Việt Nam với cuộc chiến chống ma túy

18/06/2014 16:27

Cuộc chiến toàn cầu chống ma túy sau 50 năm ngày công ước Quốc tế của Liên hợp Quốc về phòng chống Ma túy đã thất bại với những hậu quả nặng nề đối với con người và xã hội trên toàn thế giới. Tại khu vực Đông Nam Á, chiến lược xóa bỏ hoàn toàn Ma túy vào năm 2015 mà chính phủ các nước này đã ký cam kết đến nay có thể thấy rằng không thể thực hiện được. Cuộc chiến chống lại ma túy cho thấy sự cam go trên phạm vi toàn cầu cũng như trong khu vực của chúng ta.

200 triệu người nghiện các chất ma túy trên toàn thế giới

Hàng trăm năm qua, tội phạm ma túy gắn bó hữu cơ với tội phạm hình sự trên thế giới cũng như ở từng khu vực và trong từng quốc gia. Trên thế giới có 3 khu vực sản xuất ma túy lớn nhất, thường được gọi là vùng Tam giác vàng (Mianma, Bắc Lào và Bắc Thái Lan), Lưỡi liềm vàng (Apganixtan, Pakistan, Iran, Tazekistan) và Tam giác trắng (Mỹ latinh bao gồm Peru, Colombia, Bolivia, Mexico). Hai khu vực Tam giác vàng và Lưỡi liềm vàng sản xuất tới 70-80 % lượng heroin của thế giới, còn khu Tam giác trắng cung cấp tới 70 % cocain cho thị trường Bắc Mỹ. Tại khu vực Tam giác trắng cây coca được trồng để lấy lá, từ đó chiết ra cocain-là ma túy chủ yếu tại khu vực này.

Ảnh minh họa

Theo thống kê của Cơ quan phòng chống tội phạm và ma túy của Liên Hợp Quốc (UNODC) , trên thế giới hiện nay có hơn 200 triệu người nghiện các chất ma túy, trong đó có khoảng 163 triệu người nghiện cần sa, 34 triệu người nghiện các loại ma túy tổng hợp ATS, 15 triệu người nghiện thuốc phiện và heroin, 14 triệu người nghiện cocain… Đây là số liệu có hồ sơ kiểm soát, tuy nhiên trên thực tế số người nghiện lớn hơn nhiều. Đáng lo ngại là, nhu cầu tiêu thụ các chất gây nghiện mới ngày càng tăng cao.

Tại Việt Nam, tình hình buôn bán, vận chuyển ma túy ngày càng phức tạp. Cuộc chiến chống buôn lậu ma túy đã diễn ra trên 30 năm qua, ngày càng trở nên khốc liệt. Bọn tội phạm ma túy ngày càng hung hăng, dùng mọi phương tiện để vận chuyển ma túy vào Việt Nam hay quá cảnh Việt nam đi các nước khác. Đặc biệt trên hai tuyến biên giới Việt nam – Lào và Việt- Trung bọn buôn lậu ma túy đã vận chuyển bằng mọi phương tiện như đường bộ, ô tô, tàu thuyền từ Lào và Trung Quốc vào Việt nam.

Trong vài năm trở lại đây, trên hai tuyến này, các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ gần 5.340 vụ (chiếm 30% tổng số vụ bị bắt giữ trên toàn quốc) với 6.990 đối tượng vận chuyển gần 300kg heroin. Riêng trong năm 2013, lực lượng chức năng bắt giữ 70 vụ thu giữ số lượng lớn ma túy.

Điều đáng lưu ý, hầu hết các đối tượng tham gia mua bán, vận chuyển ma túy qua biên giới đều tự trang bị vũ khí quân dụng, chống trả quyết liệt khi bị phát hiện, bắt giữ hoặc thanh trừng lẫn nhau khi nảy sinh mâu thuẫn.

Trên tuyến hàng không, kết quả bắt giữ tội phạm vận chuyển ma túy tuy có giảm so với năm 2012, nhưng  thực trạng vẫn còn tiềm ẩn nhiều phức tạp. Tội phạm ma túy ngày càng sử dụng những thủ đoạn cất giấu, vận chuyển ma túy hết sức tinh vi, xảo quyệt, thường xuyên thay đổi nhằm tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng. Điển hình là vụ vận chuyển 600 bánh heroin cất giấu trong 12 chiếc thùng loa vận chuyển từ cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất sang Đài Loan ngày 17/11/2013. 

