Thái Nguyên: Nỗ lực đổi mới trong công tác cai nghiện

19/06/2015 16:46

Là một trong những tỉnh trọng điểm về tệ nạn ma túy, tính đến ngày 15/1/2015, số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý trên toàn tỉnh Thái Nguyên là 5.671. Trong đó, số có mặt tại địa phương là 4.023 người, vắng mặt ở địa phương là 1.283 người.

 

Tạo cơ hội việc làm cho người cai nghiện - Ảnh minh họa

Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, người nghiện sử dụng nhiều loại ma túy khác nhau như: ma túy tổng hợp, cần sa, thuốc tân dược gây nghiện bằng nhiều hình thức. Đặc biệt, tình trạng sử dụng ma túy tổng hợp có xu hướng gia tăng nên việc xác định, test thử người nghiện dùng loại ma túy này gặp rất nhiều khó khăn. Chủ yếu, việc phát hiện do người sử dụng tự giác khai báo hoặc bị cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ. Người nghiện thường xuyên di chuyển địa bàn khác nhau để sử dụng ma túy, có nhiều thủ đoạn che giấu, không hợp tác với cơ quan chức năng nên rất khó phát hiện để lập hồ sơ đưa đi cai nghiện.

Trong những năm qua, Thái Nguyên đã đẩy mạnh quản lý người nghiện ma túy để góp phần giữ gìn an ninh trật tự, phát triển kinh tế - Xã hội, kiềm chế sự gia tăng người nghiện mới trên địa bàn tỉnh.

Năm 2013, tỉnh đã triển khai thí điểm mở rộng mô hình hỗ trợ cắt cơn nghiện ma túy bằng thuốc Cedemex. Đầu năm 2015, tỉnh đã xây dựng phương án lồng ghép các cơ sở điều trị Methadone với cai nghiện ma túy tại các Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội thực hiện đa dạng hóa, nâng cao chất lượng và hiệu quả cơ sở điều trị nghiện ma túy theo Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 26/12/2014 của Chính phủ.

Hiện Thái Nguyên có 6 Trung tâm cai nghiện, với quy mô quản lý được từ 1.000 đến 1.500 người/lần chấp hành quyết định vào cai tập trung tại các Trung tâm; 23 điểm, trạm cai nghiện tại cộng đồng ở thành phố Thái Nguyên quản lý được từ 100 - 120 người/lần chấp hành quyết định của UBND xã, phường; 180 xã, phường, thị trấn có Trạm y tế hỗ trợ quản lý người cai nghiện tại cộng đồng ở nơi cư trú.

Giai đoạn năm 2011 - 2015 trên địa bàn tỉnh đã tổ chức cai nghiện cho 6.852 lượt người. Kết quả quản lý sau cai từ năm 2012 - 2015 đã thực hiện được 934 người, trong đó: tổ chức quản lý tại Trung tâm Quản lý sau cai nghiện là 46 người và tại nơi cư trú là 888 người. Tính tại thời điểm 20/5/2015, số học viên đang quản lý tại các Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh, huyện, thành phố là 190 người.

Tạo cơ hội việc làm cho người sau cai

Một trong những giải pháp nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện là dạy nghề, tạo việc làm cho người sau cai nghiện. Để thực hiện có hiệu quả nội dung này, năm 2012, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh đã chỉ đạo khảo sát nhu cầu học nghề, tạo việc làm sau cai nghiện của 600 người nghiện ma túy đang quản lý tại các Trung tâm, kết quả cho thấy có 138 người có nhu cầu học nghề, chiếm  23%; 462 người không có nhu cầu học nghề, chiếm 77%.

Từ kết quả khảo sát, các Trung tâm đã tăng cường vận động học viên đăng ký học một nghề phù hợp để có thể lao động hòa nhận cộng đồng. Trong 4 năm (từ năm 2011 - 2014), các Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh, huyện, thành phố đã tổ chức được 20 lớp dạy nghề, hướng nghiệp nghề cho 685 học viên có đơn xin học nghề theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước, gồm các nghề như: Điện tử, điện lạnh, điện dân dụng, hàn, xây dựng dân dụng, mây tre đan, sửa chữa xe máy, gò hàn, mộc dân dụng và nghề chăn nuôi, trồng trọt.

