Xử lý môi giới mại dâm đồng giới không hề vướng luật

05/10/2015 10:17

Mới đây, lực lượng chức năng TPHCM vừa triệt phá một “động” mại dâm đồng tính với sự “tham gia” của gần 20 nam thanh niên. Vụ việc dấy lên câu chuyện xử lý hành vi mại dâm, môi giới mại dâm giữa những người đồng giới như thế nào khi “vướng luật”.

Những hình ảnh trong đợt triệt phá "động" mại dâm đồng giới. Ảnh CAND

Đây cũng không phải là lần đầu tiên dư luận quan tâm đến vấn đề này.  Năm 2013, đoàn kiểm tra liên ngành phòng, chống tệ nạn xã hội TPHCM cũng đã bắt quả tang gần 40 đối tượng có liên quan đến hoạt động mại dâm nam. Tại cơ quan công an, các đối tượng đều khai nhận khách đến các tụ điểm này chủ yếu là dân đồng tính nam có nhu cầu tìm bạn tình đồng giới.

Theo Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm năm 2003, những yếu tố cấu thành hành vi mại dâm là giao cấu. Tuy nhiên, trong luật hình sự, khái niệm về “Giao cấu” hiện nay vẫn được hiểu theo hướng dẫn của Bản tổng kết 329/HS2 ngày 11/5/1967 của Tòa án nhân dân tối cao là “sự cọ sát dương vật vào bộ phận sinh dục người phụ nữ", do đó quan hệ tình dục có trả tiền giữa hai người cùng giới chưa thể coi là mại dâm. Vì vậy, nhiều người lo ngại, đối với hành vi mại dâm nam đồng giới, không có hành vi giao cấu, các cơ quan chức năng không thể xử lý hình sự với người tổ chức môi giới và cũng không thể xử lý hành chính với người mua, bán.

Từng trao đổi với Trang tin điện tử Tiếng Chuông về vấn vấn đề này, Luật sư Trương Anh Tú, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, đối với các hành vi môi giới hoặc tổ chức bán dâm, trong điều luật đã ghi rõ là “mại dâm và tổ chức mại dâm” chứ không quy định mại dâm là nam hay nữ nên có thể áp dụng để xử lý như bình thường.

Việc xử lý hình sự được áp dụng cụ thể cho từng đối tượng mà trong quá trình điều tra cơ quan công an xác định rõ đối tượng đó có hưởng lợi bằng tiền hoặc vật chất khác từ việc môi giới cho người khác mua hoặc bán dâm.

Theo LS Trương Anh Tú, đối với đa số trường hợp, nếu áp dụng linh hoạt các quy định của pháp luật thì người bán dâm là nam cũng có thể xử lý tương tự như các đối tượng mại dâm là nữ giới. Vấn đề gây tranh cãi hiện nay chỉ là xung quanh việc định nghĩa cụm từ “giao cấu”.

Các nghiên cứu khoa học về tình dục học đã chỉ ra rằng, hành vi “giao cấu” phải được hiểu theo nghĩa rộng và đa dạng hơn, trong đó bao gồm cả quan hệ tình dục đồng giới giữa nữ với nữ, nam với nam, không nhất thiết cứ phải là quan hệ giữa nam với nữ thì mới được gọi là “giao cấu”.

Nếu chỉ băn khoăn về định nghĩa của cụm từ “giao cấu” thì chỉ cần căn cứ vào những bằng chứng khoa học, chúng ta vẫn có thể áp dụng luật pháp một cách linh hoạt để xử lý mại dâm đồng giới theo đúng quy định của pháp luật.

Tuyên truyền để giảm tác hại

Báo cáo mới nhất của UBND TPHCM về tình hình mại dâm trên địa bàn thành phố cho thấy, hoạt động mại dâm nam, mại dâm đồng tính và mại dâm có yếu tố nước ngoài (kể cả người nước ngoài mua dâm) có xu hướng gia tăng.

Cá biệt tại một số ít cơ sở spa có biểu hiện hoạt động mại dâm đồng tính của giới “gay” hoặc cơ sở massage bằng hình thức kích dục nhằm mục đích thu hút, câu kéo khách đến mua vui giải trí.

Còn theo báo cáo của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, tệ nạn mại dâm đã và đang gây nhiều hệ lụy cho xã hội: nguy cơ lây lan các bệnh xã hội, HIV/AIDS lây qua đường tình dục do quan hệ tình dục không an toàn (tỷ lệ người nhiễm HIV qua đường tình dục tăng 45,3%, chiếm tỷ lệ cao nhất trong các đường lây truyền khác); tỷ lệ hiện nhiễm trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới là 3,9% (tăng gần 2 lần so với 2012)…

Đồng tính là một hiện tượng xã hội, còn mại dâm đồng tính là một tệ nạn. Hiện nay, vẫn chưa có số liệu cụ thể về các vụ mại dâm đồng tính nam.

Qua 10 năm thực hiện Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm, bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, tổng kết, đánh giá cho thấy, đến nay, một số quy định trong hệ thống pháp luật về phòng, chống mại dâm vẫn còn đó những bất cập, không thể đáp ứng yêu cầu của công tác này trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Chính vì vậy, trong thời gian tới, cần nghiên cứu, làm rõ các vấn đề bất cập trong hệ thống pháp luật về phòng, chống mại dâm hiện hành.

Tuy nhiên, trước khi sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm cần tập trung vào các biện pháp tuyên truyền và can thiệp giảm tác hại. Phải tuyên truyền để người đồng tính sử dụng bao cao su và các biện pháp khác khi quan hệ tình dục để giảm lây truyền các bệnh qua đường tình dục.

Top