"Người giữ lửa"

19/08/2015 17:06

Câu chuyện của anh Ánh khiến những ai đối diện đều cảm phục nghị lực sống ở người chiến sĩ, người thầy thuốc dù mang bệnh hiểm vẫn đầy tâm huyết, sẵn sàng dành sức lực còn lại để cống hiến cho cuộc đời.

Anh Nguyễn Quang Ánh trong chương trình "Người giữ lửa"

Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Công an Nhân dân, chương trình cầu truyền hình đặc biệt “Người giữ lửa” do Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp với Bộ Công an thực hiện đã diễn ra vào tối 18/8 tại hai điểm cầu Hà Nội và Tây Ninh, chiếu trên kênh VTV1.

Trong chương trình, khán giả lần đầu tiên được theo dõi những thước phim tư liệu quý giá về nhiều chiến công lừng lẫy của lực lượng công an trong những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Ngoài ra, lịch sử 70 năm của lực lượng Công an nhân dân còn được tái hiện lại qua lời kể của nhiều nhân chứng lịch sử có mặt trong chương trình. Qua đó, khán giả đã có cơ hội hiểu và đến gần hơn với những con người đang ngày đêm âm thầm bảo vệ bình yên cho Tổ quốc.

Cũng trong chương trình, nhiều câu chuyện thú vị, ly kỳ và cảm động trong cuộc hành trình đi tìm công lý, đấu tranh đưa tội phạm ra ánh sáng của các chiến sĩ Công an đã được người trong cuộc chia sẻ trên sân khấu trong đó có vụ thảm sát Bình Phước gây chấn động dư luận trong thời gian vừa qua được lực lượng Công an phá án trong vòng 72 tiếng đồng hồ.

Cũng trên sân khấu tại hai đầu cầu truyền hình, “Người giữ lửa” đã đưa khán giả ngược thời gian trong cuộc hành trình trở về quá khứ, lắng nghe hồi tưởng và chia sẻ của những chiến sĩ Công an trong cuộc đấu trí cam go khi thực hiện chuyên án chống Fulro – Nhà nước Đề Ga hay vụ ngăn chặn phản động Lê Quốc Túy sống lưu vong ở nước ngoài xâm nhập vào Việt Nam và chống phá Nhà nước. Cùng với đó là những câu chuyện cảm động phía sau công việc của các bác sĩ Công an công tác tại các trại giam, ngày ngày đối mặt với các phạm nhân và cảm hóa họ phục thiện trở về với cuộc sống. 

Trong đó có câu chuyện của thiếu tá - bác sĩ Nguyễn Quang Ánh (đang làm việc tại trại giam Thủ Đức, Tổng cục VIII - Bộ công an) khiến nhiều người không khỏi xúc động.

Năm 2004, y sĩ Ánh khi ấy 30 tuổi, đang công tác tại trại giam Thủ Đức, có vợ là cô giáo vừa sinh con gái đầu lòng. Anh chị đều có công việc, có nghề nghiệp, tuổi tác cũng không còn trẻ nữa nên thật náo nức khi lên chức làm cha mẹ. Vậy mà sét đánh ngang tai ngay sau khi vợ anh sinh con: chị nhiễm HIV, xét nghiệm máu anh cũng nhiễm HIV. Anh Ánh vào ngành công an từ năm 1995 khi mới 21 tuổi, đi học Trường cao đẳng Y Bình Thuận rồi ra công tác rất nghiêm túc, vậy mà lại nhiễm HIV. Lần lại quá khứ, anh cũng không nhớ chính xác mình nhiễm bệnh khi nào, chỉ chắc rằng có thể do tai nạn trong một ca cấp cứu cho phạm nhân, cũng là bệnh nhân nhiễm HIV trong trại giam.

Năm 2004, hiểu biết về bệnh HIV còn chưa kỹ lưỡng như bây giờ, người ta chỉ biết đây là căn bệnh thế kỷ, chỉ biết mắc là cầm chắc cái chết, thêm nghề giáo vốn giàu tự trọng, ngại điều tiếng nên vợ anh Ánh nghĩ quẩn. Chị tự tử ngay khi con gái vừa mới sinh được 26 ngày.

Giờ mỗi ngày, anh lại đang phải chạy đua với cuộc sống để tiếp tục công việc, tiếp tục là bạn, là anh, là bằng hữu để cảm hóa những trái tim lạc lối.

Tại buổi giao lưu, anh Ánh tâm sự "Ở trại chúng tôi có rất nhiều thành phần, rất nhiều tội trạng, và các độ tuổi hoàn toàn khác nhau. Chúng càng trẻ hóa tội phạm về độ tuổi, chúng rất manh động, rất nhiều mưu mô, chiêu trò và toan tính. Ngoài xã hội, chúng là những anh chị, xã hội đen, thì bước chân vào trại chúng cũng rất muốn thể hiện chúng là những anh hung, là những tay anh chị côn đồ. Và chúng sẵn sàng chống trả lại sự giáo dục và cảm hóa của cán bộ trại".

Mỗi ngày anh lại đang phải chạy đua với cuộc sống để tiếp tục công việc, tiếp tục là bạn, là anh, là bằng hữu để cảm hóa những trái tim lạc lối.

Để đào tạo, và bắt một con người nhận tội đã khó, nhưng để cảm hóa, gột rửa những cái tội lỗi để trở thành một con người lương thiện thì càng khó hơn.

Thiếu tá Ánh chia sẻ, anh là một người cán bộ y tế, từng bị phạm nhân gây bệnh. "Nhưng tôi chưa bao giờ ân hận, và cũng chưa bao giờ nản chí và luôn luôn gần gũi, động viên, chia sẻ cùng phạm nhân. Vì họ có tội với pháp luật chứ không có tội với riêng bản thân tôi. Chính họ đang bị trừng trị bằng những bản án thích đáng", thiếu tá Ánh nói.

Anh chia sẻ: "Hơn 20 năm trong nghề, thật sự rất khó khăn, lực lượng cán bộ y tế trong trại giam đang thiếu, trang thiết bị không đầy đủ, công tác truyền thông chưa đầy đủ. Bằng lòng nhiệt tình, tận tâm với công việc, chúng tôi sẵn sàng nhận và hoàn thành nhiệm vụ được giao. Bước sang năm thứ 13 bị nhiễm HIV, bản thân tôi chưa bao giờ oán hận những người gây ra bệnh cho mình. Và cũng chưa bao giờ đòi hỏi chính sách, chế độ cho bản thân. Luôn hết lòng và tận tâm với công việc. Chính nghị lực, bản lĩnh đó, từ những phạm nhân cộm cán, anh hùng, những tên côn đồ khét tiếng đều được tôi cảm hóa và cải tạo, chấp hành nội quy trại giam tốt".

Câu chuyện của anh Ánh là câu chuyện của những người đang lặng lẽ làm công việc cảm hoá phạm nhân, về một người lính mang hai màu áo đã cống hiến phần sức lực còn lại cho cuộc đời. Thông qua đó tái hiện bức chân dung chân thực và cảm động về những nỗ lực, hy sinh của lực lượng CAND cả trong công việc lẫn ngoài cuộc sống đời thường, giúp mọi người cảm nhận sâu sắc và rõ nét về những người chiến sĩ Công an đã vì bình yên của cuộc sống mà sẵn sàng hy sinh quên mình.

Top