Những tiến bộ vượt bậc của thế giới trong kiểm soát HIV/AIDS

30/11/2015 17:00

Mặc dù đã có những tiến bộ đáng kể trong ba thập kỷ qua kể từ khi ca AIDS đầu tiên được báo cáo, nhưng dịch HIV vẫn là một thảm họa chưa từng có của loài người, gây ra nỗi thống khổ lớn cho các quốc gia, các cộng đồng và các gia đình trên toàn thế giới.

 

Ảnh minh họa

Hơn 30 triệu người đã chết vì AIDS

Ước tính khoảng 33 triệu người đang sống với HIV và hơn 16 triệu trẻ em bị mồ côi vì AIDS, hơn 7.000 ca nhiễm HIV mới mỗi ngày, chủ yếu xảy ra ở những người sống tại các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.

Hiện nay mới có khoảng gần một nửa những người sống với HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của bản thân mình; trên phạm vi toàn cầu, thanh thiếu niên lứa tuổi từ 15-24 chiếm hơn 1/3 tổng số các ca nhiễm HIV mới, với khoảng 3.000 thanh thiếu niên nhiễm HIV mỗi ngày. Đáng lưu ý là phần lớn thanh thiếu niên vẫn còn bị hạn chế trong tiếp cận giáo dục có chất lượng. Họ bị hạn chế trong việc tiếp cận với các chương trình sức  khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản để được cung cấp thông tin, kỹ năng, cũng như các dịch vụ và các vật dụng cần thiết để tự bảo vệ bản thân mình. Chỉ có 34% thanh thiếu niên có kiến thức chính xác về HIV/AIDS.

Ở nhiều quốc gia luật pháp và chính sách còn chưa thu hút thanh thiếu niên vào việc tiếp cận các dịch vụ có liên quan đến sức khỏe tình dục và HIV/AIDS.  Đồng thời, việc tuyên truyền, giáo dục chưa mạnh mẽ nhằm làm cho thanh thiếu niên biết được tầm quan trong của việc can thiệp giảm tác hại đối với các hành vi có nguy cơ và khuyến khích hành vi tình dục có trách nhiệm, bao  gồm: kiêng không tình dục, chung thủy và sử dụng bao cao su đúng cách và thường xuyên.

Cam kết trên toàn thế giới đối với dịch HIV toàn cầu là chưa từng có tiền lệ. Kể từ Tuyên bố Cam kết năm 2001 về phòng, chống HIV/AIDS và Tuyên bố Chính trị năm 2006 về phòng, chống HIV/AIDS, những cam kết này đã được thể hiện bằng việc gia tăng nguồn kinh phí gấp  4  lần từ 4 tỷ USD năm 2001 lên 16 tỷ USD năm 2010, số lượng tài chính lớn nhất dành cho cuộc chiến với một căn bệnh nguy hiểm nhất trong lịch sử;

Ngày 14/7/2015 Liên Hiệp Quốc đưa ra mục tiêu đáp ứng điều trị 15 triệu người, kết quả này theo sau nhiều thập kỷ đầu tư và nỗ lực toàn cầu để có được các loại thuốc kháng virus cho những người cần như những người sống ở vùng cận Sahara châu Phi.

Theo Tiến sĩ Michel Sidibé, Giám đốc Điều hành của UNAIDS, nhờ nguồn lực tài chính được tăng cường nên việc áp dụng phương pháp điều trị ARV đã giúp làm giảm nguy cơ lây nhiễm virus HIV và kéo dài tuổi thọ của người mắc HIV/AIDS là một bước tiến lớn rất quan trọng hướng tới “loại trừ” đại dịch này đến năm 2030.

Hiện 15 triệu người, chiếm 40% trong số những người sống chung với HIV/AIDS đang được điều trị bằng phương pháp ARV, tăng 22 lần so với 14 năm qua. Trong tiểu vùng Sahara châu Phi, 10,7 triệu người đã được tiếp cận ARV, 6,5 triệu người (61%) trong số họ là phụ nữ. Có thể thấy vào năm 2000, khi các mục tiêu thiết lập đầu tiên của UN để chống lại HIV, do nguồn lực hạn hẹp, thì chưa đầy 700.000 người nhận được những loại thuốc thiết yếu này.

