Những mảnh đời nổi trôi vì ma tuý

30/06/2015 11:14

Hoàn cảnh gia đình khó khăn, chồng lại bị bắt vì nghiện ma túy, mất đi chỗ dựa duy nhất nên Nguyễn Thị Thủy, quê ở Thanh Hóa, phải đưa hai con gái Khánh Hồng (4 tuổi), Khánh Huyền (2 tuổi) ra Hà Nội đi bán hàng rong mưu sinh. Mỗi ngày đi bộ hàng chục cây số hình như đã chai sạn với phận đời đầy “khắc nghiệt” với hai đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi lớn.

Ba mẹ con bồng bế nhau đi bán hàng rong

Mối tình nghèo và kiếp mưu sinh nhọc nhằn

Thủy sinh năm 1986, quê ở xóm 5, xã Thanh Phương, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa. Sinh ra trong một gia đình nghèo xác xơ. Mẹ bị bệnh về thần kinh từ nhỏ, lúc tỉnh, lúc mê, sống độc thân. Vậy nên 3 chị em “mỗi đứa mỗi bố” mà không đứa nào biết mặt bố đẻ của mình là ai. Họ Nguyễn cũng là do mẹ lấy họ của anh trai đặt cho Thủy. Lớn lên trong hoàn cảnh éo le nên cả 3 anh chị em từ nhỏ không được học hành đến nơi đến chốn. Không biết chữ, nhà có hơn sào ruộng nên năm 15, 16 tuổi là đã phải tha phương nay đây, mai đó đi làm thuê kiếm sống nuôi thân và mẹ già.

Năm 2007, khi đang làm thuê cho một của hàng bán sách báo ở quận 1, TP.HCM, qua bạn bè giới thiệu, Thủy quen chồng là Cao Văn Thu, hơn mình 5 tuổi, quê ở thôn 9, xã Quảng Đại, huyện Quảng Xương, đang làm thuê ở tận Đà Nẵng. Chỉ quen biết qua điện thoại, sau một lần Thu vào tận TP.HCM để gặp, thế là cả hai thuận ý về ở với nhau. Cuối năm đó, Thủy chuyển hẳn ra Đà Nẵng ở với Thu mà chẳng làm đám cưới, đám hỏi gì. Cho đến nay đã có với nhau hai mặt con nhưng cũng chưa đi đăng ký kết hôn. Một thời gian sau thì vợ chồng chuyển hẳn về quê. Cả hai nhà nghèo nên lần đó về ra mắt gia đình, bạn bè, làng xóm cũng chỉ làm mấy mâm chứ không tổ chức linh đình.

Ở các đô thị lớn như TP.HCM, Đà Nẵng, mưu sinh đã khó, về quê càng khó hơn khi không có nghề nghiệp ổn định và đều không biết chữ, vợ chồng Thủy đã đi làm thuê ở mấy làng chài ven biển. Lương thấp nên tháng nào cố dành dụm, hai vợ chồng cũng chỉ tích góp được ít tiền, không đủ trang trải cuộc sống. Cuối năm 2009, khi mang bầu bé Hồng thì chồng Thủy cũng nghỉ việc ở quê để ra Hà Nội làm nghề đánh giầy, với mong sao có thêm thu nhập để tích góp, lo cho đứa con sắp chào đời.

Vì không có điều kiện nên từ khi mang bầu, Thủy cũng chỉ duy nhất một lần đi khám thai. Giữa năm 2010, Thủy sinh bé Hồng, đặt tên là Cao Thị Khánh Hồng. Kinh tế vốn đã rất khó khăn, từ khi con gái chào đời càng làm cho đôi vai vợ chồng Thủy thêm nặng gánh.

Một đứa lo đã chưa xong, không lâu sau đó, năm 2012, Thủy lại sinh đứa thứ hai. Một mình ở quê chăm hai con nhỏ, đang lo ngay ngáy không biết sẽ xoay xở ra sao, tiền đâu mà lo cho con thì “đại họa” ập đến.

