Có thể “kết thúc AIDS” vào năm 2030?

09/10/2015 08:46

Với những hiệu quả của việc sử dụng thuốc kháng HIV (ARV) trong những năm qua, việc kết thúc AIDS trong tương lai là điều hoàn toàn có thể đạt được. Tuy nhiên, lộ trình để có thể kết thúc dịch AIDS gặp nhiều thách thức, khi các tổ chức quốc tế cắt giảm và kết thúc nguồn tài trợ hoàn toàn vào năm 2017.

Ảnh minh họa

Mục tiêu đầy tham vọng

Từ những năm 1990, thuốc kháng virus ARV đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo sử dụng trong điều trị và được đánh giá là giải pháp thông minh giúp kiểm soát sự bùng phát của dịch HIV/AIDS.

Thuốc ARV ức chế sự nhân lên của virus, phục hồi hệ thống miễn dịch trong cơ thể người nhiễm, giảm 41% tỉ lệ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội; giảm 96% nguy cơ lây truyền HIV cho người khác qua quan hệ tình dục và giảm tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con xuống dưới 2%. Nhờ đưa ARV vào điều trị, số người nhiễm HIV mới và tỉ lệ tử vong ở những bệnh nhân AIDS trên khắp thế giới đã được giảm đi đáng kể trong nhiều năm qua.

Tại Hội nghị quốc tế về AIDS lần thứ 20 được tổ chức tại Melbourne (Australia) từ ngày 20-25/7/2014, Liên Hợp Quốc đã đề ra mục tiêu “kết thúc AIDS” vào năm 2030. HIV sẽ không còn là vấn đề sức khỏe cộng đồng, không tác động lớn đến kinh tế, xã hội của quốc gia.

Ở Việt Nam, khái niệm “kết thúc AIDS” có nghĩa là khi số người nhiễm mới HIV hàng năm còn dưới 1.000 trường hợp. Đây là mục tiêu đầy tham vọng khi so sánh với con số 12.000 người nhiễm HIV mới được phát hiện hàng năm. Tuy nhiên, nếu có sự phối hợp chặt chẽ và đầu tư đúng đắn, chúng ta hoàn toàn có thể đẩy lùi căn bệnh thế kỉ này.

58% số người nhiễm HIV chưa được điều trị ARV

Việt Nam đã mở rộng sử dụng ARV trong điều trị HIV/AIDS từ năm 2004 và đạt được nhiều kết quả khả quan. Năm 2013, số người nhiễm HIV được phát hiện mới là 12.599 người, giảm khoảng 60% so với năm 2007 (30.846 người). Số bệnh nhân chuyển từ nhiễm HIV sang giai đoạn AIDS và số người nhiễm HIV/AIDS tử vong cũng đã giảm khoảng 50% trong giai đoạn này. Tính đến ngày 30/6/2015, đã có gần 100.000 người nhiễm HIV tại Việt Nam đang được điều trị ARV và 526 xã phường trên cả nước đang thực hiện cấp thuốc ARV.

Tuy nhiên, theo PGS. TS. Bùi Đức Dương, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS – Bộ Y tế, vẫn còn 58% số người nhiễm HIV trên cả nước chưa được điều trị bằng ARV. Việc điều trị này sẽ càng gặp nhiều khó khăn trong những năm tới khi các nguồn tài trợ quốc tế cho phòng, chống HIV/AIDS liên tục bị cắt giảm. Nhiều nhà tài trợ đã dừng viện trợ cho phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam như: Ngân hàng Thế giới, Bộ Phát triển Quốc tế thuộc Chính phủ Anh (kết thúc năm 2013), Chương trình Phòng, chống HIV/AIDS khu vực châu Á của Chính phủ Australia và Chính phủ Hoàng gia Hà Lan (kết thúc năm 2014); Quỹ Toàn cầu và Chương trình viện trợ khẩn cấp của Hoa Kỳ (PEPFAR) dành cho 15 quốc gia phòng chống HIV/AIDS, hiện đang chiếm khoảng 95% tổng nguồn tài trợ quốc tế cho ARV cũng sẽ bắt đầu cắt giảm nguồn tài trợ vào tháng 4/2016 và tiến tới kết thúc viện trợ hoàn toàn vào cuối năm 2017.

Hiện tại, mặc dù 20% nguồn kinh phí của Chương trình hành động quốc gia được sử dụng cho mua thuốc ARV nhưng số lượng này chỉ đủ cho 5% bệnh nhân cần được điều trị. Thêm vào đó, khả năng tự chi trả của người nhiễm HIV là rất thấp do hầu hết đều là người có thu nhập thấp trong khi việc điều trị bằng ARV cần phải được duy trì liên tục, suốt đời.

