Đến với người nghiện bằng tình thương

02/10/2015 09:43

Đã từng trải nghiệm nỗi đau của một gia đình có người nghiện ma túy, bác Bùi Thị Liên, trú tại phường Trung Phụng, quận Đống Đa, Hà Nội hiểu thế nào là bi kịch khi người thân “dính” phải “cái chết trắng”. Và vì thế 20 năm qua, bác Liên đã trở thành tình nguyện viên phòng chống ma túy, tham gia CLB B93 phường, với mong muốn cháy bỏng: góp sức nhỏ bé đẩy ma túy ra khỏi địa bàn.


Bác Bùi Thị Liên (áo hoa) trao đổi với các thành viên Hội Chữ thập đỏ phường Trung Phụng, quận Đống Đa

Tâm sự của “người trong cuộc”

Những người từng sống trên địa bàn phường Trung Phụng, hơn ai hết thấy được sự tàn khốc, nguy hiểm của ma túy. Quãng những năm 1995-2000, do nhiều thanh niên của phường Trung Phụng “dính” vào ma túy, những nhà vệ sinh công cộng, ngõ khuất đã trở thành địa điểm tụ tập của người nghiện từ nhiều nơi đổ về. Bác Đặng Quý Bằng, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Trung Phụng nhớ lại: Khi ấy, ra ngõ là gặp bơm kim tiêm và không chỉ những đối tượng hư hỏng lêu lổng mới nghiện mà nhiều đối tượng là con em cán bộ phường cũng bị kéo vào ma túy.

Từ một thanh niên ngoan ngoãn, con trai bác Liên khi đang ngồi trên ghế nhà trường đã bị nhóm bạn xấu lôi kéo, rồi mắc nghiện. Bất ngờ, hoang mang nhưng ý chí của một người mẹ, người cán bộ cơ sở đã không cho phép người phụ nữ ấy gục ngã.

Một mặt đưa con vào tận Tây Nguyên để cai nghiện, cách ly hoàn toàn với đám bạn xấu, mặt khác bác Liên tích cực tham gia làm tình nguyện viên phòng chống ma túy để tìm hiểu tâm lý của người nghiện và để cứu con. Khi những trải nghiệm đã thấm đẫm trong suy nghĩ, người mẹ nhận thấy không thể dùng những điều sáo rỗng để nói với con, với những người lầm lỗi mà bằng phải bằng tình cảm chân thành, sự động viên để những người nghiện không còn mặc cảm.

Từ suy nghĩ  ấy, bác Liên đã giúp cho nhiều thanh niên ở địa bàn đoạn tuyệt với ma túy. Nhiệt huyết với những hoạt động vì cộng đồng, bác Liên tham gia CLB B93 của phường Trung Phụng, tích cực tuyên truyền, vận động các đối tượng sau cai nghiện, giúp họ suy nghĩ theo hướng tích cực để thấy mình vẫn có ích cho gia đình và xã hội.

Tận tâm vì một chữ tình

“Ở đây, nhiều gia đình đã phải hứng chịu nỗi đau ma túy, người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh. Tôi chỉ từ cương vị một người già, có nhiều kinh nghiệm sống, tâm sự với người nghiện điều hơn lẽ thiệt, từ đó mong họ nhận ra cái đúng cái sai để quay về đúng đường. Không ai sinh ra là người nghiện, chẳng qua họ không vượt qua được cám dỗ nên mới mắc sai lầm”, bác Liên nhìn nhận và kể về một trường hợp được bác “cứu” gần đây. Đó là anh N.N.A, trú ở cụm dân cư số 5. Có một gia đình hạnh phúc, nhưng công việc gắn với những chuyến xe đường dài đã khiến anh A. bập vào ma túy lúc nào không hay.

Mẹ anh A. khi đó cũng là một tình nguyện viên phòng chống ma túy, đã không chịu được áp lực và định làm đơn xin thôi công tác xã hội. Vừa động viên đồng nghiệp, bác Liên cùng các thành viên CLB B93 phường Trung Phụng đã tìm mọi cách giúp anh A. tỉnh ngộ. Đến giờ đã là 4 năm anh A. đoạn tuyệt với ma túy, có công ăn việc làm ổn định. Và mới đây, khi anh A. tình nguyện đi hiến máu nhân đạo, chất lượng máu của anh đã hoàn toàn đạt tiêu chuẩn, có thể sử dụng để cứu người.

Chưa hết, ở tuổi thất thập cổ lai hy, sức khỏe không được như thời còn trẻ, nhưng khi nhìn thấy những người già cô đơn, không nơi nương tựa, bác Liên vẫn sẵn sàng giúp đỡ. Từ năm 2009 đến nay, bác Liên tình nguyện chăm sóc 3 người già cô đơn trên địa bàn phường, giúp đỡ họ vệ sinh cá nhân và làm những công việc không tên trong gia đình.

Từ một phường trọng điểm về ma túy của thành phố, Trung Phụng đang dần thoát khỏi tiếng xấu ấy. Đạt được thành công đó, có đóng góp không nhỏ của những người như bác Bùi Thị Liên, luôn hết lòng và sống với mọi người bằng chữ tình.

Top