Nghiện - Cai – Tái, vòng tròn luẩn quẩn

24/10/2014 14:10

Môi trường sống dễ dàng tiếp cận với ma túy, không việc làm, mất niềm tin, dao động tâm lý, sự kỳ thị của xã hội... có hàng ngàn lý do để người nghiện tái nghiện.

Mua ma túy dễ như  mớ rau, con cá ngoài chợ!

Trong thực tế, sau khi  các học viên đi cai nghiện bắt buộc hay tự nguyện trở về, có người vào ra các trung tâm cai nghiện đến mấy chục lần nhưng đến khi ra ngoài cộng đồng, họ vẫn tái nghiện. Tiếp xúc với các học viên đang cai nghiện trong các Trung tâm LĐXH cũng như vừa mới hòa nhập cộng đồng, chúng tôi có điều kiện tìm hiểu, lắng nghe  những lý do tái nghiện của họ.

Mới bỡ ngỡ bước ra khỏi trung tâm cai nghiện, anh Nguyễn Văn Ninh (SN 1973 ở TT Phố Lu- Bảo Thắng-  Lào Cai) đã lập tức trở về với ma túy. Trước đây, Ninh làm nghề lái xe đường dài tuyến Hà Nội- Lào Cai,  sau một chuyến đi dài mệt mỏi, mấy người trong tổ lái móc một bịch màu đen rủ rê: Chú em muốn tỉnh táo ôm vô lăng thâu đêm suốt sáng thì dùng cái này... Bập vào ma túy một thời gian, Ninh buộc phải nghỉ việc vì sức khỏe sụp giảm, mấy lần suýt gây tai nạn...  Cuối cùng, Ninh tự nguyện đi cai. Từ năm 1998 đến 2014, Ninh đi cai 8 lần nhưng không thành công. Cứ ra khỏi trường cai một thời gian, về nhà, rảnh rỗi ra quán trà đá đầu ngõ, gặp lại cánh lái xe đường dài, nghe họ rủ rê mời mọc,  Ninh lại  không làm chủ được mình.

Khi được hỏi về “nguồn hàng” khi có nhu cầu, Ninh chia sẻ: không đâu dễ mua ma túy như gần nhà tôi. Ma túy nhiều như con cá mớ rau ngoài chợ ấy mà! Cần bao nhiêu chả có! Cứ  như vậy, cai rồi tái nghiện như cái vòng luẩn quẩn, đeo bám lấy người đàn ông đã ở tuổi trung tuần.

Nỗi buồn trên khuôn mặt anh Ninh- Ảnh Hồng Lam

Mỗi lần thiếu tiền mua thuốc, Ninh hay trộm tiền vợ, từ một thanh niên được tiếng là lành như đất, Ninh trở nên thô lỗ, vũ phu với vợ con. Cuối cùng vợ Ninh dứt áo ra đi trong tủi hờn, mang theo đứa con mới 3 tuổi không một lời nhắn gửi. Ninh trải lòng: “Nghèo khó, bệnh tật không làm vợ tôi bi quan, mà vì tôi, vì ma túy mới là nguyên nhân dẫn đến bi kịch của một gia đình”.

Đầu tháng 8/2014, Ninh đi cai về, tạm rời xa ma túy một thời gian, anh rơi vào tâm trạng chán nản tuyệt vọng, mất phương hướng. Cảnh nhà đã thế, Ninh xin đi lái xe gần nhà để khỏa lấp nỗi trồng vắng. Ông chủ hãng vận tải ném cái nhìn dè bỉu: Nghiện oặt như mày, ai nhận...!  Được chừng một tuần, để xoa dịu nỗi buồn, quên đi chán nản, anh vội vàng lao vào ma túy.

