Mặt trái của truyền thông trong phòng, chống ma tuý

09/06/2014 10:56

Trong cuộc chiến đấu tranh chống ma túy, truyền thông có vai trò rất quan trọng trong việc phát hiện vấn đề, tạo dư luận xã hội và định hướng cho công chúng có cái nhìn đúng, và đủ về tác hại và hậu quả của ma túy.

Ma túy và tội phạm ma túy đang là hiểm họa toàn cầu, gây tác hại tới sức khỏe, làm suy thoái nòi giống, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt trong đời sống xã hội. Vì vậy, phòng và chống ma túy thực sự trở thành một mặt trận nóng bỏng, phức tạp, là nỗi trăn trở của mọi tầng lớp trong xã hội.

Trong những năm qua, chúng ta đã đẩy mạnh truyền thông, huy động sức người sức của vào công tác phòng, chống ma túy và đạt được một số thành tựu nhất định. Trong thời buổi bùng nổ công nghệ thông tin và hội nhập kinh tế thế giới như hiện nay, việc sử dụng truyền thông như thế nào để phát huy tối đa sức mạnh, thực sự đang trở thành một vấn đề bức thiết!

Hằng năm, đến những ngày tháng sáu -Tháng hành động Phòng, chống ma túy, nhiều đơn vị trên cả nước tổ chức các cuộc mít tinh, ra quân biểu dương lực lượng. Các sở, ban, ngành, đoàn thể, trường học… treo các khẩu hiệu như “Nhiệt liệt hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống ma túy” tại cổng trụ sở, cơ quan. Tuy nhiên, cũng khó đánh giá được rằng liệu nhận thức của người dân có được cải thiện, nâng cao sau những buổi mít tinh, diễu hành như vậy.

Tuyên truyền phòng chống ma túy (Nguồn ảnh: baogialai.com.vn)

Theo khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ tâm lý cho Người nghiện ma túy (PSD) trên 20.000  học sinh, sinh viên, 5.000 phụ huynh học sinh, thân nhân người nghiện ma túy, 15.000 học viên đang cai nghiện tại các trung tâm, những người đã cai nghiện thành công, 75% số người được hỏi cho rằng các phương pháp truyền thông hiện nay chưa hiệu quả. Một số phương pháp truyền thông đang triển khai chưa đạt được hiệu quả cao thậm chí còn gây hiệu ứng ngược, một phần quảng cáo cho việc sử dụng ma túy.

Trên thực tế, việc sử dụng sức mạnh của truyền thông như thế nào trong việc tuyên truyền phòng và chống ma túy  hiệu quả và hợp lý không chỉ là bài toán của  riêng Việt Nam mà đó là vấn đề chung của nhiều nước trên thế giới.

Tại Nga, theo các chuyên gia của Viện Các vấn đề Kinh tế - Xã hội Nhân dân thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, những năm gần đây có hàng loạt tài liệu, thông tin dưới dạng tuyên truyền chống ma túy, nhưng lại có “tác dụng” ngược là quảng cáo các chất ma túy, làm tăng sức hút đối với người nghiện.

Ví dụ: Quảng cáo tờ rơi hình ảnh xi lanh gạch chéo với dòng chữ: “Nói không với ma túy” thì chúng lại gây ra cho người nghiện phản xạ có điều kiện “Kim tiêm – Cần phải chích”. Hay đối với người chưa từng  nghiện cũng vậy các banner quảng cáo phòng chống ma tuý đều ghi rất nhiều hình ảnh về cổ động phòng chống ma tuý với dòng chữ “Nói không với Ma túy” hay “Không sử dụng dù chỉ một  lần” nhưng qua nghiên cứu của Viện Hành vi cho thấy, chính những dòng chữ này lại gây ra cảm giác dễ chịu, kích thích sự tò mò của người chưa từng sử dụng ma tuý thử nghiệm xem sử dụng ma túy như thế nào”. (Trích bài trả lời phóng vấn của Chủ tịch Hội đồng Liên Bang - ông Sergei Mironov về những phương pháp phòng chống ma túy, đăng tải tại “Báo nước Nga” (Moskva) ngày 23/11/2005).