Hiện nay ở nước ta heroin là loại ma túy chủ yếu trong các vụ mua bán, vận chuyển, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy;Tuy nhiên trong vài năm trở lại đây số vụ và lượng ma túy tổng hợp (chủ yếu là ma túy đá) bị phát hiện, bắt giữ gia tăng nhanh chóng với những hình thức tinh vi, xảo quyệt như cất giấu trong hàng hóa, trong cơ thể, hành lý để vận chuyển qua đường hàng không...

Theo Báo cáo của Bộ Công an, trong thời gian gần đây đã xuất hiện tình trạng tội phạm ma túy của nước ngoài nhất là những người gốc Phi, liên kết với tội phạm trong nước để buôn bán, vận chuyển ma túy vào Việt Nam.

Về tình trạng nghiện ma túy, tính đến tháng 12/2013 toàn quốc quản lý gần 181.400 người nghiện ma túy có hồ  sơ, tăng 9.396 người (5,4%) so với năm 2012. Tình hình sử dụng ma túy ngày càng diễn biến phức tạp, số người sử dụng ma túy tổng hợp ngày càng gia tăng, đặc biệt là loại ma túy đá đang ở mức báo động. Loại ma túy này gây ảo giác, làm mất khả năng kiểm soát hành vi, gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng.

Tại một số trung tâm cai nghiện, tỷ lệ người sử dụng ma túy tổng hợp trong số người được tiếp nhận vào cai nghiện cao hơn 61%, Trà Vinh 49% Đại từ ( Thái nguyên 80%)...

Trào lưu “đập đá” - tiếng lóng chỉ việc sử dụng loại ma túy tổng hợp cực mạnh - đang là cơn lốc ngầm khủng khiếp tàn phá một bộ phận giới trẻ các  đô thị , nó luôn gắn liền với các cuộc ăn chơi thâu đêm suốt sáng, kể cả sinh viên, trong đó độ tuổi của những người sử dụng có xu hướng trẻ hóa, cá biệt có cả học sinh cấp cơ sở. Qua thực tế và số liệu nghiên cứu cho thấy có tới 72% người sử dụng ma túy tổng hợp là giới trẻ ở độ tuổi 18-30 tuổi, độ tuổi trên 30 chiếm 26%, riêng độ tuổi dưới 18 ở mức 2% nhưng có xu hướng gia tăng. “Đá” đã tràn vào các vũ trường và quán bar ở các đô thị như Thành phố Hồ chí Minh, Hà Nội v..v. “Đá” như là một sự “sành điệu có lựa chọn” của những tay chơi khi đã quá chán heroin hoặc đã quá quen với thuốc lắc.   

Sự xuất hiện của ma túy đá đồng nghĩa với việc số ca nhập viện điều trị rối loạn hệ thần kinh do ảo giác gây ra tại các bệnh viện chuyên khoa tăng lên một cách đáng kể trong khoảng thời gian ngắn. Sử dụng ma túy đá có độ tàn phá hệ thống thần kinh, huỷ hoại não bộ gấp nhiều lần so với thuốc lắc.

Trong công tác xóa bỏ cây trồng có chứa chất ma túy, trong năm 2013, các cơ quan chức năng đã phát hiện, triệt xóa 25,8 ha cây có chứa chất ma túy, giảm 8% so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó, 24,8 ha cây thuốc phiện được trồng ở 16 tỉnh miền núi phía Bắc và 1 ha cần sa trồng rải rác ở 12 tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.

Phần lớn diện tích trồng cây có chứa chất ma túy  được phát hiện đều ở khu vực xa xôi, hẻo lánh. Đa số xảy ra tình trạng tái trồng, cá biệt có trường hợp trồng ở gần khu vực đông dân cư như vụ ở huyện Đông Anh, Hà Nội.

Việt Nam với cuộc chiến chống ma túy

Cuộc chiến chống ma túy ở nước ta đã được tiến hành trong nhiều năm, nhất là từ khi chúng ta giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sau ngày giải phóng, bằng nhiều biện pháp chúng ta đã kiên quyết loại trừ ma túy ra khỏi đời sống xã hội ở miền Nam Việt Nam. Các biện pháp cai nghiện cho gần 30.000 người nghiện heroin và thuốc phiện đã được đồng loạt tiến hành. Các chiến dịch xóa bỏ diện tích trồng cây thuốc phiện đã được tiến hành rộng khắp ở các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây nguyên. Cho đến những năm đầu của thập niên 90 thế kỷ trước về cơ bản chúng ta đã xóa bỏ được những diện tích lớn trồng cây thuốc phiên ở vùng núi và ngăn chặn tương đối có hiệu quả việc buôn bán vận chuyển ma túy vào Việt nam.