“Sinh con chưa đầy một tháng thì hay tin chồng em bị nghiện ma túy, bị bắt đưa vào trại cai nghiện tận ngoài Hà Nội mà chân tay em rụng rời, lúc đó trời đất như đổ sập, và em gần như tuyệt vọng” - Thủy ngân ngấn nước mắt.

Thủy cho biết, nhà chồng đã nghèo khó, giờ chồng phải đi cai nghiện nên một mình cô ở nhà không biết nương tựa vào ai để bấu víu, nuôi hai đứa con thơ.

“Từ ngày chồng bị đưa vào trại cai nghiện không đêm nào là em chợp mắt được. Nghĩ nát óc ra, làm sao để nuôi con nhỏ bây giờ. Và chỉ vài tháng sau, khi số tiền tích góp đã chi tiêu cho hai đứa nhỏ gần cạn kiệt, em đã quyết định đưa hai đứa nhỏ ra Hà Nội”, Thuỷ tâm sự.

Với Thủy, ra Hà Nội chính là quyết định mạo hiểm “đặt cược” với số phận của hai đứa trẻ, là cách duy nhất để kiếm tiền nuôi sống ba mẹ con lúc đó. Bởi lẽ nếu ở quê thì không ai có thể giúp được mẹ con cô. “Em thì sao cũng được, nhưng bằng mọi cách để nuôi được con em”, Thuỷ nói.

Kiếp bán hàng rong

Năm 2012, ra Hà Nội thì bé Hồng mới gần 2 tuổi, còn bé Huyền mới 4 tháng tuổi. Ba mẹ con thuê căn phòng chưa đến 10 m2, giá 900 nghìn đồng mỗi tháng trên phố Nguyễn Phúc Lai, quận Đống Đa.

Được hơn một tuần, Thủy hỏi mấy người quen rồi mua đồ đi bán hàng rong. Chủ yếu là bông tai, bút, kẹo... hàng ngày lúc 5 giờ sáng là phải dậy để lo cơm nước cho hai đứa nhỏ xong rồi mới đi bán.

“Nhiều lúc thấy con nhỏ đang say ngủ mà phải lay dậy đi bán hàng thấy mình có tội lắm!. Nhưng biết làm sao được, không đi thì lấy gì mà sống?”, Thuỷ kể.

Do không người thân nên mỗi lần ra đường là Thủy phải mang theo hai con nhỏ. Đứa cõng trên lưng lấy dây buộc lại, đứa bồng trên nách, tay xách đồ, lang thang mỗi này hàng chục cây số, bán hàng khắp Hà Nội. Thời gian đầu chưa quen nên hai đứa nhỏ khóc khan cả giọng. Đi nửa ngày đường là ba mẹ con mệt rã rời. Nhiều khi một lúc đứa thì ngủ trên lưng, đứa thì ngủ trên tay, lang thang giữa trời mưa nắng khiến ruột gan Thủy nóng như lửa đốt. Những lúc như thế Thủy chỉ biết nuốt nước mắt vào lòng.

Rồi những hôm hai đứa bé ốm đau do dầm mưa dãi nắng, có lần thì Thủy bị cảm, nằm liệt giường cả tháng trời, không đi bán được nên không có tiền, phải vay mượn người quen cùng dãy trọ để sống.

Gần một năm sau, bé Hồng cũng đã bước đi vững vàng. Được cái nó ngoan, vâng lời và cũng bắt đầu đi bán hàng rong phụ mẹ.

“Không có nó bán phụ thì mẹ con em chắc không đủ sống anh ạ! Mỗi tháng trừ chi phí ăn uống sinh hoạt gần 30 nghìn đồng mỗi ngày và tiền thuê trọ, 3 mẹ con em tích góp được gần 1 triệu đồng”, Thuỷ kể về quãng đời mưu sinh của hai mẹ con.

