Tìm đường trở về sau những sai lầm của tuổi trẻ

02/10/2015 11:20

Chúng tôi thường gọi anh bằng tên thân mật là Tùng. Anh sống tình cảm, thương yêu gia đình và yêu động vật. Quá khứ của anh trải qua nhiều biến cố với đầy nước mắt suốt 7 năm ma túy ngự trị. Để tìm được đường về, anh đã phải đánh mất nhiều thứ trong cuộc sống. Nhưng điều tốt đẹp sẽ đến với con người biết “quay đầu là bờ”. Đó là câu chuyện của anh Nguyễn Tùng Anh (1992) - cán bộ tại Trung Tâm Tư vấn và Điều trị Cai nghiện ma túy Nẻo Về - Hà Nam.

Sai lầm của tuổi trẻ

Vốn là một cậu bé nghịch ngợm, vui tính, anh Tùng rất dễ gần và thích giao lưu, kết bạn. Có lẽ một phần vì đặc điểm tính cách như vậy nên anh tìm đến ma túy từ rất sớm. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, anh nghe theo lời bạn bè rủ rê, thử dùng ma túy nhiều lần và nghiện ở độ tuổi vị thành niên. Kể về quãng thời gian đó, anh nuối tiếc nhiều điều: “Mình theo hội bạn xấu, bỏ học đi bụi, hút ma túy, có lúc túng tiền còn cướp giật. Giờ nghĩ lại còn thấy rùng mình”.

Anh Lê Tùng Anh hồi nhớ lại quá khứ của mình

Mẹ anh Tùng – bà Đỗ Thị Hằng Nga (1970) thấy con có những biểu hiện lạ, từ sự thay đổi về tính cách đến những thói quen sinh hoạt hằng ngày nên đã nghi ngờ và phát hiện ra tình trạng của anh. Khi đó, anh đã sử dụng ma túy được 2 năm.

Anh Tùng cai nghiện nhiều lần nhưng không thành công. Suốt 7 năm ròng rã, gia đình tìm hiểu nhiều địa chỉ, nhiều phương pháp để giúp anh từ bỏ ma túy nhưng đều thất bại. Anh kể lại rằng: lần lâu nhất anh cắt cơn được một tháng, khi về nhà, bước chân ra khỏi nhà lại thấy thèm ma túy và tự anh đi tìm nó chứ không phải nó đến tìm mình.

Là một người mẹ, bà Nga trăn trở rất nhiều về người con trai sa chân vào ma túy. Bà kể lại quãng thời gian cùng anh chiến đấu với “nàng tiên  nâu”: “Khi thấy Tùng có nhưng biểu hiện lạ, tôi lập tức tìm hiểu để biết được con mình đang chơi cùng những ai. Về Tùng, tôi chỉ biết khuyên răn, tìm mọi cách để làm thế nào tách Tùng ra khỏi bạn xấu. Khi cho Tùng cai nghiện tại nhà bằng thuốc không được, tôi tìm hiểu thêm nhiều địa chỉ khác để đưa Tùng đi”. Trên dưới 10 lần hai mẹ con anh tìm đến các địa chỉ cai nghiện với mong muốn có thể kéo anh ra khỏi vòng vây của ma túy. Cơ cực nhất là khi anh theo đám bạn đi tìm thuốc, người mẹ sớm khuya tảo tần ấy đi khắp các con đường quen thuộc để tìm anh. Khi nhìn thấy con, bà vẫn bình tĩnh và nhỏ nhẹ khuyên anh về nhà. Lúc ấy, anh thương mẹ, nhưng ma túy vẫn kéo chân anh. Anh xin mẹ: “Mẹ về đi, nốt lần này thôi, ngày mai con sẽ về”.

Bà Đỗ Thị Hằng Nga tâm sự về người con trai

Năm 2014, bố anh qua đời vì căn bệnh ung thư quái ác. Cuộc sống gia đình trở nên vất vả hơn trăm lần khi giờ đây chỉ còn lại bàn tay của người mẹ. Biến cố này khiến anh nhận ra những thứ mình đã bỏ lỡ, đã đánh mất bấy lâu nay. Đó là sự nghiệp học tập, là những bữa cơm gia đình, là thời gian chăm sóc cha mẹ, là những ước mơ tuổi trẻ… Vì vậy, anh quyết tâm cai nghiện thêm một lần nữa.

Tìm đường trở về

Được biết tại Hà Nam có Trung Tâm Tư vấn và Điều trị Cai nghiện ma túy Nẻo Về, anh hỏi ý kiến mẹ. Bà Nga chủ động tìm kiếm thông tin về Trung Tâm qua internet, sau đó quyết định đưa anh đến đây.