Ở Việt Nam liệu vết xe đổ này có được lặp lại? Trong quá trình khảo sát và nghiên cứu tâm lý học sinh, sinh viên, PSD nhận thấy những phương pháp truyền thông về phòng, chống ma tuý chưa thực sự hiệu quả, không đồng bộ, thiếu định hướng và nhất quán về nội dung. Những phương pháp truyền thông còn mang tính hình thức, chưa thể hiện hết những hệ lụy chết người của ma túy.

Ví dụ ở Cần Thơ đã từng xuất hiện banner phòng chống ma tuý với thông điệp: “ Ma tuý không phải trò chơi của trẻ em” (nguồn Dantri.com). Trên rất nhiều trang báo mạng, bên cạnh việc cảnh báo, phân tích về các loại ma túy, là những phần viết về cảm giác hưng phấn khi sử dụng ma túy dẫn tới phản ứng ngược là kích thích trí tò mò tìm và sử dụng ma tuý.

Một banner tại Thành phố Cần Thơ (nguồn: Dantri.com)

Tới thời điểm hiện tại, ma túy đang biến tướng dưới nhiều hình thức khác nhau, đặc biệt là ma túy tổng hợp. Bên cạnh đó, độ tuổi người nghiện ma túy ngày càng có xu hướng trẻ hóa.

Với sự thu hút hàng triệu lượt truy cập hằng ngày, báo mạng đang trở thành một công cụ hữu ích tác động lớn đến độc giả. Ma túy và tội phạm về ma túy là đề tài giành được sự quan tâm của dư luận và báo giới. Điểm qua một số trang báo mạng, chúng ta bắt gặp một số tít bài như: Đập đá và sex “cặp bài trùng; “Cơn lốc” ma túy đá, cơn lốc hút shisha của giới trẻ Hà thành; sau cơn “đập đá” thiếu nữ quan hệ với 5-6 người vẫn chưa đã.

Một số báo khi viết để giật tít, câu view (lượt xem) một phần đã vô tình quảng cáo cho ma túy mà không lường trước được những hệ quả đằng sau đó. Chẳng hạn, một trang tin trên báo mạng với tiêu đề: Teen Sài thành: “đập đá” thể hiện chất dân chơi, trong bài có đoạn: “Khi đã ở cảm giác phê với đá, bạn có thể cảm thấy tình yêu tràn ngập với một cái cốc, một đồ chơi, thấy mọi thứ yếu ớt dưới chân mình và mình như một siêu nhân tràn đầy sức mạnh, có thể thống trị và chiến thắng tất cả. Đặc biệt, khi nghĩ đến tình dục, cảm giác sẽ rất thăng hoa, làm chuyện đó rất hăng và khác thường”. Bạn đọc, đặc biệt là thanh, thiếu niên sẽ nghĩ gì sau khi đọc những dòng chữ này?

Đi kèm với những bài báo là những hình ảnh về cách thức sử dụng ma túy, hình ảnh về vũ trường có nhiều thanh thiếu niên bên cạnh là bình hút shisha. Nếu thanh thiếu niên bắt gặp những hình ảnh này sẽ xuất hiện cảm giác tò mò, muốn thể hiện mình, bắt chước như hình ảnh, bài viết mà họ đã bắt gặp.

Như vậy, bên cạnh việc phân tích về các loại ma túy, truyền thông vô tình quảng bá ma túy và cách thức sử dụng, mà chưa đạt được mục đích ngăn ngừa, định hướng cho bạn đọc về những hệ quả chết người của nó.

Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để truyền thông phát huy được sức mạnh trong công tác tuyên truyền chống ma túy đặc biệt trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin? Thiết nghĩ các cơ quan hữu quan cần mạnh dạn thay đổi các phương pháp truyền thông  hiện đang áp dụng để góp phần nâng cao nhận thức đúng và đủ trong cộng đồng, từ đó góp phần giảm thiểu tối đa tỷ lệ người nghiện ma tuý mới!

                                                    Lê Trung Tuấn 

Top