Xâm hại tình dục trẻ em: Đến lúc phải sửa luật

27/08/2015 08:59

Xâm hại tình dục trẻ em đã và đang là một thách thức đối với tất cả các quốc gia trên thế giới, đòi hỏi cần có chiến lược và giải pháp kịp thời ứng phó. Tại Việt Nam, mức độ, diễn biến, tính chất, hậu quả của tình hình xâm hại tình dục trẻ em ngày càng gia tăng, phức tạp trong thời gian qua. Thực tế này đòi hỏi các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền, các tổ chức xã hội và toàn xã hội phải vào cuộc để có biện pháp xử lý vấn đề này một cách hiệu quả.

Ảnh minh họa

Gia tăng qua từng năm

Trong những năm gần đây ở Việt Nam, tình trạng tội phạm xâm hại tình dục trẻ em có xu hướng gia tăng về số lượng, bình quân mỗi năm gần 1.000 em bị xâm hại tình dục. Theo báo cáo của Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an, năm 2010 đã xảy ra 867 vụ, 923 đối tượng; năm 2011 xảy ra 940 vụ, 1.025 đối tượng; năm 2012 xảy ra 1.029 vụ, 1.278 đối tượng; năm 2013 xảy ra 1.326 vụ, 1.407 đối tượng.

Trong năm 2014, toàn quốc đã phát hiện 1.885 vụ xâm hại trẻ em, gồm 2.073 đối tượng gây án. Có 1.931 trẻ em bị xâm hại (281 nam và 1.650 nữ), trong đó có 1.544 vụ (chiếm hơn 80%) liên quan tới vấn đề xâm hại tình dục trẻ em. Trong giai đoạn 2008 - 2013, các cơ quan tư pháp đã xét xử sơ thẩm 8.772 vụ với 10.265 bị cáo trong đó các vụ án hiếp dâm, hiếp dâm trẻ em, cưỡng dâm, giao cấu với trẻ em, dâm ô với trẻ em. Nạn nhân của các vụ án xâm phạm tình dục là trẻ em chiếm tỷ lệ lớn (6.929 vụ với 7.563 bị cáo, chiếm 78,99% số vụ) và số vụ án được phát hiện, tố cáo gia tăng theo từng năm.

Xâm hại tình dục trẻ em gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển lành mạnh của trẻ em. Nạn nhân của xâm hại tình dục có nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, một số trẻ em gái mang thai ngoài ý muốn, có thể bị mất khả năng sinh sản. Khi bị xâm hại tình dục, trẻ em thường rơi vào trạng thái hoảng loạn, sợ hãi, xấu hổ, sống mặc cảm, không muốn giao tiếp với mọi người, ít nói, nhút nhát, học kém, một số em thường trốn học, bỏ nhà ra đi do mặc cảm. Đây cũng chính là những nguy cơ đẩy trẻ em tham gia vào tệ nạn xã hội và hoạt động tội phạm.

Vấn đề đặt ra là các quy định của Bộ luật Hình sự đối với nhóm tội xâm hại tình dục trẻ em hiện nay còn nhiều sơ hở thiếu sót, dẫn tới việc làm hạn chế hiệu quả công tác đấu tranh xử lý đối với tội phạm này. Đã xuất hiện hành vi phạm tội kiểu mới, trong đó nạn nhân bị xâm hại là trẻ em nam, đối tượng phạm tội là người đồng tính. Việc các quy định của pháp luật chưa quy định đối với các hành vi này khiến cho các vụ xâm hại tình dục trẻ em nam thiếu căn cứ xử lý, hình phạt áp dụng đối với các đối tượng phạm tội chưa tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến số vụ phạm tội tiếp tục gia tăng. Nghiêm trọng hơn, ở góc độ xã hội thì tình trạng xâm hại tình dục trẻ em nam lại là mầm mống phát triển của nhiều loại tội phạm khác như cướp tài sản, giết người, cố ý gây thương tích… do tính chất đặc biệt của nạn nhân và đối tượng gây án.

