Hãy cảnh giác với “bánh lười” có ma túy

24/05/2015 09:59

Sau một thời gian trào lưu sử dụng “bóng cười” làm điên đảo giới trẻ, gần đây “bánh lười” lại nổi lên như một thú chơi mới. Có thể sử dụng ở bất kỳ nơi nào, không cần phải dùng đến những công “cụ hỗ trợ” phức tạp như cóng hay bình, “bánh lười” vẫn mang lại độ “phê” như những loại ma túy khác. Chính vì sự đơn giản, khó phát hiện này mà “bánh lười” đang trở thành một hiểm họa khôn lường trong giới trẻ.

Ma túy đội lốt bánh ngọt

Chị Trần Quỳnh Hương, hiện đang làm việc cho một tổ chức nước ngoài tại Việt Nam. Gần đây, chị Hương được một người bạn mới đi du học nước ngoài về mời tới nhà dự một bữa tiệc. Do người bạn của chị Hương có thời gian sống ở nước ngoài khá lâu, bố mẹ hiện đang công tác tại miền Nam nên bữa tiệc diễn ra khá thoải mái.

Trong bữa tiệc này chị Hương được người bạn này rủ tham gia một trò chơi có tên gọi… ăn bánh. Hình thức của trò chơi này khá đơn giản, mọi người chỉ cần cắn một miếng bánh, ăn và sau đó cảm nhận xem mùi vị của chiếc bánh như thế nào và được chế tạo từ nguyên liệu gì. Ngay sau đó, người bạn của chị Hương mang ra một chiếc bánh.

Bao bì của chiếc bánh khá đơn giản nó được bọc trong một chiếc túi ni-lông, ở ngoài có dòng chữ Lazy Cakes - Brownie. Nhìn thấy dòng chữ này trên chiếc bánh chị Hương không hề nghi ngờ bởi theo hiểu biết của chị, Brownie là một loại bánh ngọt khá phổ biến ở châu Âu. Hình thức của chiếc bánh mà người bạn kia mang ra cũng khá giống với những chiếc bánh browine mà chị đã từng thưởng thức trước đó.

Tuy nhiên sự thật lại khác xa với những suy nghĩ của chị. Chị Quỳnh Hương cho biết ngay sau khi thưởng thức miếng bánh của mình, chị phát hiện ra chiếc bánh có mùi vị khá lạ, không giống như mùi vị của chiếc bánh thông thường khác. Tuy khó thưởng thức nhưng do đã trót tham gia vào cuộc chơi nên chị Hương vẫn phải ăn đến miếng cuối cùng, mặc dù vậy, chị vẫn không thể đoán ra được chiếc bánh mình ăn có thành phần là gì.

Tò mò chị Quỳnh Hương hỏi các bạn của mình thì chỉ nhận được những tràng cười lớn. Chừng khoảng 15 phút sau khi ăn bánh, chị Hương bắt đầu bỗng thấy có cảm giác khó chịu, người mềm nhũn và toàn thân nặng trịch, mắt cứ hoa lên, còn đầu óc thì quay cuồng. Nằm trên ghế mà muốn nhấc cánh tay lên cũng không tài nào nhấc được, chị gắng xoay người cũng không thể xoay được. Hoảng sợ nhưng chị Hương không biết mình bị làm sao. Cái cảm giác ấy còn kéo dài cho đến hết bữa tiệc sau đó. Mãi về sau này một người bạn mới bật mí cho chị Hương biết chiếc bánh mà chị ăn trong bữa tiệc hôm đó thực chất có thành phần là cần sa. Vì biết chị Hương vốn chưa từng hút “cỏ” bao giờ nên họ muốn trêu cô bằng cách bày ra trò ăn bánh như vậy.

