Chơi shisha: Tiềm ẩn nguy cơ sử dụng ma túy

22/04/2015 10:50

Dù du nhập vào Việt Nam từ nhiều năm nay, nhưng trào lưu hút shisha vẫn được coi là “mốt” của giới trẻ. Trước đây, hút shisha chỉ có trong các vũ trường, quán bar, karaoke, nhưng hiện nay nó dần trở thành phổ biến xuất hiện ở cả những quán cà phê, trà chanh, trà đá vỉa hè.

Một quán trà chanh vỉa hè đông khách hút shisha. Ảnh minh họa

Tại thời điểm này, dù chưa có con số thống kê chính thức có bao nhiêu điểm kinh doanh loại “thuốc lào Arab” cũng như số lượng nô lệ đích thực của trào lưu phê bàn đèn này nhưng từ kết quả 898.000 thông tin có liên quan đến từ khóa “Shisha tại Việt Nam” mà trang Google đưa ra sau 0,78 giây tìm kiếm đã cho thấy rằng làn sóng phê pha thuốc lào Arab đang gây sóng gió trong giới trẻ như thế nào.

Hiểm họa không ngờ

Shisha là một loại điếu hút thuốc qua ống nước, có xuất xứ từ các nước Ả Rập, vì vậy còn được gọi là thuốc lào Ả Rập. Khác với các loại thuốc lào hay thuốc lá khác, shisha được ướp nhiều loại thảo mộc tạo mùi thơm và được đốt cách nhiệt bằng than. Nhờ đó, shisha thu hút rất nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ.

Shisha xuất hiện đầu tiên ở Việt Nam trong một quán bar ở trung tâm TP Hồ Chí Minh cánh đây hơn 4 năm. Những năm gần đây, hút shisha phát triển ở các thành phố lớn và dần lan rộng khắp nơi. Việc hút cần sa hiện nay đã xâm nhập cả vào giới học sinh trung học. Như gần đây nhất, ngày 21/3, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, một quán cà phê trên phố Hùng Vương, thành phố Vũng Tàu đã bị lập biên bản vi phạm vì bán shisha cho trẻ em dưới 16 tuổi, khi tại thời điểm kiểm tra, căn phòng kín, rộng chừng 20m2 có đến hơn 30 học sinh tham gia hút shisha.

Hầu hết các cửa hàng, địa điểm kinh doanh shisha đều khẳng định nguồn hàng của mình được nhập trực tiếp từ UAE (Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất) - nơi khai sinh của shisha. Tuy vậy, nhiều đầu mối mặt hàng này cho biết, phần lớn shisha lưu thông trên thị trường VIệt Nam hiện nay chủ yếu được nhập từ Trung Quốc vì có giá rẻ hơn. Để thưởng thức 1 bình shisha người chơi bỏ ra một khoản tiền giao động từ 150 nghìn - 400 nghìn đồng/ bình cho 3 - 4 người hút trong vòng 1 tiếng, hoặc có thể cao hơn tùy từng địa điểm.

Ở Việt Nam chưa có công trình nghiên cứu về tác hại của shisha, nhiều người lầm tưởng khói từ shisha ít nguy hiểm hơn nhiều so với khói thuốc lá, bởi hơi nước do shisha tạo ra làm cho khói bớt khó chịu và gây ra cảm giác an toàn giả tạo. Tuy nhiên trên các diễn đàn, nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đều có kết luận: việc hút shisha cũng gây hại cho sức khoẻ không kém gì hút thuốc lá, nếu sử dụng nó cùng ma tuý thì càng đặc biệt nguy hiểm.

Báo cáo của WHO và Hội Ung thư Hoa Kỳ cho thấy, hút shisha một giờ, một người có thể sẽ hít nhiều gấp 100 lần đến 200 lần khối lượng khói và nhiều hơn 70% lượng nicotine so với hút thuốc lá. Loại khí này cùng với lượng nicotine trong shisha sẽ tàn hại phổi người hút về lâu dài và gây ra các bệnh về đường hô hấp, tim và thậm chí là ung thư. Việc dùng chung ống hút shisha, không có sự vệ sinh kỹ càng cũng có thể khiến người hút bị lây nhiễm virus cúm, virus viêm gan siêu vi C.

Ngoài ra, trên thị trường xuất hiện các mặt hàng thuốc shisha trôi nổi, không rõ nguồn gốc, chủ yếu là hàng Trung Quốc, khi hút vào sẽ gây cảm giác đau đầu, buồn nôn và lâu dài có khả năng gây ra tình trạng đãng trí.

Biến tướng shisha

Điều đáng báo động hiện nay là giới trẻ đang lợi dụng việc hút shisha để sử dụng các chất ma túy, chất gây nhiện bất hợp pháp. Ở nước ngoài, các hình thức trá hình này đã được sử dụng và Việt Nam cũng đã bắt được nhiều trường hợp.