Thiếu chế tài xử lý

Hiện nay pháp luật về việc xử lý các hành vi xâm hại tình dục trẻ em chủ yếu dựa trên các quy định của Bộ luật Hình sự, trong đó xâm hại tình dục trẻ em, với 4 tội danh: Hiếp dâm trẻ em (Điều 112); cưỡng dâm trẻ em (Điều 114); giao cấu với trẻ em (Điều 115) và dâm ô với trẻ em (Điều 116) được xác định là tội phạm rất nguy hiểm cho xã hội, có mức hình phạt cao.

Ngoài ra, quy trình can thiệp, trợ giúp trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em được quy định trong Thông tư 23/2010/TT-BLĐTBXH là một trong những quy định quan trọng nhằm trợ giúp, bảo vệ trẻ em khi bị phát hiện hoặc nghi ngờ có dấu hiệu bị xâm hại tình dục tại cộng đồng. Xử lý hành chính hành vi được coi là xâm hại trẻ em và hỗ trợ gia đình trẻ em là nạn nhân được được quy định tại Nghị định 91/2011/NĐ-CP và Thông tư liên tịch 181/2011/TTLT-BTC-LĐTBXH. Tuy nhiên, thực tế công tác thực thi pháp luật cho thấy các quy định của pháp luật vẫn còn nhiều sơ hở, nhiều vấn đề chưa được quy định đầy đủ, các hình thức xử lý chưa triệt để, thích đáng, là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tội phạm xâm hại tình dục trẻ em vẫn xảy ra nhiều.

Theo Trung tướng, GS. TS Nguyễn Xuân Yêm, Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân, về chủ thể thực hiện tội phạm, các quy định về hành vi giao cấu và dâm ô với trẻ em theo quy định tại Điều 115, 116 Bộ luật Hình sự mới chỉ xác định trách nhiệm hình sự với người đã thành niên. Những người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội này thì không có căn cứ xử lý. Thực tế có rất nhiều vụ phạm tội mà đối tượng phạm tội thuộc nhóm tuổi nêu trên. Điều này dẫn đến nhiều khó khăn trong công tác đấu tranh phòng chống các loại tội phạm này.

Mặt khác, hiện nay quy định của Bộ luật Hình sự không xác định các trường hợp nạn nhân là nam, dẫn tới việc xử lý hình sự với các vụ xâm hại tình dục trẻ em nam trở nên không đủ căn cứ pháp lý, trong hầu hết các trường hợp thì các hành vi nghiêm trọng như hiếp dâm, cưỡng dâm trẻ em chỉ phải chịu hình phạt tương ứng với hành vi dâm ô với mức hình phạt cao nhất chỉ là 12 năm.

Trung tướng, GS. TS Nguyễn Xuân Yêm cho rằng, trong thực tiễn xét xử tại các tòa án, việc xác định khung hình phạt để xử lý và quyết định hình phạt đối với người phạm tội “Hiếp dâm trẻ em” theo quy định tại Điều 112 Bộ luật Hình sự vẫn còn nhiều vướng mắc bất cập như: đối với trường hợp hành vi phạm tội đều có đủ dấu hiệu xác định khung hình phạt từ khoản 1 đến khoản 4 Điều 112 thì việc xác định khung hình phạt nào để xử lý hành vi phạm tội này? Áp dụng khoản 3 Điều 112 hay áp dụng khoản 4 Điều 112. Theo quy định tại khoản 3 Điều 112 thì có khung hình phạt nặng hơn. Nhưng xét về tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội thì hành vi giao cấu với trẻ em dưới 13 tuổi quy định tại khoản 4 Điều 112 là cao nhất và bị xã hội lên án gay gắt hơn. Thực tiễn, các cơ quan tiến hành tố tụng thường áp dụng khoản 4 Điều 112 Bộ luật Hình sự để xử lý.

Do đó, việc nghiên cứu sửa đổi quy định về các tội phạm xâm hại tình dục trong Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự là một yêu cầu cấp thiết.

Top