HIV/AIDS - Những ngộ nhận và con đường gian nan

01/09/2015 16:59

“HIV/AIDS cần được xem như một bệnh mãn tính. Chúng ta cần xóa bỏ các định kiến chưa đúng trong xã hội về căn bệnh này; có như vậy các kế hoạch phòng chống sự lây lan của căn bệnh mới đạt được hiệu quả”, nhận định của các chuyên gia y tế từ WHO.

 Sống không kỳ thị và chung tay giúp đỡ những người nhiễm HIV/AIDS - Ảnh minh họa

Hiện nay, dịch HIV ở Việt Nam được nhận định vẫn đang ở giai đoạn tập trung tức là người nhiễm HIV vẫn tập trung chủ yếu trong nhóm người nghiện chích ma túy do dùng chung bơm kim tiêm với người nhiễm HIV và nhóm phụ nữ mại dâm do quan hệ tình dục không an toàn. Vì vậy, nhiều người trong xã hội có quan điểm cho rằng HIV/AIDS, ma tuý và mại dâm đều là một tệ nạn xã hội.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, thì chỉ có khoảng 45% người nhiễm HIV hiện nay là người tiêm chích ma túy và khoảng 3% trong số họ là phụ nữ mại dâm. Số còn lại khoảng 52% là thuộc các nhóm khác như là vợ, chồng hay bạn tình của người nhiễm HIV; người vô tình nhiễm HIV như một tai nạn… Hiện nay, trên thế giới và tại Việt Nam, người nhiễm HIV đã có trong mọi tầng lớp dân cư, từ người lao động chân tay đến các cán bộ, trí thức; từ người lớn đến trẻ em... Nói chung, HIV không phân biệt tuổi tác, giới tính, vị trí xã hội, nghề nghiệp, mà có thể lây nhiễm cho bất cứ ai nếu người đó có hành vi không an toàn.

Việc đánh đồng hay gắn kết HIV với các tệ nạn xã hội là hết sức nguy hiểm, gây nên sự chủ quan, sự kỳ thị, phân biệt đối xử, dẫn đến tình trạng lây nhiễm do nhiều nguyên nhân chủ quan hoặc khách quan từ những người mang bệnh.

Thứ nhất, có thể tạo ra tâm lý chủ quan trong xã hội vì cho rằng HIV là tệ nạn xã hội nên chỉ  nhóm người “tệ nạn” như người nghiện ma túy, người bán dâm mới có nguy cơ lây nhiễm, khiến nhiều người không chủ động tự bảo vệ mình trước nguy cơ bị lây nhiễm.

Thứ hai, tạo ra sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV. Khi bị đánh đồng nhiễm HIV với tệ nạn xã hội thì dư luận sẽ coi họ là người xấu xa thay vì coi họ là những bệnh nhân. Sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV làm họ sợ hãi, xa lánh cộng đồng và trốn tránh, từ đó gây ra tâm lý “trả thù”, họ trở thành quần thể “ẩn”, không dám tiếp cận các dịch vụ y tế, không hợp tác với cộng đồng trong việc phòng chống bệnh, càng làm cho dịch thêm gia tăng.

Thứ ba, tạo ra quan niệm những người này không xứng đáng được quan tâm, được chăm sóc, điều trị và nếu muốn được điều trị thì phải tự trả tiền.

Với những nguyên nhân nêu trên, chúng ta không nên đánh đồng vấn đề nhiễm lây HIV với các tệ nạn xã hội.

Cuộc chiến với sự kỳ thị - con đường gian nan

Bản thân người nhiễm HIV/AIDS phải đối mặt với hai cuộc chiến hàng ngày, cuộc chiến với căn bệnh thế kỷ và cuộc chiến tâm lý do tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử. Và cuộc chiến tâm lý có phần khắc nghiệt hơn đối với những bệnh nhân là trẻ em, đang ở độ tuổi đến trường.

“Cách đây 5 năm, trong một lần đi học về, cháu nhà tôi không may đạp phải kim tiêm ở ven đường. Xét nghiệm cho kết quả dương tính với HIV. Khi tin này lan ra, nhà trường bắt con tôi phải nghỉ học vì lý do học lực yếu, sợ ảnh hưởng kết quả thi đua. Tôi cũng cất công tìm đến các trường khác, mong họ có hiểu biết nhiều hơn để con tôi được tiếp tục đi học, nhưng đi đến đâu cũng đều bị từ chối. Họ hàng hai bên nội, ngoại nhìn thấy những vết lở loét trên người cháu nên không ai dám lại gần chăm sóc mỗi khi cháu ốm. Đi đến đâu cháu cũng bị gọi là thằng “sida”, bạn bè không dám chơi chung. Bác sỹ nói do tinh thần cháu bị suy sụp nên thuốc cũng không phát huy hết tác dụng và diễn biến bệnh ngày càng nhanh hơn”, đó là lời chia sẻ của của chị Thái ở Quận 7, TPHCM, một người mẹ có con vô tình bị nhiễm HIV.