Tuy nhiên, từ khoảng năm 1994 trở đi, làn sóng buôn bán, vận chuyện ma túy đã ập vào các tỉnh phía Bắc Việt nam. Điều đó đã làm xuất hiện ở các đô thị, đặc biệt là các tỉnh, thành phố phía Bắc nhiều thanh niên sử dụng heroin, giai đoạn đầu là hút hít và sau một thời gian ngắn chuyển qua tiêm chích. Từ đó kéo theo làn sóng lây nhiễm HIV trong cộng đồng những người sử dụng  ma túy hết sức nghiêm trọng, đặc biệt là ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và Lạng Sơn…

Trước tình hình như vậy Đảng ta đã xác định, tệ nạn ma tuý đang là hiểm hoạ của  quốc gia, dân tộc; là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm phát sinh tội phạm, tệ nạn xã hội và lây nhiễm HIV/AIDS. Hậu quả, tác hại do tệ nạn ma tuý gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế - xã hội và an ninh trật tự của đất nước.

Bộ Chính trị (khoá VIII) đã ban hành Chỉ thị số 06-CT/TW, ngày 30/11/1996 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma tuý. Năm 2000, Quốc hội nước ta đã ban hành Luật Phòng chống Ma túy, trong đó xác định, phòng, chống ma  túy là trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và của toàn xã hội.

Nhà nước có chính sách khuyến khích, bảo vệ cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức tham gia phòng, chống tệ nạn ma túy; tổ chức đấu tranh chống các tội phạm về matúy và sử dụng đồng bộ các biện pháp kinh tế, pháp luật, văn hóa, xã hội, nghiệp vụ để tuyên truyền, vận động nhân dân, cán bộ, công chức và cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang nhân dân tham gia phòng, chống tệ nạn ma túy; kết hợp phòng, chống tệ nạn ma túy với phòng, chống các loại tội phạm, HIV/AIDS và các tệ nạn xã hội khác.

Trước tình hình buôn bán, vận chuyển và sử dụng ma túy diễn biến hết sực phức tạp ở nước ta, tháng 3/2008, Bộ Chính trị đã ra Chỉ thị 21CT/TƯ về tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống ma túy trong tình hình mới.

Chỉ thị đã nhận định, qua 10 năm tổ chức thực hiện Chỉ thị 06 của Bộ chính trị, các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đã tích cực lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị, qua đó đã nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành; phát huy được sức mạnh tống hợp của hệ thống chính trị và đông đảo nhân dân tham gia phòng, chống ma tuý; đấu tranh xử lý nhiều vụ phạm tội về ma tuý và tổ chức cai nghiện với nhiều phương thức khác nhau, góp phần ngăn chặn, kiềm chế sự gia tăng tội phạm và tệ nạn ma tuý.

Tuy nhiên, tệ nạn ma tuý vẫn diễn biến phức tạp. Nguồn ma tuý chủ yếu thẩm lậu từ nước ngoài vào nước ta vẫn chưa được ngăn chặn; ở trong nước, tình trạng tái trồng cây có chứa chất ma tuý ở một số địa phương chưa được xoá bỏ triệt để, còn nhiều tụ điểm phức tạp về ma tuý, tình hình tội phạm và tình trạng sử dụng trái phép chất ma tuý vẫn có xu hướng gia tăng, lan rộng tại một số địa bàn. Kết quả cai nghiện chưa cao, kinh phí đầu tư cho phòng, chống ma tuý còn hạn chế.

Số lượng lớn ma túy bị các cơ quan chức năng thu giữ. Ảnh minh họa

Thực trạng trên có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do cấp uỷ đảng, chính quyền ở một số đơn vị, địa phương chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của công tác phòng, chống ma tuý; chưa thực sự quan tâm triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị của Bộ Chính trị, còn cho đây là trách nhiệm của các cơ quan chuyên trách. Vì vậy, chưa tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác phối hợp và huy động sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị, xã hội

Cũng trong năm 2008 Quốc hội đã bổ sung, sửa đổi một số điều trong Luật phòng chống Ma túy năm 2000. Trong đó bổ sung thêm nhiều điều về công tác giảm cung nguồn ma túy trên cả bình diện buôn bán, vận chuyển, trồng trọt và sản xuất các chất ma túy và bổ sung nhiều điều nhằm tiến hành các biện pháp cai nghiện ma túy.

