Giải pháp đồng bộ trong xã hội hóa cai nghiện ma túy bằng Methadone

17/11/2014 10:51

Việc cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng được triển khai tại TP.HCM từ năm 2012 đến nay được đánh giá là không thành công bởi nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là không thể quản lý được người nghiện ngoài cộng đồng. Vì vậy, để tiếp tục duy trì hình thức cai nghiện tại cộng đồng, gia đình, TP.HCM cần đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ.

Điều trị Methadone giúp người nghiện tái hòa nhập cộng đồng. Ảnh minh họa

Cần đầu tư cơ sở vật chất cho tuyến quận, huyện

Thiếu cơ sở vật chất để cắt cơn giải độc, cũng như thiếu đội ngũ bác sĩ tham gia cắt cơn và xác định mức độ của người nghiện… là những bài toán đang được đặt ra cho thành phố.

Theo UBND TP.HCM, thực hiện Nghị định 94/2010/NĐ-CP về cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng, đến nay, 244/322 phường, xã, thị trấn của thành phố đã lập Tổ công tác cai nghiện ma túy và hình thành 5 tổ tư vấn cai nghiện ma túy tại cộng đồng.

Kết quả đạt được trong thời gian qua là các địa phương đã thực hiện cắt cơn, cai nghiện cho 45 người tại cộng đồng, trong đó có 9 người tự nguyện cai nghiện tại gia đình, 2 người tự nguyện cai nghiện tại cộng đồng, 16 trường hợp cai nghiện thành công được địa phương cấp giấy chứng nhận hoàn thành đợt cai nghiện ma túy. Tuy nhiên, chỉ 16 trường hợp được công nhận là cai nghiện thành công tại cộng đồng so với tổng số người nghiện thống kê trên địa bàn thành phố là 19.000 người thì kết quả trên là quá “khiêm tốn”.

Lý giải vấn đề này, bà Đỗ Thị Cẩm Vân - Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội quận 8 cho biết, để cắt cơn cho người nghiện ma túy phải mất từ 5 - 10 ngày, nhưng hầu hết trạm y tế phường, xã trên địa bàn thành phố chưa đủ cơ sở vật chất cũng như nhân lực để tiếp nhận cắt cơn giải độc cho đối tượng cai nghiện tự nguyện. Do đó, khi xác định được người nghiện Tổ công tác cai nghiện ma túy vẫn phải gửi hồ sơ của họ đi các trung tâm cai nghiện tư nhân hay các trung tâm cai nghiện công lập có thu phí khác để họ được cắt cơn, giải độc.

Sau khi được cắt cơn, có gia đình sẽ đưa người nghiện về nhà phối hợp với cán bộ phường, xã quản lý giáo dục, nhưng cũng có gia đình để việc cai nghiện không bị đứt quãng, họ chấp nhận cho người thân cai nghiện luôn tại các trung tâm.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực cai nghiện ma túy, một cơ sở cắt cơn giải độc cho người nghiện ít nhất phải có ba phòng gồm: Phòng khám, phòng cấp cứu, phòng điều trị, tư vấn và cơ sở đó phải có đội ngũ bảo vệ, điều dưỡng để theo dõi, chăm sóc người nghiện trong thời gian cắt cơn, sau đó mới đưa về phường, xã và gia đình quản lý.

Bên cạnh đó, để có thể cắt cơn và xác định mức độ nghiện cho người nghiện, bác sĩ phải được tập huấn và cấp chứng chỉ công nhận được hoạt động trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, cho đến nay cán bộ y tế tại các trạm y tế phường, xã chưa được tập huấn và cấp chứng chỉ về điều trị cho người nghiện. Vì thế, trong thời gian tới, TP.HCM sẽ phải hình thành các trung tâm cai nghiện tự nguyện tại các quận, huyện hoặc thành lập các cơ sở cắt cơn, giải độc liên xã cũng như tăng cường đội ngũ bác sĩ có chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực cai nghiện ma túy để giải quyết nhu cầu cai nghiện tại gia đình và cộng đồng.

Xã hội hóa việc cai nghiện ma túy bằng Methadone

Theo bà Tiêu Thị Thu Vân, Chánh Văn phòng Ủy ban phòng, chống HIV/AIDS TP.HCM, hiện TP.HCM đang có 8 cơ sở điều trị ma túy bằng Methadone. Tính đến nay đã có 3.584 người đăng ký cai nghiện bằng uống Methadone, trong đó hiện có 1.775 người đang cai nghiện bằng hình thức này (đạt 63,39% khả năng thu dung của 8 cơ sở).

Hiện tại, toàn bộ kinh phí mua Methadone của thành phố vẫn được trích từ nguồn tài trợ quốc tế, nhưng nguồn này sẽ bị cắt hoàn toàn vào năm 2015.

Để được điều trị, sau khi đăng ký tại các điểm cai nghiện mỗi ngày, người nghiện sẽ phải đến cơ sở một lần để uống Methadone và được các bác sĩ chuyên trách theo dõi, tư vấn. Anh L.H.T, một người nghiện heroin ở phường 6, quận 8 chia sẻ: Đầu năm 2014, tôi bắt đầu tới Trung tâm Y tế dự phòng quận 8 để uống Methadone. Sau 3 tháng uống Methadone, tôi dần quên cảm giác thèm ma túy và tinh thần cũng cảm thấy dần ổn định hơn. Nhờ vậy, cho đến nay ngày nào tôi cũng tranh thủ tới đây sớm để uống, sau đó đi làm bình thường như mọi người.

Uống Methadone được xem là một hướng cai nghiện ma túy tại cộng đồng hiệu quả, được người nghiện ma túy và gia đình họ chấp nhận. Tuy nhiên, trên thực tế, các điểm cai nghiện bằng Methadone ở thành phố vẫn chưa tiếp nhận hết những người có nhu cầu cai nghiện. Trong khi đó, theo kế hoạch của Bộ Y tế từ nay đến hết năm 2015, TP.HCM phải hoàn tất điều trị cho 8.000 người nghiện. Do vậy, trong thời gian tới TP.HCM cần lên kế hoạch mở thêm các điểm phát thuốc Methadone và xã hội hóa hoạt động này.

Bác sĩ Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, về cơ sở vật chất, trong năm 2015, mỗi quận, huyện của thành phố sẽ được hình thành một cơ sở cai nghiện bằng Methadone, trung bình mỗi một cơ sở sẽ tiếp nhận 300 - 400 người nghiện.

Để đảm bảo việc điều trị liên tục cho người nghiện, UBND thành phố cũng đã chi hơn 3 tỷ đồng để mua thuốc khi nguồn viện trợ bị cắt hoàn toàn. Và để có kinh phí duy trì hoạt động cai nghiện, ngoài những bệnh nhân thuộc diện gia đình chính sách, hộ nghèo… được uống thuốc miễn phí thì những bệnh nhân khác phải trả phí cho mỗi lần uống khoảng 20.000 đồng.

Bên cạnh đó, xã hội hóa cai nghiện bằng Methadone cũng có thể cho phép sử dụng Methadone để cai nghiện tại các trung tâm cai nghiện bắt buộc công lập và tư nhân (hiện tại Methadone chưa được phép sử dụng trong các cơ sở này). Nhờ vậy, số người nghiện ma túy được tiếp cận Methadone sẽ ngày càng tăng và kế hoạch triển khai cai nghiện bằng Methadone cho 8.000 người, trong tổng số 19.000 người nghiện của thành phố trong năm 2015 sẽ là giải pháp khả thi.

Top