Tình hình sử dụng ma túy đang bị 'chuyển màu'

16/10/2019 15:09

Theo bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển, Bệnh viện Tâm thần TPHCM: Hiện nay tình hình sử dụng ma túy đang bị “chuyển màu”, tăng nhanh. 20 năm trước, 1 viên thuốc lắc trị giá 1 chỉ vàng thì nay 1 viên chỉ có 120 nghìn đồng. Ma túy càng rẻ càng nguy hiểm.

Số người sử dụng ma túy tổng hợp đang tăng rất cao. 43/63 tỉnh/thành trên cả nước đều tăng số lượng người sử dụng ma túy đá, ma túy tổng hợp. Nếu 20 năm trước, 1 viên thuốc lắc trị giá 1 chỉ vàng, hiện tại 1 viên chỉ có 120 nghìn đồng. “Ma túy càng rẻ càng nguy hiểm khi đối tượng dễ dàng tiếp cận. Trước đây ở nông thôn, ít người nghiện ma túy nhưng giờ vì giá rẻ nên số người tiếp cận ngày càng tăng. Heroin là quá khứ rồi, hiện nay là thời của ma túy tổng hợp, ma túy đá vì dễ sử dụng, dễ mua…”- BS. Hiển chia sẻ.

Nếu 20 năm trước, 1 viên thuốc lắc trị giá 1 chỉ vàng, hiện tại 1 viên chỉ có 120 nghìn đồng

Theo BS Huỳnh Thanh Hiển, mới đây ông đọc Tạp chí Y khoa danh tiếng hàng đầu của thế giới và cảm thấy kinh hoàng khi người ta trộn cả thuốc diệt chuột vào cỏ Mỹ và đã có mấy chục trường hợp chết tại Massachusett (Mỹ). Ma túy đang bị thay đổi khá nhiều về thành phần, có khả năng bị pha thêm tạp chất và chất phụ gia để thuốc được ưa chuộng hơn.

Một câu chuyện liên quan đến ma túy đá khiến BS Hiển bị ám ảnh, đó là một ngày ông nhận được điện thoại của người bạn nói vừa tiếp nhận 2 ca ngưng tim, ngưng thở đã hồi sức thành công, cần nhận được tư vấn từ ông qua điện thoại. “Sau đó 1 ca chết não, em còn lại còn sống và đến điều trị tại Bệnh viện Tâm thần TPHCM. Tôi hỏi và được biết, trong vụ đó có 6 người trẻ rủ nhau uống 3 chai rượu vang, cắn 1 viên thuốc lắc, rồi cùng nhảy múa. Trong số này, 4 em dùng một loại thuốc lắc, 2 em nhập viện dùng chung một loại. Ma túy giờ rất khác so với trước đây, độc và nguy hiểm bởi sự cạnh tranh khốc liệt nên các nhà sản xuất thường chọn chất nào ‘chơi’ phê hơn”.

Là một chuyên gia phân tích về các chất gây nghiện và phản biện chính sách y tế, BS. Huỳnh Thanh Hiển cho biết, heroin là nhóm ức chế và ma túy đá là nhóm kích thích. “Heroin là chất gây nghiện khủng khiếp nhất, khó từ bỏ nhất. Còn ma túy đá mức độ nghiện không kinh khủng như heroin, sử dụng ngẫu hứng dưới 12 tháng, mức độ can thiệp để cai nghiện sẽ dễ dàng hơn”.

Cá nhân BS. Hiển không bao giờ dám nói về số lượng người sử dụng ma túy, hay ngáo đá nhưng từ góc độ chuyên môn, ông chia sẻ: So với heroin, ma túy đá gây nghiện chậm hơn nhiều. Heroin chỉ cần sử dụng 3-4 lần là không thể thoát được. Tuy ma túy đá chậm nghiện hơn nhưng lại gây tác hại đến não bộ trầm trọng, gây biến đổi nhân cách”.

