"Mảnh đất tình người"

28/11/2014 15:43

Gần 20 năm làm công tác cai nghiện ma túy, đấy cũng là khoảng thời gian tập thể cán bộ Trung tâm Giáo dục dạy nghề - giải quyết việc làm Nhị Xuân (Trung tâm Nhị Xuân) trăn trở với công tác quản lý, giáo dục học viên cai nghiện.Nhiều người trong số họ bày tỏ niềm vui, hạnh phúc khi những nỗ lực của họ được các học viên và gia đình ghi nhận, gọi Nhị Xuân là “Mảnh đất tình người”.

Trung tâm Nhị Xuân - thuộc Lực lượng Thanh niên xung phong TP.HCM, được thành lập từ năm 1994, tọa lạc trên khu đất rộng 28 ha ngập tràn màu xanh cây cối tại xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn, TP.HCM. Đây hiện là nơi đang tiếp nhận và điều trị cho hơn 1.000 học viên cai nghiện ma túy đến từ khắp tất cả các quận huyện trên địa bàn thành phố.

Những người thầy áo xanh

Với tất cả học viên nơi đây, hình ảnh người thầy khoác trên mình màu đồng phục xanh cỏ úa từ lâu đã trở nên quá đỗi thân quen. Dù mỗi học viên có một hoàn cảnh, quê quán khác nhau… nhưng khi bộc lộ cảm xúc về những giáo viên tại trung tâm, họ đều mang điểm chung là hàm ơn một tình cảm sâu sắc với những thầy cô giáo đang làm việc tại nơi này.

Học viên trung tâm Nhị Xuân trong giờ học

Mạnh Hải - một học viên tại Trung tâm Nhị Xuân cho biết, những ngày đầu được gia đình đưa đến Trung tâm cai nghiện Nhị Xuân, Hải luôn cảm thấy bất an và lo lắng vì những câu chuyện không hay mà người ta thường kể khi nhắc đến các Trung tâm cai nghiện. Thế nhưng cảm giác ấy đã nhanh chóng qua đi. Từ khi bước vào trung tâm Nhị Xuân, mỗi phút giây được sống trong tình cảm trừu mến của mọi người đối với Hải đã trở nên đặc biệt.

Hải nhớ lại những ngày mới vào trung tâm, dù cơ thể đã vơi bớt cảm giác thèm ma túy nhưng cảm giác bị quản thúc lại khiến Hải cảm thấy vô cùng bức bối, khó chịu. Thậm chí, có những lúc cảm giác bức bối lẫn lộn ấy thôi thúc, khiến đầu óc Hải xuất hiện nhiều ý nghĩ tiêu cực.

Phòng đọc sách tại Đội tình nguyện

Hiểu được tâm tư ấy, các thầy cô giáo ở Trung tâm đã động viên, chia sẻ với Hải, hướng Hải tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí, các lớp học chuyên đề để Hải hiểu thêm tác hại của ma túy. Lúc rảnh rỗi, các thầy cũng thường xuyên tâm sự, bảo ban với Hải về những giá trị của cuộc sống, chuyện gia đình, khuyên bảo Hải phải thật cố gắng nhẫn nhịn để làm người có ích. Chính sự quan tâm, lo lắng, giúp đỡ tận tình của các thầy cô đã giúp Hải vượt qua những giờ phút “vật thuốc”, dần tỉnh ngộ để tập trung học tập.

Minh Nguyệt - một học viên nữ tại Trung tâm Nhị Xuân cho biết, trước đây cô thường theo đám bạn bè hư hỏng tụ tập, ăn chơi đua đòi, rồi mắc nghiện. Khi đến Trung tâm, được các thầy cô hướng dẫn, dìu dắt tham gia vào các hoạt động tập thể, cô dần thoát khỏi cái bóng của ma túy, trở thành tình nguyện viên về giáo dục. Từ đó đến nay, Nguyệt luôn là người bạn đồng hành, chủ động chia sẻ, giúp đỡ những học viên có hoàn cảnh giống mình trước đây.

