo tại cộng đồng cho những người lệ thuộc ma túy; điều trị, chăm sóc người lệ thuộc ma túy như bệnh nhân mắc bệnh mãn tính; giảm thiểu các hậu quả tiêu cực về sức khỏe và xã hội của việc sử dụng, lệ thuộc ma túy; mở rộng tiếp cận với Methadone cho người sử dụng ma túy dạng thuốc phiện.

Tại hội thảo, các đại biểu trao đổi về Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy và chính sách liên quan đến điều trị và chăm sóc lệ thuộc ma túy; tổng quan về công tác điều trị và chăm sóc lệ thuộc ma túy; thí điểm mô hình điều trị và chăm sóc toàn diện cho người sử dụng ma túy tại cấp huyện, xã.

Ngoài ra, các đại biểu cũng tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến về các vấn đề như: Dịch vụ xã hội để hỗ trợ người sử dụng ma túy, làm thế nào để liên kết các dịch vụ này với các dịch vụ y tế; các rào cản đối với việc thực hiện thí điểm mô hình đã đưa ra, những kiến nghị, giải pháp để tháo dỡ các rào cản...

Theo đó, các đại biểu cho rằng, các dịch vụ điều trị lệ thuộc chất gây nghiện dựa vào cộng đồng giúp các dịch vụ dễ tiếp cận và có hiệu quả trong việc tiết kiệm chi phí; để thực hiện các mô hình cần có sự tham gia của nhiều ban, ngành, đoàn thể và có sự vận động toàn dân, nhằm đáp ứng, hỗ trợ hơn nữa cho những người lệ thuộc vào ma túy trong việc dự phòng, chăm sóc và tái hòa nhập cộng đồng.

Bên cạnh đó, những người lệ thuộc ma túy cần một môi trường hỗ trợ từ cộng đồng chứ không phải là sự kỳ thị và phân biệt đối xử để giúp họ tham gia tốt hơn vào công tác điều trị; tất cả các can thiệp chăm sóc y tế khác bao gồm cả việc điều trị lệ thuộc ma túy cần được triển khai dựa trên cơ sở tự nguyện và có sự đồng ý tham gia của bệnh nhân sau khi đã được thông tin đầy đủ...

Trước đó, các đại biểu đã đi khảo sát công tác điều trị và chăm sóc lệ thuộc ma túy dựa vào cộng đồng tại huyện Đại Từ, Thái Nguyên.

Trong thời gian tới, mô hình điều trị chăm sóc lệ thuộc ma túy sẽ được triển khai tại tỉnh Thái Nguyên với nhiều hoạt động như: Thành lập điểm cấp phát Methadone tại xã; tập huấn cho cán bộ y tế xã về Methadone; theo dõi, hỗ trợ kỹ thuật; tăng cường năng lực và hỗ trợ kỹ thuật thông qua việc tập huấn cho các tư vấn viên, giáo dục viên đồng đẳng về các kỹ năng tâm lý xã hội về can thiệp dự phòng nhanh, cung cấp thông tin cho bệnh nhân về thuốc và điều trị, cung cấp hỗ trợ đào tạo; tổ chức các hoạt động nâng cao nhận thức của cộng đồng; tăng cường sự phối hợp giữa các ngành liên quan...

Tính đến tháng 6/2014, toàn tỉnh Thái Nguyên phát hiện trên 5.800 người nghiện ma túy. Trong đó, hơn 61% người nghiện sử dụng ma túy dưới hình thức tiêm chích, trên 13% người sử dụng hình thức hít ma túy và trên 25% sử dụng hình thức uống ma túy. Chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone được triển khai trên địa bàn từ tháng 9/2011 và đến nay đã có 6 cơ sở điều trị với gần 1.500 người điều trị.

 

Top