Góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội

26/05/2015 14:13

Việc đưa người nghiện ma tuý không có nơi cư trú ổn định vào cơ sở xã hội để quản lý và tăng cường công tác điều trị, cai nghiện đã góp phần bảo đảm an ninh, an toàn, trật tự xã hội trên địa bàn, đặc biệt là TP.HCM, đã giải quyết được tình trạng người nghiện lang thang không có nơi cư trú ổn định và được nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội vừa có báo cáo gửi Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội về tình hình quản lý người nghiện ma tuý không có nơi cư trú ổn định trong thời gian lập hồ sơ để Toà án nhân dân xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo Nghị quyết số 77/2014/QH13 của Quốc hội.

Điều trị cho người nghiện ma túy ở một trung tâm cai nghiện bắt buộc

Theo đó, tính đến đầu tháng 5/2015, đã có 10/63 tỉnh, thành phố quyết định thành lập cơ sở xã hội Nghị quyết số 77/2014/QH13 của Quốc hội, tiếp nhận, quản lý hơn 5.000 người vào cơ sở xã hội, trong đó 1855 người sau khi vào cơ sở đã xác định được nơi cư trú ổn định để đưa về địa phương để lập hồ sơ quản lý, giáo dục theo Luật Xử lý vi phạm hành chính; 224 người không xác định được tình trạng nghiện cũng được trả về địa phương. Hơn 2000 người được Toà án xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và hiện đang quản lý tại cơ sở xã hội là 898 người.

Cùng với việc đưa người nghiện ma tuý vào cơ sở xã hội, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện như rà soát, sửa đổi, bổ sung các Nghị định, Thông tư nhằm đơn giản thủ tục, rút ngắn thời gian lập hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Tuy nhiên, việc đưa người nghiện ma tuý vào cơ sở xã hội cho đến nay vẫn còn tồn tại một số bất cập.

Đầu tiên là trong việc quản lý người nghiện không có nơi cư trú ổn định tại các cơ sở xã hội.

Quy chế hoạt động của cơ sở xã hội các tỉnh, thành phố ban hành không thống nhất. Theo quy định, thẩm quyền quyết định đưa đối tượng vào cơ sở xã hội là Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã. Thực  tế, có địa phương vận dụng giao cho công an, cơ quan phát hiện hành vi sử dụng trái phép chất ma tuý quyết định. Như vậy, giảm bớt thủ tục, rút ngắn thời gian lập hồ sơ và quyết định đưa vào cơ sở xã hội.

Về đối tượng, theo quy định của pháp luật phải xác định được tình trạng nghiện và xác định được nơi cư trú, nếu người đó không có nơi cư trú ổn định mới đưa vào cơ sở xã hội. Tuy nhiên, phần lớn các địa phương đã vận dụng theo cách đưa tất cả người có hành vi sử dụng ma tuý trái phép vào cơ sở xã hội, sau đó phân loại, xác định nơi cư trú, tình trạng nghiện.

Về cơ chế hoạt động của cơ sở xã hội, có địa phương quy định sau khi phân loại, đối với những người xác định được nơi cư trú ổn định hoặc những người không xác định được tình trạng nghiện thì được trả về địa phương để quản lý, giáo dục. Xong có địa phương mặc dù đã xác định được nơi cư trú ổn định nhưng phải có sự bảo lãh của gia đình và chính quyền mới được đưa về gia đình để quản lý.

Bên cạnh đó, việc xác định nơi cư trú ổn định của người nghiện, người nghiện cố tính khai không đúng sự thật, khai ở nhiều nơi, ở ngoài tỉnh dẫn đến việc xác minh khó khăn mất nhiều thời gian, công sức. Sự phối hợp giữa các địa phương trong việc xác minh nơi cư trú của người nghiện, đặc biệt các trường hợp ngoài tỉnh chưa thống nhất.

Các đối tượng nghiện lại không hợp tác, không trả lời đúng tình trạng nghiện của mình, do vậy, người có thẩm quyền xác định tình trạng nghiện không xác định được đủ các triệu chứng theo quy định của Bộ Y tế.

Trước tình hình đó, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan hướng dẫn xác định tình trạng nghiện theo hướng bị xử phạt nhiều lần về hành vi sử dụng trái phép chất ma tuý hoặc đã cai nghiện nhiều lần; khẩn trương rà soát, sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác cai nghiện ma tuý nhằm đơn giản thủ tục, rút ngắn thời gian lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Các địa phương phối hợp xác minh người nghiện không có nơi cư trú ổn định để lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Bộ cũng kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính về “áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người nghiện ma tuý” theo hướng “áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người có hành vi xử dụng trái phép chất ma tuý chứ không nên áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người nghiện ma tuý như Luật hiện hành”.

Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, xử lý sớm hành vi sử dụng ma tuý trái phép với các biện pháp thích hợp giúp họ từ bỏ hành vi sử dụng trước khi họ bị lệ thuộc vào chất ma tuý (nghiện ma tuý) mang lại hiệu quả cao hơn sơ với biện pháp xử lý khi họ đã bị nghiện. Các tổ chức quốc tế đã khuyến cáo can thiệp càng sớm hiệu quả càng cao đối với người có hành vi sử dụng trái phép chất ma tuý.

Top