Singapore nỗ lực xây dựng đất nước không ma túy

01/04/2014 13:39

Trong khi tình hình ma tuý trên thế giới và khu vực ngày càng diễn biến phức tạp, số người nghiện và tội phạm ma tuý ở các nước láng giềng đang ngày càng gia tăng thì Chính phủ Singapore đã đạt được những kết quả rất khả quan, mà không nhiều quốc gia làm được.

 

Lượng ma túy lớn do các cơ quan chức năng thu giữ. Ảnh minh họa

Singapore là một nước nhỏ, diện tích đất liền là 682,7 km2, dân số khoảng 4,6 triệu người, có chính quyền hai cấp là cấp trung ương và cấp quận (6 quận). Nền kinh tế Singapore phát triển, thu nhập bình quân đầu người đứng thứ hai châu á (trên 32.000 đôla Mỹ/năm). Singapore không chỉ nổi tiếng với nền kinh tế phát triển thần kỳ mà còn được biết đến là một nước có môi trường trong sạch, trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo.

Hiện nay, tình hình ma tuý ở Singapore đang trong tầm kiểm soát của lực lượng chức năng, tệ nạn và tội phạm ma tuý có xu hướng giảm. Trên toàn quốc không có tụ điểm buôn bán ma tuý công khai. Trong năm 2012, Cơ quan phòng chống ma túy Trung ương Singapore (CNB) đã tiến hành 49 chiến dịch; điều tra, khám phá 22 đường dây mua bán ma túy. Ước tính giá thị trường của số lượng ma túy thu giữ trong năm 2012 là 18,3 triệu USD, tăng 14% so với 16 triệu USD năm 2011.

Để có được kết quả khả quan trên, từ năm 1977, Chính phủ Singapore đã tập trung, coi trọng công tác phòng, chống ma tuý. Phương châm hành động là “Cả nước đồng lòng không khoan nhượng với tệ nạn ma tuý”, dựa trên ba trụ cột chính là: Luật pháp nghiêm minh – Trấn áp mạnh mẽ - Đẩy mạnh các chương trình phòng ngừa. 

Hình phạt nghiêm minh dành cho tội phạm ma túy

Đối tượng vận chuyển, nhập, xuất khẩu trái phép trên 15g heroin phải chịu mức án tử hình; tàng trữ, tiêu thụ khối lượng trên sẽ bị phạt tù đến 10 năm, phạt tiền 20.000 đôla Singapore (tương đương 200 triệu đồng Việt Nam) hoặc cả hai hình phạt trên.

Đối tượng vận chuyển, nhập, xuất khẩu trái phép trên 1.200g thuốc phiện có hàm lượng chứa trên 30g morphine phải chịu mức án tử hình; tàng trữ, tiêu thụ khối lượng trên sẽ bị phạt tù đến 10 năm, phạt tiền 20.000 đôla Singapore (tương đương 200 triệu đồng Việt Nam) hoặc cả hai hình phạt trên.

Đối tượng vận chuyển, nhập, xuất khẩu trái phép trên 500g cần sa hoặc 200g nhựa cần sa phải chịu mức án tử hình; tàng trữ, tiêu thụ cần sa sẽ bị phạt tù đến 10 năm, phạt tiền 20.000 đôla Singapore (tương đương 200 triệu đồng Việt Nam) hoặc cả hai hình phạt trên.

Vận chuyển bất hợp pháp Ecstasy bị phạt tù đến 20 năm và đánh 15 roi; xuất nhập khẩu bất hợp pháp Ecstasy bị phạt tù đến 30 năm và phạt đánh 15 roi; tàng trữ, tiêu thụ Ecstasy bị phạt tù 10 năm hoặc phạt tiền đến 20.000 đôla Singapore hoặc cả hai.

