Phận vác thuê cocaine tại Peru

21/05/2015 11:02

2 áo T-shirt, quần short, cá ngừ đóng hộp, ngô nướng và khoai tây luộc cùng với 11 pound cocaine (5kg) bán tinh chế được chất trong balo. Không quên dắt theo một khẩu súng lục cỡ nòng .38, Mardonio Borda, một thanh niên Quechua, 19 tuổi, mới học đến lớp sáu, nhưng trên lưng anh là số ma túy trị giá tới trăm nghìn USD.

Borda sẽ mang số ma tuý này qua thung lũng trồng coca của Peru.

Ở Peru - đất nước đã vượt qua Colombia vào năm 2012 để “nắm giữ” vị trí số 1 nhà sản xuất cocaine trên thế giới. Borda là một trong số hàng trăm người vận chuyển cocaine trên các chuyến đường vượt núi Andean đầy khó khăn và nguy hiểm.

60% cocaine Peru đến từ thung lũng sông Apurimac, Ene và Mantaro xa xôi. Và những người vác thuê cocaine có thể phải đi bộ đường dài, vượt qua hành trình đến 100 dặm (160km) trong 3-5 ngày để cung cấp cocaine cho những kẻ buôn lậu ma túy xuất khẩu sang bên kia biên giới.

"Đó là thắng hay thua," Borda nói, "giống như đánh bạc casino".

Việc vận chuyển cocaine ra khỏi thung lũng là cách duy nhất để kiếm được khoản tiền khá trong khu vực kinh tế “trầm cảm” này, nơi một người nông dân kiếm được ít hơn 10 USD một ngày và tỷ lệ hộ nghèo của khu vực gấp 3 lần bình quân cả nước.

Theo ước lượng của chính phủ Hoa Kỳ, khoảng 1/3 trong 305 tấn cocaine Peru sản xuất mỗi năm được vận chuyển bằng “chân”.

Trung bình một người vác thuê cocaine kiếm được từ 150 đến 400 USD cho mỗi chuyến đi, tùy thuộc vào tải trọng. 11 pound cocaine bán tinh chế trên vai Borda trị giá khoảng 3.500 USD tại Peru và sẽ gấp 16 lần nếu được bán tại Hoa Kỳ.

"Phần lớn họ không hoàn thành bậc trung học", Laura Barrenechea, một nhà xã hội học của tổ chức phi chính phủ CEDRO năm ngoái đã phỏng vấn 33 tay “ba lô” bị giam giữ trong nhà tù Yanamilla, tỉnh Ayacucho, cho biết. "Họ thực sự không ý thức được rằng họ là mắt xích đầu tiên trong chuỗi buôn bán ma túy".

Backpackers, hoặc "mochileros," ("mochila" là tiếng Tây Ban Nha nghĩa là ba lô), chỉ những người vác thuê cocaine trên balo trong gần hai thập kỷ qua. Họ tập hợp thành nhóm nhỏ khoảng 4 người hoặc lớn hơn đến 70 người, được trang bị cả vũ khí nóng như súng ngắn, lựu đạn. Họ giải thích rằng không ai đi đường mòn mà không mang theo vũ khí cả.

"Bạn không được ngủ," Alcides Martinez, một “ba lô” 24 tuổi dẻo dai cho biết, anh ta đã thực hiện 30 chuyến đi kể từ khi 18 tuổi, và bị mất hai người bạn thân. Một người trượt chân và rơi xuống vách đá. Một người bị nghi ngờ là cung cấp thông tin và lĩnh hai viên đạn vào đầu. Martinez cho biết số phận anh rồi cũng sẽ như thế.

"Không ai đi mà không có vũ trang", một “ba lô” 26 tuổi từ Andahuaylas nói. "Các ông chủ nói với chúng tôi rằng nếu chúng tôi gặp một nhóm nhỏ cảnh sát (8 đến 10 người) thì chúng tôi phải chiến đấu ... ném một quả lựu đạn".

Một tay “balo” giấu tên vì sợ hãi nói lý do vẫn tiếp tục công việc nguy hiểm này "Tôi không thể quay trở lại. Họ nói rằng họ sẽ giết tôi".

Tuy nhiên, rất ít những tay ba lô biết được rằng khi họ bị bắt, họ phải đối mặt 8 đến 15 năm tù đày, Barrenechea, các nhà xã hội học cho biết. Nếu họ bị bắt với vũ khí không có giấy phép, hình phạt sẽ nặng hơn hơn.

Trong nhà tù vùng cao nguyên dọc theo mép phía tây của thung lũng sông Apurimac, gần một nửa các tù nhân mắc tội buôn bán cocaine.  Tại nhà tù Ayacucho, con số này là 1.128 trong số 2.327 tù nhân. Không có số liệu thống kê có bao nhiêu “mochileros”, nhưng các công tố viên nói rằng đó là đa số.

Tướng Vicente Romero, chỉ huy cảnh sát Peru, nói rằng một số “ba lô” đã bắt đầu có tham vọng lớn khi di chuyển tới Bolivia để mua máy bay nhỏ và tham gia kinh doanh buôn lậu bằng đường không.

Borda có tham vọng khiêm tốn hơn. Anh tiết kiệm để mua đất và bắt đầu việc làm ăn từ cái nhỏ nhất. "Với bụi cây coca của riêng tôi," Borda nói "Tôi sẽ kiếm được nhiều tiền hơn."

Mardonio Borda, một thanh niên Quechua, 19 tuổi, mới học đến lớp sáu, là một trong số hàng trăm người vận chuyển cocaine trên các chuyến đường vượt núi Andean đầy khó khăn và nguy hiểm.

Hình ảnh về trồng cây coca. Peru đã vượt qua Colombia vào năm 2012, trở thành nước sản xuất cocaine số 1 thế giới.

Ăn sáng trước khi làm việc tại các ruộng coca.

Thanh niên vác một bao tải lá coca sấy ở La Mar, tỉnh Ayacucho, Peru.

Một cảnh sát của cơ quan chống ma túy với nhiệm vụ không thành công khi cố gắng bắt giữ người vận chuyển cocaine

Cảnh sát chỉ có thể đi một con đường mòn, trong khi những người vận chuyển lại chọn một đường khác
Top