Đặc biệt từ những năm 1995, chúng ta đã rất coi trọng việc giảm cầu ma túy trong nhân dân, nhất là trong tầng lớp thanh thiếu nhi. Hàng trăm trung tâm cai nghiện ma túy đã được xây dựng ở hầu khắp các địa phượng với ý tưởng cai nghiện cho hàng trăm nghìn người nghiện. Người nghiện ma túy được xác định là những người dính vào tệ nạn xã hội và được cách ly xã hội để cai nghiện. Thực tế hơn 20 năm tiến hành hoạt động cai nghiện ở các trung tâm cai nghiện, số người thoát khỏi nghiện ma túy không đáng kể, chỉ đạt được từ (1 đến 3%), còn (97 đến 98% ) tái nghiện. Mỗi năm tiêu tốn cho các trung tâm cai nghiện này hàng ngàn tỷ đồng mà không thu được hiệu quả như mong đợi.

Trước hiện trạng như vậy, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc Hội và Chính phủ đã tiến hành nhiều hoạt động và nghiên cứu kinh nghiệm của nhiều Quốc gia, để giải quyết bài toán về người nghiện ma túy theo quan điểm mới.

Theo đề án đổi mới công tác cai nghiện, Chính phủ xác định, nghiện ma túy là bệnh mãn tính do rối loạn của não bộ, điều trị nghiện ma túy (gọi tắt là điều trị nghiện) là một quá trình lâu dài bao gồm tổng thể các can thiệp hỗ trợ về y tế, tâm lý, xã hội làm thay đổi nhận thức, hành vi nhằm giảm tác hại của nghiện ma túy và giảm tình trạng sử dụng ma túy trái phép.

Thực hiện đa dạng hóa các biện pháp và mô hình điều trị nghiện bao gồm điều trị nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng và điều trị nghiện bắt buộc tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội (gọi tắt là Trung tâm). Tăng dần điều trị nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, giảm dần điều trị nghiện bắt buộc tại các Trung tâm với lộ trình phù hợp. Điều trị nghiện bắt buộc chỉ áp dụng đối với người nghiện ma túy có hành vi ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự, an toàn xã hội theo quyết định của Tòa án nhân dân. Tạo điều kiện cho người nghiện dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ điều trị nghiện thích hợp tại cộng đồng.

Nhà nước đầu tư nguồn lực và có chính sách khuyến khích xã hội hóa công tác dự phòng và điều trị nghiện; hỗ trợ điều trị nghiện cho các đối tượng thuộc diện chính sách xã hội, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa và vùng đặc biệt khó khăn. Các đối tượng khác do cá nhân và gia đình người nghiện có trách nhiệm tham gia, đóng góp.

Sự thay đổi quan điểm đối với vấn đề nghiện ma túy quan trọng nhất chính là  người nghiện ma túy trước đây bị coi là tệ nạn xã hội thì từ nay được coi là người bị bệnh mãn tính về não bộ. Sự ứng xử với họ trước đây là trừng phạt, là cách ly xã hội, là cai nghiện còn hiện nay thực hiện điều trị nghiện bằng nhiều hình thức khác nhau, chủ yếu là tự nguyện, nếu nghiện mà có những hành vi xấu ảnh hưởng đến xã hội thì điều trị nghiện bắt buộc thông qua xét xử và phán quyết của tòa án ma túy cấp huyện.

Sự thay đổi về mặt chiến lược đối với điều trị nghiện sau khi đã làm thí nghiệm thành công cho kết quả rất tốt về điều trị Methadone tại Hải phòng, TP HCM và Hà Nội từ tháng 4/2008, chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng mê tha đôn đã được mở rộng ra nhiều địa phương trong cả nước. Chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone đã được chứng minh là có hiệu quả không chỉ đối với người nghiện chích ma túy mà cả với gia đình, cộng đồng và xã hội. Tính đến tháng 4/2014, chương trình điều trị Methadone đã được triển khai tại 32 tỉnh, thành phố với 88 cơ sở điều trị cho 17.062 bệnh nhân. Dự kiến, sẽ còn nhiều hơn nữa các cơ sở điều trị Methadone được mở trong tương lai gần.

Đặc biệt, việc triển khai xã hội hóa điều trị Methadone sẽ duy trì tính bền vững và mang lại hiệu quả cao cho chương trình điều trị. Giống như các quốc gia khác trên thế giới, việc mở rộng chương trình điều trị dưới hình thức xã hội hóa là điều tất yếu sẽ góp phần giúp mở rộng chương trình khi sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế có xu hướng giảm dần trong thời gian tới, đồng thời góp phần nâng cao ý thức của người bệnh với chính chương trình điều trị mà họ tham gia.