Mỗi ngày đi bộ cả chục cây số, gần 2 năm rong ruổi khắp phố phường nên bé Hồng giờ đây đã gần như thuộc hết ngõ ngách. Trước đây có lần bé Hồng đi lạc, nhưng may mắn nó cũng nhanh nhẹn nên hai mẹ con lại tìm được nhau.

Tuổi còn nhỏ, nhưng bé Hồng đã thông thạo việc bán hàng rong phụ mẹ

Mong  ngày sum họp với vợ con

Gặp Thu tại Trung tâm cai nghiện, lúc đầu anh hơi bỡ ngỡ, nhưng sau khi nghe tôi đọc đúng tên vợ con, quê quán và kể về cuộc sống đầy khổ cực, ngày ngày phải bươn chải mưu sinh ngoài đường của vợ con mình thì Thu đã phần nào hiểu ra vấn đề. Được tôi mở máy ảnh cho xem hình ảnh 3 mẹ con dắt tay nhau đi bán hàng khắp phố nuôi thân, thiếu chút nữa Thu không kìm được nước mắt của một gã trai từng trải.

Thu nói trong ân hận: “Giá như em không theo bạn bè đua đòi, sa vào ma túy thì vợ con em đâu phải khổ, đâu phải ra đường như ngày hôm nay. Bây giờ em chỉ mong sao ba mẹ con cô ấy khỏe mạnh, vượt qua được thời gian khó khăn này. Mong một ngày sớm nhất em được trở về để giúp đỡ mẹ con cô ấy”.

Rồi Thu kể, gia đình anh vốn nghèo khó, không ruộng, cha lại bỏ đi theo người khác nên 6 anh chị em ở với mẹ. Từ nhỏ cũng không được học hành gì. Trước đây, Thu đã có một đời vợ nhưng chưa có con cái. Do không hợp nhau nên ở một thời gian thì đường ai nấy đi. Sau này gặp Thủy, thấy hợp thì về ở với nhau. Cô ấy là người chịu thương, chịu khó và rất thương chồng con. Ngày cô ấy chuẩn bị sinh bé Hồng thì em ra Hà Nội làm nghề đánh giầy, mong sao có thêm thu nhập để giúp vợ, ai ngờ chưa giúp được gì đã làm vợ con thêm khổ vì nghiện ma túy.

Anh Cao Xuân Thu được học nghề tại Trung tâm Chữa bệnh- Giáo dục- Lao động xã hội

Thứ Thu nghiện không phải hạng xoàng, mà là heroin hẳn hoi. Thế nên mỗi ngày phải chích hút hơn 200 nghìn đồng “mới đã”. Cũng vì vậy nên tiền đánh giầy mỗi tháng được hơn 6 triệu đồng, Thu nướng hết vào ma túy, không có đồng nào gửi về, thậm chí là vay mượn bạn. Một lần bị công an bắt quả tang, Thu bị đưa vào Trung tâm cai nghiện. cho đến nay chỉ còn 4 tháng nữa là tròn hai năm.

“Ở trong này em được chữa bệnh, học nghề, nên sau này ra không lo thất nghiệp”, Thu nói.

Nguồn động viên duy nhất của Thu lúc này là vợ, con, mỗi tháng vào thăm một lần. mặc dù bản thân gây ra bao nhiêu khổ cực cho gia đình như vậy, nhưng chưa một lần vợ anh trách nửa câu.

“Mỗi lần vào thăm là hai đứa bé cứ quấn quýt lấy bố không rời nữa bước. Vợ em thường xuyên an ủi, động viên em cố gắng chấp hành nội quy, học tập, lao động chăm chỉ để sớm được ra”, Thu kể lại.

Đối với Thu thời gian được gặp gỡ vợ con như thế là quá ngắn ngủi và không thể nào bù đắp được cho vợ, và đặc biệt là hai đứa nhỏ. Tuy nhiên đó cũng là một lời thức tỉnh, là động lực để Thu học tập, rèn luyện, quyết tâm từ giã ma túy để để trở về với gia đình, để làm lại cuộc đời.

Top