“36 năm trước khi tôi về công tác tại Bệnh viện Tâm thần TPHCM, cái nhìn của xã hội với người nghiện rất nặng nề khiến đối tượng nghiện phải giấu. Hiện nay, để nghiện ma túy đá rất khó. Nếu xã hội khoan dung và không kỳ thị thì người mới sử dụng vài ba lần sẽ dễ dàng thú nhận, đi tìm sự trợ giúp. Bản thân họ sẽ nhận ra mình đang sai khi biết tác hại mà ma úy đá gây ra”- BS. Hiển nói - “Nếu không khoan dung, cứ test thấy ma túy là bắt luôn thì sẽ khiến tình trạng trầm trọng hơn. Không nên hình sự hóa việc sử dụng ma túy, nhìn đâu cũng thấy tội phạm sẽ khiến họ xa lánh chúng ta, đẩy xa người sử dụng ma túy ra khỏi sự quản lý của chúng ta, sẽ khiến mọi việc trở nên khó khăn hơn. Thái độ đúng đắn nhất là hiểu rõ, không kỳ thị. Tổ chức Y tế Thế giới định nghĩa nghiện là bệnh lý mãn tính- nên đối tượng nghiện được xem là bệnh nhân, chứ không phải 1 loại tội phạm”.

“Chưa kể khi đưa 1 người sử dụng ma túy đá chưa chắc là họ nghiện vào trại trong 2 năm là đóng cả số phận của một con người, đóng cả số phận của gia đình họ. Trong khi thực tế ở Bệnh viện Tâm thần TPHCM có phân khoa tiếp nhận bệnh nhân loạn thần. Khoa này có 40 giường và mỗi tuần tiếp nhận 10 trường hợp nhập viện do ngáo đá. Sau 6-8 tuần điều trị, bệnh nhân ngáo đá kinh khủng có thể xuất viện được. Sau khi được điều trị, theo khảo sát có chưa đến 10% số bệnh nhân tái nghiện”- BS. Hiển chia sẻ.

Khi đã cai nghiện thành công, vẫn cần tiếp tục hỗ trợ trong ít nhất 18 tháng để đối tượng không tái nghiện. Với đối tượng có học vấn, có nghề nghiệp thì việc cai nghiện dễ dàng hơn so với những người không có gì. “Hãy nghĩ đến gia đình, vợ con của mình trước khi có ý định sử dụng ma túy”- đây là lời khuyên BS. Hiển dành cho những đối tượng có ý định “thử ma túy một lần cho biết”.

Nguyễn Đình Đức với hơn 10 năm kinh nghiệm thực hiện các dự án can thiệp dự phòng HIV cho các nhóm dễ bị tổn thương cho biết, hiện nay việc mua và sử dụng ma túy tổng hợp không khó khăn như ngày xưa. Bản thân Đức 2 năm trước có sử dụng ma túy đá nhưng hiện tại không sử dụng nữa. “Khi đã hiểu ra tác hại của ma túy đá, tôi giảm tần suất, tìm phương pháp thay thế, tích cực tham gia các hoạt động xã hội”.

Hiện tại, Đức là Trưởng nhóm hỗ trợ thanh thiếu niên sử dụng ma túy Niềm Tin Xanh. Từ năm 2017, trong khuôn khổ dự án Bảo vệ tương lai, Đức và nhóm của mình đã tiếp cận, thực hiện các hoạt động can thiệp giảm tác hại cho khoảng 800 thanh thiếu niên từ 16 đến 24 tuổi có sử dụng ma túy. Trên 60% số này đã giảm tần suất sử dụng khi hiểu rõ về chất ma túy và tác hại của nó.

“Phần lớn nguyên nhân dẫn tới hành vi sử dụng ma túy tổng hợp sớm ở người trẻ xuất phát từ sang chấn tâm lý do các trải nghiệm tiêu cực thời thơ ấu như bố mẹ ly hôn, bị bạo hành, bị lạm dụng tình dục, có người thân sử dụng ma túy, cuộc sống cơ cực… Mong xã hội có thể xóa bỏ sự kỳ thị với người sử dụng ma túy”- Trưởng nhóm Niềm Tin Xanh bày tỏ.

Top