Loại bánh ngọt có ma túy mà chị Hương vô tình sử dụng ở trên có tên gọi là “bánh lười” (Lazy Cakes). Dù không đến mức phổ biến và có thể dễ dàng mua được như bóng cười, nhưng bánh lười lại được giới trẻ ưa chuộng để chứng tỏ sự sành điệu của mình. Khác với bóng cười có thể dễ dàng đặt mua trên mạng, bánh lười phần lớn chỉ được “truyền miệng” trong giới trẻ. Đây cũng là một điều dễ hiểu bởi, nếu như bóng cười được bơm khí cười N2O với mục đích hít vào rồi thổi ra để cho khí này thấm vào trong mạch máu rồi theo máu lên não bộ, tác động đến hệ thần kinh thì thành phần của bánh lười lại có chứa cần sa bị pháp luật nghiêm cấm. Do vậy nếu để bị cơ quan chức năng phát hiện có thể sẽ bị xử lý nghiêm khắc.

Hoàng Anh Tùng một dân chơi có thâm niên ở Phố Huế (TP Hà Nội) cho biết, “bánh lười” được giới trẻ Hà thành biết đến chừng khoảng hơn 2 năm trở lại đấy. Mới đầu “bánh lười” được giới thiệu về Việt Nam bởi các du học sinh sau thời gian mở rộng kiến thức ăn chơi ở xứ người. Sau một thời gian kiểm chứng, “bánh lười” càng ngày càng được những dân chơi sành điệu ưa chuộng. Ưu điểm của bánh lười đó là dễ sử dụng, và rất dễ “qua mặt” các vị phụ huynh khó tính.

Tùng hài hước so sánh: “Giả sử như một đám học sinh tụ tập tại một căn phòng, chơi “ke” hoặc hút “cần” nếu bị phát hiện sẽ lập tức bị các phụ huynh tống cổ, thậm chí cấm cửa. Tuy nhiên, nếu chỉ quây quần ngồi ăn… bánh ngọt thì chẳng những không bị đuổi mà thậm chí có thể còn được cho thêm tiền để mua nữa”. Theo như Tùng cho biết, “bánh lười” thường dùng cho 3 đến 4 người ăn và có hiệu lực trong vòng 45 - 60 phút. Và đặc biệt khác với cách sử dụng cần sa thông thường, cần sa tiêu thụ qua bánh lười là bằng đường ăn nên sẽ hiệu quả hơn đường hút. 

Mối nguy hiểm chết người

Nhìn qua vẻ bề ngoài, bánh lười trông hấp dẫn và ngon mắt như những chiếc bánh Brownie vẫn bán trên thị trường, thậm chí còn có mùi thơm của chocolate, vị ngọt của nho khô. Tuy nhiên trên thực tế, “bánh lười” không ngọt ngào, thơm ngon như vẻ bề  ngoài của nó. Nguyên liệu để làm “bánh lười” gồm phần búp của cây cần sa (hay còn gọi là pin, cỏ) được xay nhuyễn rồi trộn với bơ.

Hỗn hợp này tiếp tục được trộn với bột mì, trái cây khô, chocolate… rồi nướng như cách làm bánh Brownie thật nên thoạt nhìn trông nó sẽ rất ngon mắt, nhưng khi ăn, chất ma túy sẽ ngấm nhanh vào máu khiến cho người sử dụng có cảm giác “phê”, đầu óc được giải phóng… Đặc biệt, tác dụng phụ của loại ma túy này là khiến cho người sử dụng dễ buồn ngủ, chỉ thích nằm (ngồi) một chỗ và… cười.

Chính vì thế mà nó còn có tên là “bánh lười”. Do chất ma túy này được “núp bóng” dưới dạng bánh ngọt nên những thành phần sử dụng bánh lười khá đa dạng, thậm chí còn có cả những học sinh trung học sử dụng. Dưới cái mác bánh ngọt, loại ma túy này có thể giúp các dân chơi dễ “qua mặt” những vị phụ huynh khó tính, thậm chí là có thể tự chế biến ngay tại nhà. 

Trên thế giới loại bánh ngọt có thành phần ma túy này đã được biết đến từ khá lâu, việc sử dụng “bánh lười” đã được các bác sĩ đưa ra nhiều khuyến cáo về tác hại của nó đối với sức khỏe của con người. Theo đó, thành phần chính của bánh lười là cần sa, có chứa chất melatonin. Đây là một thần kinh nội tiết tố được sản xuất trong cơ thể và giúp con người dễ ngủ hơn. Nhưng số lượng melatonin trong “bánh lười” thường nhiều gấp đôi so với số lượng được đề nghị cho sử dụng để giúp những người bị mất ngủ.