Tái nghiện vì... tiền

Đối với các học viên vừa mới bước ra các trung tâm cai nghiện, được sở hữu một số tiền đôi khi là một trong những nguyên nhân gây tái nghiện. Đó là trường hợp của anh  Lê Sỹ Dũng (Thạch Thất- Hà Nội) hiện đang cai nghiện tại Trung tâm Chữa bệnh- Giáo dục Lao động Xã hội (CBGDLDXH) số IV.

Chị Hoa, vợ anh Dũng kể, đây là lần thứ 4 đưa chồng đi cai nghiện. Lần trước thất bại, là do… mẹ chồng. Anh cai trong trung tâm từ năm 2009 tới 2011 mới về, đã tạm dứt khỏi con ma- ma túy. Khi về, anh đồng ý với vợ sẽ chỉ ở nhà nội trợ, cơm nước, không đi đâu. Nhưng một ngày anh qua phụ mẹ sửa bếp, thấy con trai kêu hết tiền tiêu, mẹ vội giúi vào tay anh 1 triệu cho con tiêu vặt. Trong tay có sẵn đồng tiền, cảm giác thèm nhớ ma túy nổi lên, không chiến thắng được bản thân, anh thậm thụt giấu chị đi mua...

Chị quệt mồ hôi lẫn nước mắt, nói trong mệt mỏi: Tôi đã nói với gia đình hỗ trợ để chồng tôi cai nghiện triệt để, không ngờ chỉ một lần lơ là, có tiền trong tay mọi công sức của hai vợ chồng coi như vứt xuống sông xuống biển. Đồng tiền rơi vào tay người mới chân ướt chân ráo từ trung tâm cai nghiện trở về, nếu mình lơ là, không kiểm soát được đúng là nguy hiểm.

Mong chờ ra trại để sử dụng ma túy

Hơn 13 năm bên bàn đèn thuốc phiện, 14 lần đi cai với quyết tâm và sự kỳ vọng rất lớn của gia đình là câu chuyện của anh Trần Đức Nam (Khương Đình- Thanh Xuân- Hà Nội). Là con trai duy nhất trong gia đình khá giả, ngay từ nhỏ Nam được nuông chiều, bảo bọc kỹ càng. Tốt nghiệp đại học, Nam có ngay công việc mà bao người mơ ước... 

Với một số trường hợp, khi bập vào ma túy, người thân thường có biểu hiện xa lánh dễ dẫn đến tổn thương về mặt tâm lý. Nhưng với Nam, gia đình cảm thông và tạo điều kiện hết sức để anh có cơ hội tránh xa ma túy, làm lại cuộc đời.

Ý thức rõ môi trường là yếu tố hàng đầu dẫn đến tái nghiện. Vì thế, Nam chủ động “xin” được đi cai. Mỗi lần nghe Nam nói về việc đi cai, mẹ anh  mừng rơi nước mắt. Những lần đó, mẹ anh thức suốt đêm, lụi cụi chuẩn bị từng ly từng tý. Từ năm 2000-2013, ròng rã trong vòng 13 năm, Nam “tay xách, nách mang” tự nguyện đi cai ở các Trung tâm LĐGDXH tỉnh Thái Nguyên, Hòa Bình, Yên Bái...

Một năm có 12 tháng, 11 tháng Nam đã có mặt trong các Trung tâm LDGDXH, chỉ có 1 tháng về ăn Tết với gia đình. Nhưng cũng chính 1 tháng “tự do” ấy khiến thành quả 1 năm vật lộn, đấu tranh với ma túy thành công cốc.

 Công khai hoạt động mua bán ma túy như chợ trời (ảnh minh họa). Nguồn Tuoitre.vn

Nam chia sẻ: “Cứ năm hết, Tết đến, tôi tự buông thả mình với suy nghĩ: cả năm mình vất vả với ma túy rồi, Tết đến người ta đi trẩy hội vui xuân, mình “thi thoảng làm tí” chắc không sao. Hết Tết, mọi người trở lại với công việc, đó cũng là lúc tôi chuẩn bị đồ đạc“hành quân” lên Thái Nguyên. Tôi không hiểu sao, cứ mong tết đến, về nhà để được giải tỏa cảm giác thèm nhớ của mình...”.