Tái nghiện ma túy cũng bị coi là phạm tội do những người này rất dễ phạm pháp hình sự. Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ Singapore đã chủ trương đưa những người tái nghiện ma tuý vào tập trung chữa trị, giáo dục, quản lý dài hạn trong các trại giam thuộc sự quản lý của Cơ quan quản lý Trại giam Singapore nhằm  mục đích đảm bảo an toàn cho cộng đồng xã hội, ngăn chặn tái nghiện ma túy và giảm tỷ lệ phạm pháp do những người này gây ra cho cộng đồng. 

Phát huy sức mạnh tối đa bộ máy phòng, chống ma tuý

Bộ Nội vụ được Chính phủ Singapore giao chủ trì công tác phòng chống ma tuý, Hội đồng quốc gia phòng chống ma tuý được thành lập nằm trong Bộ Nội vụ. Trong Bộ Nội vụ có các cơ quan: Tổng nha Cảnh sát quốc gia Singapore (có một bộ phận nhỏ làm  công tác phòng chống ma tuý); Cơ quan phòng chống ma túy Trung ương Singapore (CNB); Cơ quan quản lý trại giam (đảm nhiệm cả công tác cai nghiện); Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh.

CNB có trên 600 cán bộ nhân viên, hoạt động trên 3 hướng chính là: đấu tranh trấn áp (4 cục); thống kê - hoạch định chính sách (2 cục) và tuyên truyền, giáo dục, phòng ngừa (2 bộ phận).   

CNB có hệ thống hoạt động xuống tận cơ sở. Một bộ phận của Cục giám sát được đặt ở 6 đồn cảnh sát cấp quận để quản lý các đối tượng sau khi từ trung tâm cai nghiện trở về và giải quyết các vụ việc liên quan đến ma tuý ở khu vực đó. Các đồn cảnh sát có một bộ phận nhỏ làm công tác phòng chống ma tuý nhưng chỉ giải quyết những vụ án nhỏ, những vụ án phức tạp được chuyển cho CNB, các vụ án xuyên quốc gia do Cục thông tin tình báo của CNB phối hợp với các cơ quan đối tác nước ngoài xử lý. Cán bộ của Cục hành pháp được bố trí kiểm soát tại các sân bay, cảng biển quốc tế.

CNB là một cơ quan quyền lực ở Singapore, thu hút các thanh niên trí thức vào làm việc trong các lĩnh vực hoạch định chính sách, thống kê tổng hợp, hợp tác quốc tế, tuyên truyền, thu thập thông tin tình báo về ma túy, hành pháp, giám sát và điều tra. Chế độ đãi ngộ dành cho lực lượng phòng chống ma túy tương đương như của cảnh sát, một người mới tốt nghiệp đại học vào làm việc sẽ được nhận mức lương tối thiểu khoảng 2.000 đôla Singapore/tháng (tương đương 33 triệu đồng Việt Nam), cho đến mức lương cao nhất của Tổng Giám đốc CNB là khoảng 11.000 đôla Singapore/tháng (tương đương 180 triệu đồng Việt Nam). Ngoài ra họ còn được tham dự các lớp đào tạo thường kỳ ngắn và dài hạn trong và ngoài nước về nghiệp vụ phòng chống ma túy. Do vậy đội ngũ cán bộ của CNB đều rất trẻ, năng động, nhiệt tình với công việc, tính chuyên nghiệp cao và được tin tưởng giao phó các nhiệm vụ quan trọng.

Ngoài các cơ quan nhà nước làm công tác phòng chống ma tuý như CNB, Tổng nha cảnh sát quốc gia và Cơ quan quản lý trại giam thì còn có các cơ quan bán Nhà nước và phi Chính phủ như cơ quan dạy nghề, tạo việc làm và tư vấn cho người nghiện ma tuý, Hiệp hội phòng chống ma tuý Singapore, Hiệp hội chăm sóc người nghiện ma tuý…

