Thắp sáng niềm tin cho người lầm lỡ

26/05/2015 14:43

Thời gian qua, TP Hà Nội đã thành lập nhiều cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện bằng methadone. Qua đó, những rào cản về tâm lý e ngại "vào trại" của người nghiện đã được gỡ bỏ. Song hành cùng những trung tâm, cơ sở quy mô, một số phường đã có cách làm hiệu quả, giúp những người nghiện từ bỏ ma túy, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.

Công an phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình thăm hỏi, động viên hội viên CLB B93

Lấy nghị lực làm liều thuốc cai nghiện

19 năm hoạt động, Câu lạc bộ (CLB) B93 - mô hình quản lý, giáo dục, tư vấn giúp đỡ người nghiện sau cai, chống tái nghiện, tái hòa nhập cộng đồng của phường Nguyễn Trung Trực (quận Ba Ðình) luôn là điểm sáng của TP Hà Nội. Trong khi nhiều CLB ở một số địa phương ra đời sau lại hoạt động cầm chừng, thậm chí có nơi rơi vào tình trạng rã đám, B93 vẫn duy trì đều đặn sinh hoạt vào tối thứ năm hằng tuần.

Qua nhiều giai đoạn hoạt động, Công an phường Nguyễn Trung Trực đã tham mưu cho Ðảng ủy, UBND phường xây dựng Chương trình "Thắp sáng niềm tin" cho CLB B93 nhằm quản lý, giáo dục và tạo việc làm cho người sau cai nghiện, giúp họ ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng và sớm trở thành người có ích.

Anh Nguyễn Văn Quy, một trong những thành viên đầu tiên của CLB B93 với 15 năm vạ vật cùng ma túy chia sẻ, học hết lớp 9, do kinh tế gia đình khó khăn, lương công nhân của bố mẹ không đủ nuôi bốn anh em ăn học. 17 tuổi anh nhập ngũ và đóng quân ở vùng núi phía bắc. Ở đây, anh bị một số người gạ gẫm hút một sản phẩm giống như thuốc lào. "Họ nói với tôi, cứ hút cái này vào là có sức khỏe băng rừng, vượt suối. Nghe thấy hay, tôi đã mù quáng làm theo, rồi cơn nghiện ngấm vào máu lúc nào không hay", anh Quy nói.

Cuối năm 1985, anh Quy xuất ngũ. Về nhà không công ăn việc làm, cơn vật thuốc cào cấu, anh la cà khắp nơi tìm bạn nghiện. Mọi đồ đạc trong gia đình lần lượt "ra đi" khi cơn thèm thuốc đến. Không việc làm, anh thường hay lui tới các sòng bạc để đánh bạc, thậm chí còn cướp. Trong một lần phạm tội, anh bị công an bắt và phạt một năm tù về tội đánh bạc, gây rối trật tự công cộng. Ra tù, anh chẳng ngại làm bất cứ việc gì để có tiền mua thuốc thỏa mãn cơn nghiện. Khi chuyển sang "hàng trắng", tiền tiêu lại càng tốn hơn. Nhiều đêm nằm không ngủ được, đầu óc anh cứ lởn vởn tính toán mai phải đi cướp cái gì để có tiền...

Câu chuyện như chùng lại, người đàn ông hơn 50 tuổi kể rằng: “15 năm chìm đắm trong nghiện ngập, tôi tiều tụy, da bọc lấy xương, người nổi đầy mụn nhọt. Nhiều ngày bị thuốc vật tôi gào khóc, cào cấu, lao cả đầu vào tường, ngất đi. Khi tỉnh lại, tôi thấy mẹ đang phờ phạc gạt nước mắt, chăm nom cho mình. Có lẽ, hình ảnh ấy đã thức tỉnh tôi đoạn tuyệt với ma túy”.

Trung tá Trần Ngọc Hồng, Phó trưởng Công an phường Nguyễn Trung Trực cho biết, anh Quy có được như ngày nay là cả một chặng đường khó khăn và vất vả. Quy không chỉ giúp nhiều anh em có công ăn việc làm mà bằng chính "hành trang" từng trải, anh đã đi tuyên truyền về tác hại của ma túy, nâng đỡ cho nhiều anh em sau khi cai nghiện trở về địa phương tìm việc làm, xây dựng gia đình. Cũng nhờ chính những người như anh Quy trong CLB, sáu năm qua, trên địa bàn phường không có người mắc nghiện ma túy.