Tháng 7/2014, anh chính thức bước vào quy trình cai nghiện tại Trung Tâm. 15 ngày đầu cắt cơn, anh vật vã trong cơn thèm thuốc, ngủ li bì và cơ thể mệt mỏi. Sau đó, anh Tùng được trải qua quá trình trị liệu tâm lý. Anh Tùng cho biết:  “Lúc đầu mình không tin, nhưng sau đó thì lấy hiệu quả rõ rệt. Có hôm bị ốm, chân tay đau mỏi nhưng vẫn dậy để đi. Lúc đầu, mình được học hít thở, điều tiết suy nghĩ để không cảm thấy ham muốn khi nghĩ về ma túy nữa. Sau đó mình tập thư giãn bằng việc nghĩ về một hình ảnh khiến mình thoải mái. Đặc biệt là mình còn được rèn luyện về kỹ năng xử lý các tình huống nguy cơ…Đó là những điều mới mẻ mà trước đây cai nghiện nhiều nơi nhưng mình không được học”.

Đó là quãng thời gian nghiệt ngã nhưng đầy ý chí của anh. Giai đoạn cắt cơn phải trải qua 5 – 6 ngày vì ma túy với đủ dạng thức đều đã từng được anh sử dụng và ngấm vào cơ thể. Mỗi lần thèm thuốc, anh nói với cán bộ tại Trung Tâm “Các anh ơi cứu em, bằng mọi giá các anh phải cứu em”, sau đó anh uống thuốc và ngủ ly bì mấy ngày mới tỉnh.

Bà Đỗ Thị Hằng Nga nói về phương pháp cai nghiện mà anh Tùng đã trải qua: “Phương pháp này sử dụng ý chí của người bệnh là chính và thấy được những hiệu quả rõ rệt nhất. Dùng thuốc chỉ là nhất thời nhưng trong tiềm thức của người bệnh vẫn chưa dứt điểm được nên hay nhớ đến ma túy, dễ va vấp lại”. Là người luôn theo sát con cái, bà Nga vẫn thường xuyên quan tâm với những thay đổi, diễn biến trong tâm tư, tình cảm của anh. Thấy anh có những chia sẻ, bình luận lành mạnh, tích cực trên mạng xã hội, bà cũng yên tâm phần nào.

Anh Tùng là người rất yêu động vật và sở thích đó của anh luôn được bố mẹ ủng hộ. Hiện tại, anh đã sở hữu 5 chú chó với các giống khác nhau. Nhờ sở thích đặc biệt này nên anh trải qua giai đoạn trị liệu tâm lý rất nhanh chóng và thuyết phục. Anh chia sẻ: “Làm theo phương pháp của Trung tâm, anh lấy hình ảnh những chú chó chơi đùa để làm hình ảnh gợi nhớ tốt đẹp, lấn át suy nghĩ mỗi khi nhớ đến ma túy”.

Anh Lê Tùng Anh rất yêu động vật

Anh Nguyễn Xuân Hạnh – Giám đốc Trung Tâm Tư vấn và Điều trị Cai nghiện ma túy Nẻo Về kể lại quá trình cai nghiện của anh Tùng: “Tùng là người có cá tính mạnh, trong suốt chặng đường cai nghiện của Tùng, chúng tôi còn phải cố gắng điều chỉnh hành vi cho Tùng – từ lời nói đến hành động, cử chỉ. Có một điều đặc biệt là ở Tùng có quyết tâm cao độ”.

Sau khi cai nghiện thành công, anh được giữ lại Trung Tâm làm cán bộ và trực tiếp tham gia quản lý và đào tạo học viên. Bà Nga cũng yên tâm và tin tưởng vào anh rất nhiều. Anh Nguyễn Hữu Dũng (hàng xóm của gia đình anh Tùng) cho biết: “Từ khi Tùng cai nghiện và đi làm, bà Nga ở nhà một mình nhưng tinh thần dường như thoải mái hơn rất nhiều. Tôi vẫn thấy mỗi lần Tùng về, mang theo một chú chó và giúp mẹ làm việc nhà. Sai lầm là của tuổi trẻ, điều quan trọng là Tùng đã biết sửa sai”.

Hiện tại, công việc chính của anh là đón tiếp học viên và người nhà – đây là khâu đầu tiên khi học viên bắt đầu vào Trung tâm. Ngoài ra, anh còn theo sát từng học viên trong suốt quá trình sinh hoạt và điều trị tại Trung Tâm. Tại đây, không chỉ có anh Tùng, mà còn có nhiều cán bộ khác cũng từng là người nghiện ma túy. Là những người có hoàn cảnh tương đồng nhau nên khoảng cách giữa học viên cũng như cán bộ được xích lại gần nhau, dễ chia sẻ hơn.

 

Top