Toàn cầu đã ngăn chặn 30 triệu ca nhiễm HIV mới

Theo UNAIDS, việc đáp ứng toàn cầu với HIV đã ngăn chặn 30 triệu ca nhiễm HIV mới và gần 8 triệu ca tử vong liên quan đến AIDS kể từ năm 2000 đến nay. Trong cùng thời gian đó, nhiễm HIV mới đã giảm từ 2,6 triệu người mỗi năm xuống còn 1,8 triệu người và tử vong liên quan đến AIDS đã giảm từ1.6 triệu xuống1.2 triệu người. Trong khi đó, đầu tư toàn cầu về HIV đã tăng từ 1,8 tỷ USD vào năm 2001 lên hơn 20 tỷ USD trong năm 2014 và phối hợp hành động trong 5 năm tiếp theo có thể chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

Theo báo cáo của UNAIDS thì các ca nhiễm HIV mới đã giảm 35% và các ca tử vong do AIDS cũng giảm 41% trong giai đoạn 2000-2014, UNAIDS cũng cho thấy năm 2014 có 83 quốc gia chiếm tới 83% tổng số người mắc HIV đã kiềm chế hoặc ngăn chặn được đại dịch này, trong đó bao gồm các nước có tỷ lệ lây nhiễm cao như Ấn Độ, Kenya, Mô zăm bic, Nam Phi và Zimbabwe. 

Sự phục hồi trở lại của tuổi thọ bình quân của nhiều quốc gia ở Châu Phi như Zimbabwe, Nigeria, Uganda… là điểm đáng chú ý trong đương đầu với AIDS ở châu lục này.

Vào năm 1980 tuổi thọ bình quân ở nhiều quốc gia Châu Phi đã đạt  khoảng 60 tuổi, nhưng do ảnh hưởng của HIV/AIDS, đến năm 2000 tuổi thọ trung bình của người dân các nước này đã giảm xuống chỉ còn 44 tuổi. Nhờ thành quả của phòng chống AIDS, đến năm 2013, tuổi thọ trung bình ở các nước này đã tăng trở lại đến 60 do số người nhiễm HIV mới đã giảm và việc tiếp cận điều trị ARV được mở rộng.

Ethiopia bị ảnh hưởng nặng nề bởi căn bệnh thế kỷ này với 73.000 người chết liên quan đến các bệnh do AIDS trong năm 2000 nhưng bằng nỗ lực của chính phủ cùng sự hỗ trợ quốc tế, quốc gia này đã giảm 71% các tử vong liên quan đến AIDS trong giai đoạn từ 2004-2015. 

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc  Ban Ki-moon cho biết: "Thế giới đã chuyển sang ngăn chặn và đẩy lùi đại dịch AIDS, bây giờ chúng ta phải quyết tâm chấm dứt đại dịch AIDS như là một phần của các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ". Vì vậy giai đoạn  5 năm tới sẽ rất quan trọng, là giai đoạn tăng cường mọi nỗ lực trong  dự phòng, chăm sóc và  điều trị nhằm hướng tới một mục tiêu chiến lược chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030.

Tháng 7 năm 2014, Liên Hợp Quốc đã khởi xướng các mục tiêu 90- 90- 90. Mục tiêu này hướng tới việc: phấn đấu 90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% số người đã chẩn đoán bị nhiễm HIV được điều trị ARV liên tục và 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi rút ở mức thấp và ổn định hay còn gọi là tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế.

Theo đánh giá của Liên Hợp Quốc, nếu các quốc gia đạt được ba mục tiêu 90- 90- 90 thì có thể phát hiện được hầu hết những người nhiễm HIV trong cộng đồng; điều trị được hầu hết những người nhiễm HIV với kết quả điều trị tốt, giảm tối đa khả năng lây nhiễm HIV cho người khác. Như vậy, những người đã nhiễm HIV có cuộc sống khỏe mạnh, từ đó có thể đạt được mục tiêu to lớn hơn là kết thúc đại dịch vào năm 2030.

(Còn tiếp)

Top