Ngoài ra, mô hình xã hội hóa điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone sẽ giúp huy động nguồn kinh phí từ chính bệnh nhân và gia đình, bên cạnh nguồn kinh phí hỗ trợ từ Chính phủ, các địa phương triển khai chương trình và từ các nguồn hỗ trợ khác. Với mô hình Chính phủ và nhân dân cùng làm, chắc chắn việc mở rộng chương trình Methadone sẽ được tiến hành nhanh chóng và rộng rãi hơn.

Vai trò, trách nhiệm của hệ thống chính trị trong phòng, chống ma túy

Để phòng chống ma túy thành công, Đảng, Nhà nước ta rất coi trọng vai trò và trách nhiệm của hệ thống chính trị. Chủ trương nhất quán mang tình chiến lược là  phòng chống ma túy là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, của mọi cấp, mọi ngành, mọi cơ quan, đơn vị và tổ chức xã hội. Vì vậy,các cấp uỷ Đảng và Chính quyền phải thường xuyên nghiêm túc kiểm điểm, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện công tác phòng, chống ma tuý của địa phương, đơn vị mình; có kế hoạch và biện pháp khắc phục những tồn tại, yếu kém, bất cập trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma tuý. Tập trung chỉ đạo trực tiếp, quyết liệt đối với công tác phòng, chống ma tuý; đưa nội dung này vào chương trình hoạt động, chỉ đạo thường xuyên của các cấp uỷ Đảng, chính quyền bằng việc cụ thể hoá thành các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với từng đơn vị, địa phương. Thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc thực hiện công tác phòng, chống ma tuý và kịp thời chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện ở từng đơn vị, địa phương.Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện pháp luật phòng, chống ma tuý; coi kết quả thực hiện nhiệm vụ này ở các đơn vị, cơ quan, chi bộ Đảng v.v... là một tiêu chí để bình xét thi đua, phân loại tổ chức đảng và khen thưởng hàng năng; xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật phòng, chống ma tuý.

Để phòng chống ma túy đạt được các mục tiêu mà Chính phủ đã nêu ra trong chương trình Phòng chống ma túy đến năm 2020, hệ thống chính trị cần đổi mới nội dung và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma tuý trong Đảng, cơ quan nhà nước và nhân dân với nhiều hình thức thích hợp, phong phú để mọi người nhận thức rõ mối hiểm hoạ từ ma tuý, tính cấp bách của công tác phòng, chống ma tuý ở nước ta hiện nay. Từ đó, tự giác, tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tệ nạn ma tuý; hỗ trợ, giúp đỡ người sau điều trị nghiện ma tuý tái hoà nhập cộng đồng.

Đẩy mạnh xã hội hóa công tác phòng, chống ma tuý; có chính sách khuyến khích các đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức phi chính phủ và cá nhân tham gia vào công tác phòng, chống ma tuý, đặc biệt là công tác điều trị nghiện, dạy văn hoá, dạy nghề và tạo việc làm cho người sau cai nghiện. Phát huy truyền thống tương thân, tương ái, chăm sóc, giúp đỡ, không kỳ thị, phân biệt đợi xử với người nghiện ma tuý.

Bắt giữ tội phạm ma túy. Ảnh minh họa

Tổ chức thực hiện các hình thức cam kết thi đua xây dựng từng gia đình, từng địa bàn, thôn, xóm, phòng, xã, cơ quan, đơn vị, trường học, chi bộ không có ma tuý. Xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến thực hiện tốt công tác phòng, chống ma tuý.

Để nâng cao vai trò của hệ thống chính trị trong phòng, chống ma túy cần thiết phải nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật về phòng chống ma túy.

Huy động sự tham gia của cộng đồng, khuyến khích xã hội hóa công tác phòng chống ma túy. Khuyến khích các tổ chức phi chính phủ, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp và các cá nhân tham gia đầu tư cho chương trình phòng chống ma túy, nhất là các chương trình điều trị nghiện. Khuyến khích Đội công tác xã hội tình nguyện, các tổ chức tôn giáo, các câu lạc bộ, nhóm giáo dục đồng đẳng, các cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia tích cực vào công tác phòng chống ma túy.

Điều đặc biệt quan trọng trong nâng cao vai trò và trách nhiệm của hệ thống chính trị trong phòng chống ma túy là tăng cường sự phối hợp liên ngành và huy động sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội.

Vai trò và trách nhiệm của hệ thống chính trị trong phòng, chống ma túy thể hiện rất rõ trong ba trụ cột cơ bản của phòng, chống ma túy đó là thực hiện "giảm cung ma túy, giảm cầu ma túy và giảm tác hại do ma túy gây ra".
Top