Huy động cộng đồng chung tay phòng, chống ma túy

Cũng như Việt Nam, Singapore rất coi trọng công tác tuyên truyền giáo dục phòng chống ma túy. Ngoài các hình thức quen thuộc như đưa nội dung phòng chống ma túy vào trường học, tổ chức các buổi nói chuyện về ma túy cho học sinh, sinh viên, thi vẽ tranh, văn nghệ phòng chống ma túy thì còn một số hình thức mới như: CNB tổ chức cuộc thi chơi trò chơi điện tử về phòng chống ma túy cho lứa tuổi thanh thiếu niên, thu hút được rất nhiều em tham gia do hình thức này phù hợp với tâm lý và xu hướng hiện nay của học sinh, sinh viên; tổ chức triển lãm di động ở các trung tâm mua sắm lớn, các trường học, khu công nghiệp để thu hút sự quan tâm của đông đảo quần chúng nhân dân. Các tài liệu tuyên truyền cũng rất sinh động, khẩu hiệu về phòng chống ma túy xuất hiện ở nhiều nơi phù hợp với khung cảnh, không khiên cưỡng…

Công tác cai nghiện được giao cho Cơ quan quản lý trại giam Singapore. Thời gian gần đây, số người nghiện ma tuý giảm xuống, nên các trại giam còn ít người nghiện. Ở đây, các đối tượng được phân loại, chữa trị, cai nghiện, sinh hoạt văn hoá thể thao, tư vấn về tâm lý, dạy văn hoá, dạy nghề. Quá trình tư vấn và dạy nghề có sự tham gia của các tình nguyện viên của Hiệp hội phòng chống ma tuý và Hiệp hội chăm sóc người nghiện Singapore. 2 tháng trước khi người nghiện hết hạn quản thúc, trở về với cộng đồng xã hội, Cơ quan quản lý trại giam thông báo cho các tổ chức tham gia hỗ trợ và theo dõi ở cộng đồng. Sau khi ra tù, người này bắt buộc phải đeo một thiết bị điện tử ở chân trong hai năm để theo dõi di biến động của đối tượng trong thời gian này. Công việc theo dõi này do các cán bộ của Cục giám sát được đặt ở các đồn cảnh sát khu vực đảm trách.

Công tác phòng chống ma túy ở Singapore thu hút được sự tham gia của các lực lượng xã hội. Đi đầu trong số đó là Hiệp hội phòng chống ma túy Singapore, một tổ chức phi Chính phủ, phi lợi nhuận. Tổ chức này hoạt động nhằm hỗ trợ cho công tác cai nghiện ở các trại giam, tư vấn tâm lý cho những người nghiện ma túy và các phạm nhân hình sự đã mãn hạn tù, thiết lập đường dây điện thoại tư vấn miễn phí cho những người nghiện ma túy và gia đình họ, tổ chức các đội tình nguyện viên giúp đỡ những người nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng. Ngân sách hoạt động của tổ chức này do các nhà hảo tâm đóng góp và qua các hoạt động gây quỹ như chương trình xổ số phòng chống ma túy mỗi năm thu được khoảng 700 nghìn đôla Singapore (tương đương 11 tỷ đồng Việt Nam). Tổ chức này còn liên kết với các tổ chức phụ nữ, tôn giáo, thanh niên, người cao tuổi để cùng phối hợp trong công tác giảm cầu ma túy với mục tiêu là “Huy động cộng đồng chống lạm dụng ma túy vì một nước Singapore không ma túy”.

Trong khi tình hình ma tuý trên thế giới và khu vực ngày càng diễn biến phức tạp, số người nghiện và tội phạm ma tuý ở các nước láng giềng đang ngày càng gia tăng thì Chính phủ Singapore đã đạt được những kết quả rất khả quan, mà không nhiều quốc gia làm được. Để có được kết quả đó phải có sự kết hợp đồng bộ và khoa học giữa các mặt của công tác phòng chống ma tuý, từ luật pháp nghiêm minh, bộ máy tổ chức phù hợp cho đến sự tham gia tình nguyện của toàn xã hội. Những kinh nghiệm quý của Singapore còn có ích cho các nước trong khu vực trong đó có Việt Nam để cùng nhau xây dựng một cộng đồng ASEAN ổn định, thịnh vượng và không ma túy.

Top