Quá nhiều melatonin có thể gây suy hô hấp tạm thời và khiến cho người dùng lâm vào trạng thái mê man. Melatonin cũng có thể gây ra các biến chứng như: tăng huyết áp đột ngột, kích động hệ thần kinh, đông máu nội mạch. Các bác sĩ cũng khuyến cáo bánh Brownie là một loại bánh có chứa chất gây nghiện nguy hiểm phải được giám sát chặt chẽ  bởi khi cơ thể hấp thu quá nhiều melatonin có thể gây tử vong. Ước tính một chiếc bánh Brownie có chứa hàm lượng melatonin gấp cả chục lần so với lượng melatonin được sản xuất trong cơ thể của một người.

Cần ngăn chặn một hiểm họa ngầm

Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ của Phòng Cảnh sát PCTP về ma túy - Công an Hà Nội cho biết, do nguyên liệu để làm bánh là cần sa, chiết xuất thành dung dịch nên khi ăn, nó sẽ ngấm nhanh vào máu khiến cho người sử dụng có cảm giác “phê”, hưng phấn, ảo giác.

Hiện nay, trên thị trường loại chất gây nghiện được ngụy trang dưới hình thức một chiếc bánh ngọt này có giá bán khoảng 200.000 - 300.000 đồng/bánh. Tuy chỉ gây ra ảo giác nhẹ với người sử dụng, song điều nguy hiểm hơn là những con nghiện của loại ma túy này thường có xu hướng sử dụng các loại nặng hơn như ketamin, hay ma túy đá và từ đây hệ lụy sẽ là khôn lường đối với gia đình và xã hội. Người sử dụng lâu dài sẽ dẫn đến tổn thương các tế bào não và có thể làm người sử dụng bị suy nhược thần kinh, rối loạn nhận thức, mất khả năng tập trung.

Trên thực tế, “bánh lười” theo chân các du học sinh về nước và loại ma túy này dần trở thành một thú chơi của không ít bạn trẻ. Trước thực trạng đó, Công an TP Hà Nội đã từng cảnh báo về hiểm họa từ loại ma túy nguy hiểm này và tổ chức công tác đấu tranh, ngăn chặn. Điển hình là thời gian đầu tháng 3-2014, Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về ma túy - Công an TP Hà Nội đã bắt quả tang các đối tượng mua bán “bánh lười”, xuất xứ từ châu Âu.

Ngay sau đó, CQĐT đồng loạt bắt, khám xét các đối tượng Trần Diễm Phương (SN 1992), Trần Việt Lộc và Võ Trung Đức, thu giữ 21 “bánh lười” có trọng lượng 2,7kg, gần 900g cần sa cùng nhiều vật dụng chế xuất. Khai nhận với lực lượng chức năng, Trần Diễm Phương khai do có thời gian sinh sống ở Hà Lan nên biết đến Lazy Cakes. Phương tự “học hỏi”, nắm được công thức chiết xuất tinh chất ma túy có trong cần sa để làm “bánh lười”. Sau khi về nước, Phương bàn với Lộc và móc nối với Đức để mua cần sa thảo mộc sản xuất loại bánh này. Khi các đối tượng đang định mở rộng quy mô, địa bàn sản xuất thì bị công an bắt giữ.

Có thể nói “bánh lười” - một dạng ma túy đội lốt bánh ngọt đã dần trở thành một hiểm họa khôn lường đối với giới trẻ. Sự nguy hiểm đến từ chỗ do có vỏ bọc tốt nên nhiều bậc phụ huynh không hề hay biết rằng con em mình ăn “bánh lười” nhưng lại chính là đang sử dụng một dạng ma túy và dần dần sẽ trở thành một hiểm họa khôn lường.

Để ngăn chặn sự lây lan của “bánh lười”, cần tăng cường hơn nữa việc tuyên truyền về tác hại của chúng, đặc biệt trong đối tượng thanh, thiếu niên. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần thể hiện rõ mức độ chủ động trong việc tham mưu xây dựng hành lang pháp lý, tạo điều kiện để có thể đấu tranh hiệu quả với các loại ma túy mới này.

Top