Ngôi nhà thứ hai của phụ nữ và trẻ em nhiễm HIV

07/12/2014 15:56

Được thành lập từ tháng 4/2009 đến nay, gần 7 năm qua, Mái ấm tình thân thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam có địa chỉ tại số 1 Hoàng Văn Thụ, Hà Đông, Hà Nội đã trở thành ngôi nhà thứ hai của phụ nữ và trẻ em bị ảnh hưởng và sống chung với HIV.

Địa chỉ tin cậy của những người nhiễm HIV

Tiếp chúng tôi là bác sĩ Trịnh Thị Huệ, cán bộ phụ trách chung của Mái ấm, người bác sĩ đã 67 tuổi nhưng vẫn tận tâm, nhiệt huyết vun đắp cho Mái ấm tình thân được duy trì hoạt động. Nằm trong khuôn viên Trung tâm dạy nghề của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thành phố Hà Nội, Mái ấm chỉ có 2 phòng. Một phòng làm việc chung, nơi cán bộ nhân viên tư vấn cho khách hàng và một phòng gồm 4 giường, tủ, chăn màn, một giá để đồ chơi trẻ em. Ấn tượng là trên tường có khá nhiều bức tranh của các em được vẽ sinh động, ngộ nghĩnh. BS Huệ bảo, đó là tác phẩm của những em bé có HIV, khi được bố mẹ cho đến đây nghỉ đêm chờ đi khám hoặc làm xét nghiệm, lấy thuốc, chữa bệnh tại các bệnh viện, các em đã vẽ chúng trong thời gian ở Mái ấm.

Xuất phát từ mô hình thí điểm của Dự án “Tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ, dự phòng, chăm sóc và điều trị cho phụ nữ, trẻ em sống chung và ảnh hưởng bởi HIV” do AusAID – Cơ quan phát triển quốc tế của Australia tài trợ và Trung tâm Hỗ trợ phụ nữ phòng chống AIDS và chăm sóc sức khỏe sinh sản (WARC), Hội LHPN Việt Nam trực tiếp triển khai. Hoạt động từ tháng 4/2009 đến tháng 6/2011, dự án kết thúc.

Nguồn kinh phí tài trợ từ dự án cũng không còn. Tuy nhiên, từ đó đến nay Mái ấm vẫn duy trì hoạt động để đáp ứng nhu cầu cho những phụ nữ, trẻ em sống chung và ảnh hưởng bởi HIV ở các địa phương xa xôi, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhưng vẫn có nhu cầu tiếp tục tiếp cận với các dịch vụ hỗ trợ tại Hà Nội. “Từ đó đến nay, Mái ấm nhiều lần tưởng chừng như phải ngừng hoạt động vì không có kinh phí. Nhưng với suy nghĩ nếu ngôi nhà này đóng cửa thì những phụ nữ và trẻ em bị HIV cần sự giúp đỡ sẽ đi đâu. Bởi những người có HIV sợ bị người thân quen biết, sợ bị kỳ thị khi đi khám ở địa phương nên lượng khách hàng đến Mái ấm vẫn duy trì đều đặn và có xu hướng tăng. Vì vậy chúng tôi cứ cố gắng duy trì, kêu gọi các nguồn tài trợ, lấy ngắn nuôi dài. Trước đây Mái ấm có khá nhiều cán bộ nhưng giờ chỉ còn 2 người là tôi và một cô điều phối viên để giảm thiểu tối đa chi phí”.

Khách hàng tìm đến Mái ấm đều là những phụ nữ, trẻ em nhiễm HIV hoặc sống chung với HIV có hoàn cảnh khó khăn, hàng tháng phải xuống Hà Nội khám bệnh và lấy thuốc. Tại đây họ được các bác sĩ, nhân viên tư vấn về tâm lý, sức khỏe, được kết nối, chuyển gửi đến các dịch vụ y tế, xã hội, pháp lý; được tạo môi trường thân thiện, chỗ nghỉ qua đêm khi về Hà Nội khám, chữa bệnh, xét nghiệm và lấy thuốc; họ còn được hỗ trợ về dinh dưỡng, học phí, tiền tàu xe đi lại, tiền thuốc; thậm chí họ còn được hỗ trợ vay vốn và đào tạo sinh kế, tổ chức đào tạo truyền thông nâng cao nhận thức, định hướng thay đổi hành vi, giảm kỳ thị, phân biệt đối xử trong cộng đồng, nâng cao năng lực, hỗ trợ nguồn lực cho các nhóm Tự lực, CLB, Mạng lưới người sống chung và ảnh hưởng bởi HIV…

Ở Mái ấm, họ nhận được sự sẻ chia và tìm lại được niềm tin để nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Theo số liệu thống kê, trong 9 tháng đầu năm 2014, tổng số khách hàng đến Mái ấm là 289 lượt người, phụ nữ đơn thân có HIV: 94, trẻ em có HIV: 54 người, vợ chồng người có HIV: 57, ông bà nuôi cháu có HIV: 5 người, bạn tình người có HIV: 72 người, trong đó dân tộc thiểu số là 35 người.

Được giúp đỡ, được sẻ chia

Nhiễm HIV, em có thể sinh con mà không bị lây nhiễm từ mẹ hay không? Em không nhiễm HIV, nhưng vợ em nhiễm HIV, làm thế nào để có con? Em phải sinh con bằng phương pháp đẻ thường hay đẻ mổ để giảm nguy cơ lây nhiễm? Chăm sóc con như thế nào để không lây nhiễm khi cả hai bố mẹ đều bị HIV?...  Rất nhiều những câu hỏi, băn khoăn của các khách hàng khi tìm đến với Mái ấm tình thân đều được bác sĩ giải đáp cụ thể, cặn kẽ.