Các đối tượng này thêm các loại ma túy như cỏ, cần sa, tài mà, “hàng đá” vào bình shisha để tăng thêm độ phấn khích. Việc sử dụng shisha có chứa ma túy sẽ dẫn đến tình trạng nghiện từ nhẹ tới nặng, gây ảo giác liên tục, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ thần kinh và não bộ, tương tự như tác hại của hiện tượng "phê" ma túy.

Bạn trẻ có tên Nguyễn Tùng D. (Hà Nội) chia sẻ về việc hút shisha biến tướng : “Khi vào bar, club, có tiếng nhạc mạnh, hút thêm shisha mình cảm thấy càng hưng phấn hơn. Để tăng thêm nồng độ phê cho shisha, bọn mình thường bỏ thêm cỏ, một vài chất kiểu như heroin. Nó có khả năng gây ảo giác hoặc là hoàn toàn phụ thuộc vào cảm xúc của người khác. Người ta nói mình khóc mình sẽ khóc, nói mình cười mình sẽ cười. Đang ngồi trong căn phòng bình thường, nhưng bạn bè nói đang ở ngoài biển, bị đắm tàu thì người đó có thể cởi hết quần áo ra, hay thậm chí chạy ra ngoài la hét”.

Theo lãnh đạo Cục điều tra tội phạm về ma túy (C47, Bộ Công An), từ shisha đến con đường ma túy đá là một khoảng cách rất mong manh. Hiện shisha được bày bán khá nhiều tại các quán bar, nhà hàng, quán cà phê. Tuy nhiên, nó không nằm trong danh mục ma túy nên không xử lý được.

Việc lạm dụng shisha sẽ dẫn tới xu hướng sử dụng các chất ma túy, kích thích. Qua công tác nghiệp vụ, công an cũng phát hiện một số đối tượng trộn lẫn ma túy tổng hợp vào shisha để sử dụng nên có thể thấy nguy cơ tiềm ẩn về tội phạm ma túy đối với hình thức này là rất lớn. Điều này là vô cùng nguy hại, bởi một khi thanh thiếu niên sử dụng ma túy một cách công khai, hợp pháp dưới vỏ bọc shisha thì việc kiểm soát sẽ càng trở nên khó khăn, tác hại không lường. Dù shisha chưa chịu sự quản lý chính thức nào nhưng thực chất các cơ quan an ninh vẫn cần“để mắt” tới hiện tượng “biến tướng” và trá hình của nó.

Đối với thuốc lá, chúng ta đã có khuyến cáo và cấm hút thuốc là ở một số nơi công cộng, nhưng với shisha được cảnh báo là nguy hại đến sức khỏe con người hơn thuốc lá lại hiện chưa kiểm soát được. Để quản lí shisha và tránh những biến tướng của nó, các cơ quan chức năng cần sớm có những nghiên cứu đánh giá mức độ tác hại của shisha, từ đó đưa ra những cảnh báo chính thức và biện pháp quản lý chặt chẽ đối với loại hàng hóa này. Đặc biệt đối với nhà trường, gia đình và các bậc phụ huynh cần có sự quan tâm đúng đắn về sự độc hại của shisha và khuyến cáo con em mình.

TPHCM: Kiến nghị cấm kinh doanh

Trước làn sóng độc hại của shisha, tháng 7/2013, UBND TP.HCM đã có văn bản gửi kiến nghị Bộ Y tế nghiên cứu trình Chính phủ xem xét đưa mặt hàng thuốc shisha bổ sung vào danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh nhằm bảo vệ sức khỏe cho người dân, đặc biệt là thanh thiếu niên.

Theo UBND TP, các cơ quan chức năng phát hiện thuốc và hóa chất bán tại nhiều điểm kinh doanh có nguồn gốc không rõ ràng và trong quá trình sử dụng, cá nhân hoặc cơ sở tổ chức có thể lợi dụng để pha trộn thêm vào bình hút các chất kích thích, hóa chất độc hại hoặc gây nghiện mà pháp luật đã cấm.

Singapore cấm shisha

Lo ngại cho giới trẻ, đầu tháng 11/2014, chính quyền Singapore ra tuyên bố hạn chế rồi cấm hoàn toàn việc hút shisha nơi công cộng, để bảo vệ sức khỏe của thanh niên.

Đồng thời, việc nhập khẩu, phân phối và bán lẻ shisha cũng sẽ bị cấm. Những ai có giấy phép nhập khẩu và phân phối shisha trước đây vẫn được tiếp tục kinh doanh cho đến ngày 31/7/2016 để có đủ thời gian xử lý hết nguồn dự trữ hàng của mình, đồng thời chuyển đổi cơ cấu kinh doanh sang sản phẩm khác thay vì buôn bán shisha.

Top