Hiện, CLB B93 có 16 thành viên tham gia sinh hoạt vào các tối thứ năm hằng tuần. Những năm trước, các cán bộ UBND phường đứng ra chủ trì sinh hoạt, nhưng từ năm 2002, hội viên tự tổ chức, tạo ra sân chơi hấp dẫn, thoải mái cho hội viên sau cai nghiện. Trong buổi sinh hoạt, mọi người hát các ca khúc cách mạng, trao đổi về những vấn đề thời sự, văn hóa, thể thao... Mỗi hội viên tự thông báo hoạt động của mình trong cả tuần qua, có xác nhận của gia đình. Với mỗi buổi sinh hoạt, các hội viên tham gia nhiệt tình và hào hứng, đóng góp ý kiến khi sinh hoạt những chuyên đề như "gần mực thì đen, gần đèn thì sáng", "có công mài sắt có ngày nên kim"... Cuối mỗi buổi sinh hoạt, sẽ chỉ định hai người bất kỳ kiểm tra nước tiểu và kết quả các lần kiểm tra cho thấy không có hiện tượng tái sử dụng ma túy trong hội viên.

Qua 19 năm hoạt động, CLB đã đón nhận 165 lượt người nghiện ma túy sinh hoạt; tư vấn tạo việc làm cho 75 người và rất nhiều hội viên tích cực tham gia công tác giữ gìn an ninh trật tự, phòng, chống tội phạm của địa phương. Ðiển hình như các anh Nguyễn Văn Quy, Chu Phi Khanh hoạt động xuất sắc trong phòng, chống tội phạm, đã tham gia bắt trộm, được Giám đốc Công an TP Hà Nội tặng bằng khen.

Tạo điều kiện cho những người sau cai nghiện ma túy khi trở về cộng đồng khỏi bỡ ngỡ và nhanh chóng tránh xa ma túy, từ nguồn kinh phí xã hội hóa, UBND phường đã quy hoạch, tổ chức xây dựng hai điểm rửa xe với đầy đủ trang, thiết bị để các hội viên sau cai nghiện có việc làm, tự kiếm đủ tiền lo cho bản thân, không còn mặc cảm ăn bám gia đình và xã hội.

Anh Nguyễn Ðức Hiệp, một thành viên CLB tham gia tổ rửa xe tâm sự: “Số tiền khoảng hai triệu đồng/tháng đối với chúng tôi những năm trước đây khi dính vào ma túy không ăn thua gì. Nhưng bây giờ, tiền chúng tôi kiếm được từ mồ hôi nước mắt, cho nên ai cũng thấy quý trọng”.

Thăm các mô hình tự quản, làm kinh tế sau cai nghiện của các hội viên, anh Nguyễn Trí Phương, Phó Chủ nhiệm CLB B93 (cán bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phường Nguyễn Trung Trực) người gắn bó 16 năm với công tác này, cho biết: Nhìn những bạn "lấy nghị lực làm liều thuốc cai nghiện", tôi đã thêm nghị lực vượt qua khó khăn. Nhiều lúc "ba cùng" với hội viên, chúng tôi hiểu, khi có tâm huyết, hạnh phúc nhận lại là cứu giúp được rất nhiều mảnh đời lầm lỡ. Các cô, các bác tình nguyện viên, cán bộ Hội Phụ nữ, Cựu chiến binh... chính là những người chia sẻ, động viên, thắp lửa cho CLB, giúp người sau cai nghiện vượt qua mặc cảm.

Chung tay của cộng đồng

Cơ sở điều trị Methadone huyện Ðan Phượng (xã Tân Lập, huyện Ðan Phượng, Hà Nội) khai trương và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 31/1/2015, với 15 y, bác sĩ, điều dưỡng viên được đào tạo chuyên khoa. Cơ sở điều trị cho những người bệnh nghiện các chất dạng thuốc phiện trên địa bàn huyện và các huyện lân cận bằng thuốc thay thế; thực hiện tư vấn, giáo dục sức khỏe cho người bệnh và người dân, góp phần giúp người nghiện hồi phục, từ bỏ ma túy trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.

Bác sĩ Nguyễn Thế Phương - người trực tiếp chăm sóc, thăm khám cho người nghiện ma túy cho biết: "Người nghiện khi tới đây đều được chúng tôi tư vấn, hỏi đầy đủ các thông tin. Với người nhà đi theo, bác sĩ cũng thăm hỏi, chia sẻ gần gũi hơn với họ, tránh để người nghiện nói dối về tình trạng nghiện ma túy, sẽ gây khó khăn trong công tác điều trị".