Học viên Trung tâm tổ chức trồng cây

Ăn ngủ cùng học viên cai nghiện

Gần 20 năm làm công tác cai nghiện ma túy, đấy cũng là khoảng thời gian mà tập thể cán bộ nhân viên Trung tâm trăn trở, không ngừng nỗ lực để tìm tòi ra những giải pháp tốt nhất cho công tác quản lý, giáo dục học viên cai nghiện.

Anh Võ Quốc Dũng - Đội trưởng Đội tự nguyện Trung tâm Nhị Xuân cho biết, Trung tâm Nhị Xuân được chia thành 3 khu vực chính là: khu cai nghiện tự nguyện, khu cai nghiện theo nghị định và khu còn lại cho học viên nữ. Truớc khi vào các khu này, học viên phải trải qua giai đoạn cắt cơn từ một đến hai tuần. Đây là giai đoạn khó khăn nhất. Sau khi hoàn thành giai đoạn này, học viên sẽ được chuyển qua khu vực chuyển tiếp để hòa nhập. Ở đây, học viên được học nội quy, trật tự nội vụ và phòng chống các bệnh lây nhiễm. Cuối cùng, học viên sẽ được học nghề, được tư vấn tâm lý.

Học viên Trung tâm tham gia thi kéo co

Công việc của các giáo dục viên không hề đơn giản. Hàng ngày họ phải theo dõi tâm lý, sinh hoạt của học viên. Theo anh Dũng, để hiểu tâm tư người cai nghiện và cũng để người cai nghiện hiểu mình thì gần như các giáo viên phải ăn chung, ngủ chung với học viên. Anh kể, có lần anh khóa cửa vào ngủ cùng phòng với hơn 70 học viên. “Đêm đó, tôi gần như không ngủ được. Thế nhưng một ngày, rồi những ngày tiếp theo, họ bắt đầu coi chúng tôi như người thân, bắt đầu tâm sự, đôi khi là những chuyện rất cá nhân. Cũng vì những cách làm này, các giáo dục viên được họ gọi thầy, cô mà khi mới vào trường. Điều mà họ chưa bao giờ dám nghĩ đến” - anh Dũng nhớ lại.

Phụ trách chính của giai đoạn giúp người nghiện cắt cơn, bác sĩ Hán Thị Hồng Tuyến - Trưởng phòng Y tế của Trung tâm cho biết, công việc hàng ngày của chị bắt đầu từ sáng sớm. Sau khi học viên ăn sáng xong, chị sẽ cùng các y bác sĩ ở đây khám sức khỏe cho họ. Gian nan nhất là những học viên vừa mới vào trung tâm, tâm lý của họ rất thiếu ổn định. Không ít trường hợp học viên đã phá nát giường nằm, từng dí kéo vào cổ bác sỹ để đòi về nhà.

Chăm sóc điều trị cắt cơn cho học viên cai nghiện

Từ nhiều năm nay, với rất nhiều người không may “vướng” vào ma túy, tình cảm và nhiệt huyết của tập thể cán bộ nhân viên Trung tâm Nhị Xuân đã thực sự trở thành “cứu cánh” để họ tìm về với cuộc sống đời thường. Trong số những cán bộ đó, không ít người tóc đã điểm bạc, khóe mắt đã hằn sâu những vết chân chim, không phải vì thời gian mà vì những đêm thức trắng tìm tòi phương pháp chăm sóc học viên cai nghiện. Rời trung tâm Nhị Xuân, chúng tôi vẫn luôn tự hỏi không biết điều gì khiến họ gắn bó với công việc gian khó?

Có lẽ những đêm trằn trọc không ngủ vì trăn trở với công việc, rồi nhận thấy thành quả là học viên thay đổi tâm tính và đặc biệt là tình người thấm đượm… đã níu chân những thầy cô giáo ở lại giúp đỡ những mảnh đời trót lầm đường lạc lối. Nhiều người trong số họ nói rằng, dù có khó khăn, vất vả nhưng luôn cảm thấy vui và hạnh phúc khi những nỗ lực của họ được học viên và gia đình ghi nhận, gọi Nhị Xuân là “Mảnh đất tình người”

Top