Giải pháp cho việc “kết thúc AIDS”

Trong bối cảnh tài trợ quốc tế có thể sẽ kết thúc hoàn toàn vào cuối năm 2017, nếu nguồn kinh phí trong nước cho ARV không được đẩy mạnh, nguy cơ thiếu thuốc là điều chắc chắn sẽ xảy ra. Việc này dẫn đến gián đoạn quá trình điều trị, làm tăng nguy cơ HIV kháng thuốc dẫn đến thất bại trong điều trị. Thiếu thuốc ARV cũng sẽ làm tăng tỷ lệ bệnh tật và tử vong ở người nhiễm HIV và gia tăng số người nhiễm HIV mới trong cộng đồng.

Như vậy, để bảo đảm nguồn tài chính bền vững cho việc mua thuốc ARV phục vụ phòng, chống HIV/AIDS, cần phải nhanh chóng tăng cường đầu tư trong nước từ ngân sách quốc gia của trung ương, ngân sách địa phương đối với các tỉnh có nguồn thu lớn và đẩy mạnh vai trò của bảo hiểm y tế. Bên cạnh việc cố gắng kéo dài quá trình chuyển giao của các nhà tài trợ hiện tại cho đến khi nguồn lực trong nước tự chủ được kinh phí của công tác phòng, chống HIV/AIDS, chúng ta cần tiếp tục vận động nguồn kinh phí bổ sung từ các nhà tài trợ mới như ASEAN hay từ các đối tác như APEC.

Theo TS. Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), Chính phủ cần sử dụng sáng suốt nguồn vốn có được, đầu tư hiệu quả để đạt được tác động lớn nhất. Cần ưu tiên các hoạt động để tăng hiệu quả, hiệu suất của chương trình phòng, chống HIV/AIDS, hướng tới năm 2020 đạt được các mục tiêu 90 - 90 - 90 (90% người nhiễm HIV phải được biết tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% người nhiễm HIV phải được điều trị bằng thuốc kháng virus ARV và 90% người nhiễm HIV được điều trị ARV có tải lượng virus thấp <1000 virus/ml máu). Đó sẽ là một bước đệm vững chắc để chúng ta có thể tiến tới “kết thúc AIDS” vào năm 2030.

Thông tư 15/2015/TT-BYTT của Bộ Y tế phát hành vào tháng 6/2015 hướng dẫn thực hiện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đối với người nhiễm HIV và người sử dụng các dịch vụ y tế liên quan đến HIV/AIDS là một dấu hiệu tích cực cho cộng đồng người nhiễm HIV/AIDS. Trong khi chờ đợi các chính sách vĩ mô về ngân sách chi thường xuyên và các cơ chế mua sắm thuốc ARV tập trung và sản xuất thuốc ARV trong nước được thực thi, cộng đồng người nhiễm HIV cũng cần tự nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của Bảo hiểm Y tế và lợi ích mang lại trong việc hỗ trợ chi trả cho thuốc ARV và những hỗ trợ về dịch vụ liên quan như khám chữa bệnh, xét nghiệm, điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội…

Những người nhiễm HIV/AIDS cần vượt qua chính mình, tự tin, tự chủ động tiếp cận đăng ký mua thẻ Bảo hiểm Y tế phù hợp với hoàn cảnh và nhu cầu của bản thân để có thể chi phí điều trị ARV không trở thành gánh nặng, bảo đảm điều trị ổn định, liên tục và lâu dài.

Bảo đảm kết quả bền vững điều trị ARV

Để bảo đảm kết quả bền vững chương trình điều trị ARV thì bảo hiểm y tế vẫn là biện pháp lâu dài cho người nhiễm HIV/AIDS. Tuy nhiên, trong thời gian trước mắt, khi đang chờ bảo hiểm y tế hoàn thiện các chính sách, tháo gỡ những vướng mắc thì giải pháp trước mắt là huy động nguồn lực cho thuốc ARV.

Chính phủ đã rất quan tâm đến việc bảo đảm nguồn thuốc ARV cho những người nhiễm HIV/AIDS và đã duyệt tăng thêm 60 tỷ đồng để mua thuốc ARV. Tuy nhiên, con số này vẫn còn nhỏ so với chi phí cần thiết để duy trì việc điều trị bằng thuốc ARV trong tương lai, khi các nguồn tài trợ quốc tế kết thúc tài trợ cho Việt Nam. Vì vậy, cần phải đầu tư mạnh mẽ hơn nữa vào phòng ngừa lây nhiễm HIV và điều trị người nhiễm HIV kịp thời nhằm giảm thiểu chi phí và tăng cường hiệu quả so với đầu tư sau này.

Bảo đảm được nguồn tài chính cho điều trị HIV/AIDS, đặc biệt là điều trị bằng thuốc ARV thì Việt Nam hoàn toàn có thể “kết thúc” đại dịch này vào năm 2030 như lời kêu gọi của Chương trình Phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS). Ngược lại, nếu không bảo đảm được, tất cả những nỗ lực và thành quả của công cuộc phòng, chống HIV/AIDS trong hơn 20 năm qua có thể quay trở về con số không. Đại dịch HIV/AIDS có thể quay trở lại bất cứ lúc nào với những hậu quả vô cùng nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của cộng đồng, sự phát triển kinh tế, xã hội và an ninh quốc gia.
Top