Gặp NVT, ở huyện Ðan Phượng, người đã bị bạn bè xấu rủ rê nghiện hút ma túy từ 8 năm trước cho biết: Những ngày đầu, bà P (mẹ của T) rất băn khoăn, muốn đưa con đi cai nghiện, nhưng thương con, lại lo T không chịu nổi những áp lực, vất vả ở cơ sở điều trị. Chi phí cũng là điều khiến bà lưỡng lự. Tuy nhiên, sau khi đến Cơ sở điều trị Methadone huyện Ðan Phượng, bà có suy nghĩ khác: "Môi trường ở đây khác xa so với tưởng tượng của chúng tôi".

Một trường hợp khác, ông NVN (61 tuổi) dắt theo cậu con trai dáng người gầy gò vì nghiện lâu năm bùi ngùi: "Ðược các chú công an vận động, con trai tôi đã tự nguyện xin vào cơ sở này. Hôm đầu tiên, các chú công an còn đến tận nhà đưa con tôi đi. Ðược tận mắt chứng kiến cơ sở vật chất của trung tâm, gia đình rất yên tâm khi gửi gắm con mình và hy vọng cháu sẽ sớm phục hồi, hòa nhập với cộng đồng".

Trung tá Tạ Ðức Thành, Ðội trưởng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội - chức vụ và ma túy (Công an huyện Ðan Phượng) cho biết: Nếu như trước đây, người nghiện thường có tâm lý ngại tiếp xúc, do lo sợ bị kỳ thị, thì từ khi thực hiện mô hình cai nghiện ma túy tự nguyện, nhiều người nghiện với sự giúp đỡ của gia đình đã tự giác đến trung tâm cai nghiện bằng Methadone để điều trị. So với phương pháp cai nghiện bắt buộc, phương pháp cai nghiện bằng Methadone có nhiều ưu việt: chỉ phải sử dụng một liều/ngày, người nghiện cũng không phải tập trung để cai mà có thể trở về đi làm, lao động giúp gia đình; mặc cảm "con nghiện" cũng được gỡ bỏ nhờ việc họ không bị đưa vào trại cai nghiện tập trung.

Bác sĩ Ngô Thị Thu Hiền, Trưởng Cơ sở điều trị Methadone huyện Ðan Phượng cho biết: Cơ sở được thành lập theo quyết định của UBND thành phố Hà Nội rất phù hợp tình hình thực tế của địa phương. Với sự chuẩn bị công phu của các cấp lãnh đạo, đặc biệt là Công an huyện Ðan Phượng, cơ sở hiện có 45 người tham gia cai nghiện. Theo đề án thí điểm của UBND thành phố, người bệnh được hỗ trợ bữa ăn trưa trị giá 20 nghìn đồng và được các bác sĩ tư vấn cho dùng thuốc Methadone miễn phí, tiền đồ dùng cá nhân, tiền thuốc cắt cơn, điều trị bệnh thông thường, kinh phí điện nước, vệ sinh, sát trùng...

Ðầu năm 2015, sau khi TP Hà Nội triển khai kế hoạch phòng, chống tệ nạn, đơn vị đã nghiên cứu các quyết định và cùng các cấp chính quyền hỗ trợ việc thành lập Cơ sở điều trị methadone huyện Ðan Phượng. Ban Chỉ đạo đã phối hợp cùng các ngành gửi 1.640 thư ngỏ đến các gia đình trên địa bàn để tuyên truyền về hình thức cai nghiện tự nguyện mới. Nhiều người nghiện ma túy đã được tư vấn và đồng ý tham gia cai nghiện.

“Công an huyện Ðan Phượng cũng đã cùng lực lượng công an các xã đã tổ chức phương tiện đưa người nghiện và thân nhân đi thăm quan cơ sở vật chất cai nghiện bằng Methadone, tư vấn các thông tin điều trị. Ðặc biệt, tại cơ sở cai nghiện cũng có ‘phòng hạnh phúc’ dành cho người nhà của người bệnh muốn ở lại với chi phí không đáng kể", Trung tá Tạ Ðức Thành cho hay.

Theo số liệu của Công an huyện Ðan Phượng, đơn vị đã hoàn thành 25 trong số 26 chỉ tiêu đề ra trong công tác vận động người nghiện đi cai tự nguyện. Trong lần rà soát gần đây, số người nghiện tại địa bàn đã giảm từ 142 xuống còn 132 từ cai nghiện thành công sau khi dùng Methadone. Ðó chính là những đổi thay đáng kể trong công tác cai nghiện, giúp người nghiện hòa nhập cộng đồng.
Top