Chị Nguyễn Hương Linh, Bắc Cạn chia sẻ: Cả hai vợ chồng đều bị nhiễm HIV. Tuy vậy chúng em vẫn muốn có con. Vì vậy khi biết được Mái ấm, chúng em đã tìm đến. Tại đây các bác sĩ đã cho em biết cách thụ thai mà không bị lây nhiễm từ bố mẹ. Cũng nhờ vậy, giờ chúng em đã có một bé gái 2 tuổi khỏe mạnh, may mắn không bị nhiễm HIV.

Từ đó đến nay thỉnh thoảng cả gia đình em lại bắt xe xuống đây ở qua đêm để sáng hôm sau đi khám và lấy thuốc. Các bác sĩ cũng chỉ cho vợ chồng em cách chăm sóc con để không bị lây nhiễm virus từ bố mẹ. Con gái em rất thích ở đây vì có nhiều đồ chơi. Các bác, các cô ở đây lại rất tốt. Điều quan trọng nhất là khi đến đây hầu hết mọi người đều tìm được lối thoát sau khi được các bác sĩ tư vấn.

Bác sĩ Trịnh Thị Huệ cũng cho biết: Các dịch vụ hỗ trợ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em có HIV ở địa phương có sự thắt chặt, ví dụ ở Ninh Bình nếu lấy thuốc ARV sẽ phải chi trả thêm khoảng 30-40% giá trị đơn thuốc do nguồn hỗ trợ của dự án quỹ HIV toàn cầu cắt giảm. Tại Hà Nội do áp dụng nguồn quỹ khác nên chưa phải trả thêm. Khách hàng đến đây phần lớn thuộc diện cận nghèo hoặc nghèo không có nghề nghiệp, trông chờ vào mấy sào ruộng. Số khác thì công việc không ổn định.

Trẻ em bị kỳ thị không được đến trường. Phụ nữ là người phải chịu gánh nặng nhiều hơn so với  nam giới trong việc chăm sóc người thân có HIV bởi dễ bị kỳ thị, phân biệt đối xử và phải lo toan kinh tế gia đình, nuôi dạy con cái, chi trả chăm sóc y tế... Mái ấm đã hỗ trợ cho chị em qua tư vấn trực tiếp hoặc qua điện thoại, kết nối, chuyển gửi khách hàng đến các dịch vụ y tế, xã hội. Trong trường hợp chị em có nhu cầu nghỉ lại Hà Nội, Mái ấm bố trí nơi nghỉ ngơi an toàn, thân thiện và miễn phí, hỗ trợ bữa ăn sáng và bữa ăn đêm.  Mái ấm cũng chia sẻ, giúp đỡ về mặt y tế cho cả những người phụ nữ có HIV bị trầm cảm. Với những trường hợp vượt quá khả năng, các thành viên giới thiệu họ đến các chuyên gia tâm lý để được tư vấn.

Bên cạnh việc hỗ trợ về tâm lý, nhiều phụ nữ đến đây đã được tư vấn, hỗ trợ về dinh dưỡng, được hỗ trợ kinh phí đi lại, giới thiệu công ăn việc làm, vay vốn làm kinh tế để cải thiện cuộc sống. Thời gian vừa qua, Mái ấm cũng kết hợp với Trung tâm Hỗ trợ phụ nữ phòng chống AIDS và chăm sóc sức khỏe sinh sản (WARC) trao quà cho 3 hộ nghèo có trẻ em sống chung với HIV tại Ninh Bình.

Nhờ có được mạng lưới kết nối với hầu hết Hội phụ nữ các tỉnh, thành phía Bắc, các câu lạc bộ, tình nguyện viên nên rất nhiều người có HIV biết đến Mái ấm. Trước  khi đến họ thường điện thoại trước cho cán bộ tại đây để được đưa đón, chăm sóc.

BS Trịnh Thị Huệ tâm sự: Tôi đã 67 tuổi, cũng không còn trẻ nữa. Hàng ngày vẫn đi xe máy từ nhà đến Mái ấm. Gia đình, chồng con muốn tôi nghỉ từ lâu để giữ gìn sức khỏe và chăm sóc gia đình. Nhưng có tiếp xúc với những người có HIV mới thấy họ rất khổ, vừa khổ về bệnh tật vừa khổ vì không có kinh tế, nhất là phụ nữ và trẻ em. Nhiều người chồng chết vì HIV, bị nhà chồng đuổi ra khỏi nhà, không có nơi nương tựa, nay thuê chỗ này mai trọ chỗ khác, con cái không được đến trường do bị kỳ thị, phân biệt. Nếu họ không được dùng thuốc hỗ trợ miễn dịch thì bệnh sẽ tiến triển rất nhanh.

Bên cạnh đó đa phần khi mang trong mình căn bệnh này, lại bị phân biệt đối xử nên người phụ nữ rất bi quan, tuyệt vọng. Vì vậy chúng tôi không chỉ tư vấn về cách ăn uống, cách giữ gìn sức khỏe, cách dùng thuốc mà còn phải động viên tinh thần cho họ. Giờ đây AIDS không còn đáng sợ nữa. Đó chính là những điều mà chúng tôi muốn gửi gắm đến những bệnh nhân không may mắc AIDS.

Top