Bước chuyển trong phòng, chống mại dâm tại Bắc Ninh

24/07/2014 16:28

Trong 10 năm qua (từ năm 2013), việc thực hiện Pháp lệnh Phòng chống mại dâm trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã có bước chuyển mạnh mẽ về nhận thức; nâng cao được vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức xã hội và nhân dân.

Trong đó, đội ngũ cán bộ chuyên trách từ tỉnh đến cơ sở đã phát huy được vai trò trách nhiệm, kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền trong việc xây dựng chương trình, kế hoạch, cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ hàng năm, từng giai đoạn ở địa phương.

Đặc biệt, các lực lượng phòng chống tệ nạn xã hội trong tỉnh đã tích cực phối hợp điều tra, trực tiếp đấu tranh, triệt phá và đã phát hiện, bắt giữ 181 vụ với 804 đối tượng liên quan đến hoạt động mại dâm, đưa ra xét xử 93 vụ với 121 bị cáo, góp phần đảm bảo ổn định tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh.

Ảnh minh hoạ

Đồng thời, công tác tuyên truyền phòng, chống tệ nạn mại dâm luôn được các cấp, các ngành quan tâm đẩy mạnh. Các chương trình phát thanh trực tiếp như “60 phút bạn và tôi”, chuyên mục “An ninh Bắc Ninh” đã góp phần phòng ngừa đấu tranh tội phạm tệ nạn xã hội nói chung và phòng, chống tệ nạn mại dâm, HIV/AIDS nói riêng trong quần chúng nhân dân.

Các câu lạc bộ của Đoàn thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân đã tham gia tích cực vận động, tuyên truyền phòng, chống tệ nạn xã hội. Hàng năm có khoảng 40.000 lượt người được khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, điều trị bệnh lây truyền qua đường tình dục, tổ chức cấp phát miễn phí 100.000 bao cao su/năm.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình tệ nạn mại dâm trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn biến phức tạp, tệ nạn này không những có ở thành thị mà còn xảy ra ở vùng nông thôn núp dưới nhiều hình thức đa dạng và rất tinh vi. Hoạt động mại dâm ở nơi công cộng có chiều hướng tăng, do việc đô thị hóa người lao động làm việc tại các khu công nghiệp của tỉnh Bắc Ninh tăng lên nhanh chóng gắn với các dịch vụ phát triển, trong đó có hoạt động mại dâm núp dưới các hoạt động kinh doanh có điều kiện.

Bên cạnh đó, từ khi Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và Nghị quyết số 24/2012/QH13 ngày 26/6/2012 của Quốc hội ban hành có hiệu lực, trong đó quy định việc “Không áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và đưa vào cơ sở chữa bệnh đối với người bán dâm”, người bán dâm khi bị bắt, chỉ bị xử lý hành chính. Sau khi xử lý hành chính xong, họ lại tiếp tục quay lại con đường cũ, không chịu hoàn lương làm ăn sinh sống.

Nhằm ngăn chặn phát sinh, giảm dần số đối tượng mại dâm hiện có, trong thời gian tới, bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền giáo dục, cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành và toàn xã hội tiếp tục tăng cường vận động quần chúng nhân dân tham gia tố giác, đấu tranh, phòng ngừa và triệt phá các tụ điểm quyết liệt hơn nữa. Đặc biệt, gắn trách nhiệm và xử lý hình thức kỷ luật đối với người đứng đầu ở cơ sở nếu để hoạt động mại dâm xảy ra trên địa bàn, gây dư luận xấu trong nhân dân.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Bắc Ninh, toàn tỉnh Bắc Ninh hiện có khoảng 400-500 nữ nhân viên làm việc tại 859 cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm có điều kiện về an ninh trật tự dễ phát sinh tệ nạn mại dâm (khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ, quán karaoke, tẩm quất, massage, xông hơi, gội đầu thư giãn…). Trong đó có 56 cơ sở kinh doanh nghi vấn hoạt động mại dâm, số người bán dâm có hồ sơ quản lý hiện nay là 286 người, số chủ chứa, môi giới mại dâm đang quản lý là 62 đối tượng.

 

 

Top