Sự kỳ thị thậm chí cũng diễn ra với những người trong ngành y, những người có đầy đủ kiến thức về căn bệnh này.

“Trong suốt những năm công tác trong nghề, tôi từng chứng kiến một số trường hợp đồng nghiệp không may bị nhiễm HIV/AIDS do chăm sóc bệnh nhân. Trong thời gian uống thuốc chống phơi nhiễm và chờ đợi kết quả xét nghiệm, họ không những phải gánh chịu những phản ứng phụ của thuốc làm cơ thể thiếu máu, suy tủy, mà còn phải chịu áp lực nặng nề về tâm lý trong thời gian dài. Đa số họ đều không dám chia sẻ với gia đình, chỉ âm thầm chịu đựng một mình. Một số may mắn thì được gia đình ủng hộ tinh thần, nhưng đa số đều gặp bất hạnh, vợ chồng ly dị, con cái không dám lại gần cha mẹ. Thậm chí, người nhà còn không dám ăn cơm chung”, bác sĩ Loan, bệnh viện Chợ Rẫy, chia sẻ.

Do đó, một trong những giải pháp để kiểm soát sự lây lan của HIV/AIDS là phải xóa bỏ kỳ thị bằng các chương trình nâng cao nhận thức, giúp người bệnh có cơ hội hòa nhập cộng đồng, sống tích cực và tiếp tục đóng góp cho xã hội. Tuy nhiên, đó mới chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ là người bệnh cần được tiếp cận với các phác đồ điều trị và thuốc đặc trị để “sống chung với lũ”, giúp phục hồi sức khỏe và giảm khả năng lây nhiễm HIV trong cộng đồng.

Một trong những loại thuốc điều trị HIV/AIDS đã được chứng minh hiệu quả và được sử dụng phổ biến là thuốc kháng vi rút ARV. Theo báo cáo của Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS - UNAIDS vào tháng 5/2015 thì bệnh nhân nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV sớm (khi mới phát hiện) có hai ưu điểm đó là làm giảm tỷ lệ bệnh tật và giảm tử vong ở người nhiễm HIV. Theo thống kê của các cơ quan chuyên môn, điều trị ARV giúp giảm 53% nguy cơ chuyển sang AIDS và mắc các loại bệnh nhiễm trùng cơ hội (lao, viêm phổi, viêm gan B…); đồng thời cũng giảm lây truyền HIV (cụ thế giảm 96% nguy cơ lây truyền HIV qua quan hệ tình dục; giảm tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con xuống dưới 2%). Thực tế chứng minh, người được điều trị bằng ARV kết hợp tư vấn tốt có thể phục hồi sức khoẻ, phục hồi khả năng lao động, vượt qua mặc cảm tâm lý, sống có ý nghĩa hơn.

Tình trạng tài chính khẩn cấp cho thuốc ARV

Nguồn thuốc kháng vi rút ARV điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS trước đây hầu hết do các tổ chức quốc tế tài trợ nhưng trong tương lai gần sẽ bị cắt giảm nhanh và chấm dứt hẳn vào năm 2017. Người nhiễm HIV đang điều trị ARV miễn phí có thể bị gián đoạn, dẫn đến nguy cơ chuyển sang giai đoạn AIDS và tử vong. Những người nhiễm HIV đang chờ được điều trị ARV mà không có cơ hội tham gia sẽ có nguy cơ nhiễm trùng cơ hội cao, khiến chi phí y tế càng tăng… Đồng thời, số người nhiễm HIV mới sẽ tăng nhanh, dịch HIV/AIDS không còn chỉ tập trung vào một số nhóm nguy cơ cao như hiện nay, mà sẽ lan nhanh ra cộng đồng, ảnh hưởng đến an sinh xã hội.

Do vậy, các cơ quan chức năng cần phải khẩn cấp xây dựng kế hoạch và lộ trình chuẩn bị nguồn tài chính cho thuốc ARV nhằm tự chủ hoàn toàn nguồn kinh phí phòng chống HIV/AIDS ngay từ bây giờ, để không lãng phí những thành quả đã đạt được trong cuộc chiến với căn bệnh thế kỷ mà chúng ta đã gian nan, vất vả thực hiện hơn 20 năm qua.

Top