Ròng rã 13 năm, Nam quyết chiến với ma túy nhưng anh vẫn không thể nào dứt ra được. Anh tự đấu tranh với chính mình, tự hứa với bản thân và gia đình không biết bao nhiêu lần nhưng điệp khúc “cai rồi tái” vẫn cứ tiếp diễn. Nam rơi vào trạng thái  bế tắc, u mê, không tìm được lối thoát cho bản thân...

Duy trì liên lạc với những bạn nghiện

Nghiện ma túy từ năm 17 tuổi, cai lên cai xuống nhưng Hoàng Vương, SN 1989 (Lạch Tray- Hải Phòng) vẫn không dứt được ma túy. Biết cậu ấm duy nhất trong nhà nghiện ma túy, ông Gia- bố Vương sốt sắng đưa đi cai khắp nơi. Từ các trung tâm cai nghiện tự nguyện trong Nam ngoài Bắc... cuối cùng ông quyết đưa con ra đảo Cát Hải, gửi con cho một người đồng đội năm xưa. Sống giữa làng bè, hằng ngày phụ giúp ông bạn chăm nom mấy đầm tôm, ông tin con mình sẽ dứt bỏ được ma túy. Ra Cát Hải được 15 ngày thì Vương cắt cơn, sau vài tháng sức khỏe ổn định, biết lo lắng quán xuyến công việc trên đầm tôm. Hơn hai năm, đón con trở về, ông Gia vui mừng nhìn con phổng phao, khỏe mạnh, tưởng như Vương không còn “duyên nợ” với ma túy. Nào ngờ, mới về được một tuần, thằng bạn thường dùng ma túy với mình ngày xưa đến nhà chơi, lại rủ rê, Vương lại lao đầu vào ma túy... Vương kể trong hối tiếc: tới nhà thằng bạn, chỉ cần nghe hơi khói ma túy phảng phất thôi là em đã thấy khó chịu, nổi gai ốc lên rồi, nó lại mời mọc: Mày làm tí đi! Làm tí đi!... Cảm giác thèm nhớ ma túy lại dâng lên, em không còn giữ nổi mình nữa...

Nhắc đến quá trình cai nghiện của con trai mình, người cựu chiến binh trầm tư: Trong những lúc quá đau khổ với thằng con trai, tôi nghĩ: Tôi là một đời lính, vào sinh ra tử ở chiến trường. Chiến đấu với những nước mạnh như Pháp, Mỹ chúng ta làm được. Nay, thời bình, lẽ nào lại bất lực trước nạn ma túy tràn lan như thế này?

Trong khi cai nghiện thì vô cùng khó, còn tái nghiện cực kỳ dễ. Chỉ cần một chút sơ ý, một lần không chiến thắng được chính mình, tự thỏa hiệp với bản thân...  cũng đã khiến người nghiện khó thoát ra khỏi sự cám dỗ chết người của ma túy.  Để gỡ rối vòng tròn luẩn quẩn Nghiện- Cai- Tái nghiện, trước hết cần phải phân tích, tìm ra những nguyên nhân, cơ chế gây tái nghiện.

Là một chuyên gia có kinh nghiệm điều trị cho bệnh nhân nghiện chất, TS Nguyễn Mạnh Hùng- Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương cho biết để đoạn tuyệt với ma túy, điều quan trọng nhất vẫn là ở ý chí, quyết tâm của người nghiện. Bên cạnh đó, phải giải quyết triệt để các nguyên nhân về mặt tâm lý, nguyên nhân về mặt sinh học và các tác nhân do môi trường sống mang đến…

Nếu người nghiện không thực sự muốn cai nghiện thì dù có sử dụng tất cả các biện pháp cũng khó có thể giúp họ cai nghiện được.

*Tên một số nhân vật trong bài đã được thay đổi

Top