Tổng lực nhiều giải pháp để phòng, chống nghiện ma túy

20/02/2015 10:55

Tội phạm về ma túy và người nghiện ma túy có mối quan hệ mật thiết với nhau, có thể nói đây là mối quan hệ cung - cầu. Người nghiện ma túy gia tăng kéo theo tội phạm về ma túy gia tăng và ngược lại, trong đó các đối tượng phạm tội về ma túy là nguồn cung cấp trái phép chất ma túy, còn nghiện ma túy là nhu cầu sử dụng ma túy.

Ảnh minh họa

Việc quản lý, tổ chức cai nghiện thuộc trách nhiệm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) nhưng trên thực tế ngành LĐTBXH chỉ quản lý các trung tâm cai nghiện bắt buộc. Việc quản lý người nghiện ở ngoài xã hội, lập hồ sơ thống kê người nghiện chủ yếu lại là trách nhiệm của lực lượng công an. Hơn nữa, biên chế của ngành LĐTBXH ở các địa phương (xã, huyện) rất ít, không đủ khả năng quán xuyến, quản lý mà phải dựa vào lực lượng công an để theo dõi người nghiện.

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Đại tá Phạm Văn Chình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, C47, Bộ Công an, để tìm hiểu về vai trò hỗ trợ của lực lượng công an trong công tác phòng, chống nghiện ma túy.

Dẫn số liệu báo cáo của Bộ LĐTBXH, Đại tá Phạm Văn Chình cho biết, hiện thế giới có khoảng 250 triệu người nghiện, mỗi năm sử dụng hàng nghìn tấn ma túy các loại, gây thiệt hại khoảng 1.000 tỷ USD. Riêng ở nước ta, năm 2014, có khoảng 204.277 người nghiện ma túy trong diện hồ sơ quản lý của lực lượng công an, tăng 22.981 người (12,14%) so với cuối năm 2013 (nhưng thực tế số người sử dụng ma túy ở Việt Nam có thể còn lớn hơn nhiều).

Tệ nạn ma túy gây tác hại rất lớn đến kinh tế, xã hội, suy thoái về đạo đức, lối sống, là nguyên nhân dẫn đến các loại tội phạm trộm cắp, giết người, cưỡng đoạt tài sản… Thực trạng trên đã đặt ra nhiều thách thức đến công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở nước ta.

Những năm gần đây, người nghiện ma túy ở Việt Nam luôn gia tăng. Đáng chú ý, xu hướng sử dụng ma túy tổng hợp đã và đang phát triển, dần dần thay thế các loại ma túy từ tự nhiên như: thuốc phiện, heroin. Đây là loại ma túy rất nguy hiểm, gây ảo giác hoang tưởng, còn được gọi là “ma túy điên”, thế giới chưa có phác đồ điều trị, cai nghiện ma túy tổng hợp. Một số người sử dụng ma túy tổng hợp gây ảo giác, hoang tưởng đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, như: trộm cắp, cướp tài sản, chém giết người thân, bắt cóc trẻ em.

Trước tình hình người nghiện ma túy gia tăng, Đảng, Chính phủ đã có nhiều Chỉ thị, Nghị quyết, Chương trình quốc gia về phòng, chống ma túy nói chung và công tác cai nghiện nói riêng, mỗi năm chi hàng nghìn tỷ đồng cho công tác cai nghiện, đã áp dụng nhiều biện pháp cai nghiện như: Cai nghiện tại gia đình, tại cộng đồng, tại các trung tâm cai nghiện bắt buộc. Hiện việc điều trị thay thế bằng methadone là biện pháp cai nghiện rất có hiệu quả, được áp dụng rộng rãi trên thế giời, có tác dụng cắt cơn nghiện, ổn định sức khỏe.

Theo thống kê, hiện nay cả nước có 123 trung tâm cai nghiện bắt buộc, mỗi năm mỗi cơ sở cai nghiện khoảng 40 - 50 người nghiện; 117 cơ sở điều trị methadone tại 38 tỉnh, thành phố đang điều trị cho 20.669 người nghiện ma túy. Đến năm 2015, theo chủ trương của Chính phủ, giao chỉ tiêu cho các tỉnh phải điều trị thay thế bằng methadone cho 80.000 người nghiện. Đây là một quyết tâm rất lớn của Chính phủ, các ngành và địa phương, góp phần ngăn chặn tình trạng người nghiện ma túy.

Để phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả làm giảm tệ nạn ma túy, lực lượng Cảnh sát ĐTTP về ma túy giữ vai trò quan trọng trong công tác phòng, chống nghiện ma túy. Từ tham mưu, hướng dẫn trong công tác tuyên truyền phòng, chống nghiện ma túy, đến phát hiện người nghiện ma túy, thu thập thông tin, tài liệu lập hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp cai nghiện, và tham gia quản lý người nghiện sau cai và phòng, chống tái nghiện.

Theo Đại tá Phạm Văn Chình, lực lượng công an với chuyên môn của mình sẽ có trách nhiệm phối hợp, tham mưu, hướng dẫn trong công tác tuyên truyền. Việc tuyên truyền phải sâu rộng, dễ hiểu, tập trung vào những đối tượng nghiện ma túy, những đối tượng thanh, thiếu niên từ 13 đến 35 tuổi với hình thức như: Pano, áp phích, tờ rơi, loa truyền thanh, yêu cầu gia đình và các đối tượng nghiện cam kết không sử dụng, không tham gia mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, tuyên truyền người tốt, việc tốt để nhân dân hiểu sâu sắc về tác hại của ma túy.

Bên cạnh việc tổ chức đấu tranh, ngăn chặn ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam; điều tra triệt xóa các đường dây, tụ điểm mua bán phức tạp góp phần làm giảm nguồn cung về ma túy, lực lượng công an thường xuyên rà soát thống kê người nghiện, nghi nghiện ma túy để lập hồ sơ đưa người nghiện vào trung tâm cai nghiện bắt buộc.

Qua công tác quản lý địa bàn bằng các biện pháp nghiệp vụ, cùng với qua quá trình điều tra, xử lý các vụ án về ma túy, lực lượng cảnh sát về ma túy trực tiếp phát hiện được các hành vi sử dụng trái phép hoặc dấu hiệu nghiện ma túy của người vi phạm.

Thực tế cho thấy, những người nghiện ma túy và gia đình người nghiện không phải lúc nào cũng đến trình báo cơ quan chức năng để tự nguyện cai nghiện ma túy theo quy định của pháp luật. Lực lượng công an là lực lượng chủ công, nòng cốt tiến hành các biện pháp nghiệp vụ phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với các hành vi phạm pháp về ma túy. Do đó, qua hoạt động của mình, lực lượng này phát hiện những hành vi sử dụng trái phép và dấu hiệu nghiện ma túy để chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành công tác cai nghiện cho người nghiện ma túy.

Ngoài ra, phối hợp quản lý người nghiện ma túy cai nghiện ma túy tại gia đình, cai nghiện ma túy tại cộng đồng, quản lý người nghiện sau cai và phòng ngừa tái nghiện. Qua sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để quản lý địa bàn, lực lượng Cảnh sát ĐTTP về ma túy phát hiện những người nghiện ma túy không thực hiện nghiêm túc các quy định cai nghiện ma túy của địa phương nơi cư trú, từ đó phối hợp với Công an cấp xã, cán bộ LĐTBXH có biện pháp đối với những người này.

Cũng theo lãnh đạo C47, công tác cai nghiện muốn đạt kết quả phải có sự tham gia của nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lực lượng trong xã hội, mọi công dân và kể cả bản thân người nghiện ma túy.

Top