Các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh cũng rất tích cực hỗ trợ vốn vay tạo việc làm, tạo việc làm cho 81 người sau cai nghiện tập trung trở về nơi cư trú cam kết không tái phạm, tái nghiện, sau 36 tháng không sử dụng lại ma túy; 60 người được hỗ trợ tìm việc làm theo quy định của nhà nước (TP Thái Nguyên 21 người, còn lại ở các huyện, thị xã).

Theo kết quả rà soát thống kê người nghiện ma túy, số người có việc làm tăng lên, số người không có việc làm giảm xuống, cụ thể có 3.327 người nghiện ma túy sau cai có việc làm (bằng 58,66%), trong đó 648 người có việc làm ổn định, 2.679 người có việc làm nhưng chưa ổn định; số người nghiện ma túy không có việc làm (41,34%).

Việc nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên tuy đã đạt kết quả nhất định, góp phần giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội. Tuy nhiên, trong những năm qua công tác này còn nhiều khó khăn vướng mắc cần phải giải quyết. Đặc biệt, việc thay đổi nhận thức, cách làm để sẵn sàng thực hiện đổi mới công tác cai nghiện ở một số huyện, thị còn chậm, chưa quyết liệt. Việc áp dụng biện pháp đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo Nghị định số 221 ngày 30/12/2013 của Chính phủ còn gặp khó khăn. Trình tự, thủ tục lập hồ sơ; quản lý đối tượng ở cơ sở cấp xã còn mất nhiều thời gian; các văn bản hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung chưa kịp thời, còn có sự chồng chéo, bất cập. Người nghiện ma túy vẫn còn tình trạng không tự giác khai báo, không tự nguyện đi cai nghiện, đối tượng bị áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc thì trốn tránh, không muốn đi cai nghiện tập trung. Người nghiện thường xuyên vắng nhà, đi làm ăn xa do đó việc quản lý người nghiện ở gia đình, cộng đồng còn gặp rất nhiều khó khăn, bất cập.

Cần chuyển đổi các mô hình theo hướng đổi mới

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác cai nghiện và quản lý sau cai tại Thái Nguyên, trong thời gian tới cần rà soát, tổ chức lại và chuyển đổi mô hình các Trung tâm cai nghiện, quản lý người sau cai nghiện theo hướng đổi mới của Chính phủ theo hướng đa dạng hóa các biện pháp quản lý người nghiện và mô hình điều trị nghiện, bao gồm điều trị tự nguyện tại gia đình, tại cộng đồng và tại các cơ sở cai nghiện; tăng dần điều trị tự nguyện, giảm dần bắt buộc. Chỉ đưa vào cai nghiện bắt buộc theo quy định của Pháp luật đối với người nghiện ma túy đã được giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện; tạo điều kiện thuận lợi để để người nghiện ma túy lựa chọn các biện pháp và mô hình điều trị phù hợp, từng bước xã hội hóa cơ sở điều trị tự nguyện.

UBND cấp huyện, cấp xã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức Đoàn thể xã hội; Đội công tác xã hội tình nguyện tổ chức tuyên truyền, vận động người nghiện ma túy tham gia các Chương trình điều trị, cai  nghiện tự nguyện ở gia đình, cộng đồng, cơ sở cai nghiện. Có biện pháp phối hợp với gia đình đối tượng giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời người nghiện ma túy cai nghiện; không kỳ thị, phân biệt đối xử với người nghiện ma túy, đẩy mạnh công tác theo dõi, giám sát, đánh giá hiệu quả cai nghiện, ứng dụng các bài thuốc, phương pháp y học trong điều trị nghiện, phục hồi chức năng cho người nghiện ma túy.

Thực hiện các biện pháp quản lý người sau cai theo quy định của pháp luật và tích cực tư vấn để thay đổi hành vi, nhân cách; hỗ trợ vốn, cho vay vốn, tạo việc làm, dạy nghề cho người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng. Đồng thời, đẩy mạnh việc phối hợp tuyên truyền, thực hiện Đề án thí điểm mô hình dùng thuốc Cedemex hỗ trợ cắt cơn, điều trị nghiện tại gia đình, cộng đồng, trong cơ sở cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh.
Top