“Thiên thần” của những người nhiễm HIV/AIDS

23/03/2015 16:20

Những người nhiễm HIV/AIDS giai đoạn cuối ở bệnh viện đang được các bác sĩ, y tá, điều dưỡng từng ngày từng giờ giành giật lại sự sống trước lưỡi hái của tử thần. Họ đã không may mang trong mình căn bệnh thế kỷ, có người phải chịu đựng “nỗi đau” của sự kỳ thị và thậm chí có người bị gia đình chối bỏ đã được đôi bàn tay, trái tim của những người thầy thuốc nơi này xoa dịu.

Bệnh nhân đang tập hát để tham gia giao lưu văn nghệ (Ảnh: Bệnh viện Nhân Ái)

Tất cả vì bệnh nhân

Vượt đoạn đường dài hơn 200 km, Bệnh viện Nhân Ái thuộc Sở Y tế TP.HCM, tọa lạc trên một ngọn đồi cao ở xã Phú Văn, huyện Phước Long, tỉnh Bình Phước.

Năm nay, gương điển hình tiên tiến cấp thành phố của Bệnh viện Nhân Ái là điều dưỡng viên Đào Thị Hoài Phương, 25 tuổi, vào công tác tại bệnh viện từ tháng 10/2007. Với dáng người nhỏ bé, đôi mắt sáng, Phương nở một nụ cười thật tươi với chúng tôi nhưng lại ngại ngùng, mắc cỡ khi nói về công việc của mình.

Phương không kể cho chúng tôi nghe nhiều về mình mà trong suốt câu chuyện là những kỷ niệm, những ngày tháng buồn vui bên những người nhiễm HIV/AIDS của các bác sĩ, y tá, điều dưỡng nơi đây.

Ca trực đêm đầu tiên của Phương vào tháng giữa tháng 2/2008. Đêm đó em và các bác sĩ, điều dưỡng khác tiễn 1 bệnh nhân ra đi, bệnh nhân là nam nhiễm HIV/AIDS do làm phẫu thuật chuyển giới tại Thái Lan. “Bệnh nhân rất thích được mọi người gọi là 'chị' và có một nguyện vọng khi sau khi lâm chung được trang điểm thật đẹp. Đêm ấy, bệnh nhân mất mà không có người thân bên cạnh, cho dù bệnh viện đã báo trước cho gia đình và nguyện vọng cuối cùng của bệnh nhân cũng được em và các chị thực hiện”, Phương kể.

Điều mà Phương, các y bác sĩ nơi đây cảm thấy áy náy nhất là do bệnh viện điều trị miễn phí, nguồn kinh phí có hạn nên mỗi bệnh nhân chỉ được ăn 12.000 đồng/ ngày. Vì vậy, khẩu phần ăn không đủ để cho bệnh nhân có đủ dinh dưỡng để hồi phục sức khỏe. Các y bác sĩ phải tăng gia sản xuất, trồng thêm rau xanh để cải thiện bữa ăn. Có bệnh nhân thèm ăn hủ tiếu, phở, thậm chí thèm ăn cả thịt chó… thế là các chị điều dưỡng vượt cả đoạn đường dài hơn 10 km để mua về cho họ ăn.

Cũng chính vì thế, có y sĩ Vũ Thị Tâm Hảo đến giờ vẫn còn ân hận vì một bệnh nhân thèm ăn cá bống kho mà chị chưa kịp nấu thì đã vội ra đi. Hầu hết những bệnh nhân ở tại bệnh viện này đều bị gia đình, người thân bỏ rơi nên các y bác sĩ nơi đây đều là người thân thích cuối cùng của họ, phải làm những phần việc tắm rửa, vệ sinh thay cho những người thân khi họ vật vã, hôn mê sâu trên giường bệnh.

Sự hy sinh thầm lặng

Từ ngày thành lập bệnh viện đến nay, đã có 9 y bác sĩ, nhân viên bị phơi nhiễm HIV nhưng được xử lý kịp thời. Trong số họ, có người vẫn còn tiếp tục ở lại cống hiến.

Hơn 200 y bác sỹ, điều dưỡng tại Bệnh viện Nhân Ái đang phục vụ và điều trị cho khoảng 200 bệnh nhân HIV/AIDS giai đoạn cuối. Hàng ngày họ phải đối diện với nguy cơ phơi nhiễm và vi trùng lao kháng thuốc, những người thầy thuốc vẫn luôn luôn túc trực bên cạnh bệnh nhân 24/24h, tâm sự với các bệnh nhân để động viên họ vượt qua rào cản tâm lý về sự mặc cảm.

Có những lúc bị bệnh nhân la hét, chửi bới, họ vẫn phải chịu đựng và tìm cách vỗ về, an ủi. Chị Nguyễn Thư Tình, tư vấn viên của bệnh viện cho biết: “Dù biết bệnh nhân HIV/AIDS bị lao kháng thuốc nhưng bản thân mình và các y bác sĩ, điều dưỡng khi tâm sự, tư vấn cho bệnh nhân tuyệt đối không được dùng khẩu trang. Vì đeo khẩu trang sẽ khó thành công trong việc tư vấn cho bệnh nhân”.

Không chỉ có bệnh nhân bị kỳ thị mà những người thầy thuốc chăm sóc, điều trị bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS cũng bị kỳ thị. Sự kỳ thị đó đến từ một số người thân, bạn bè và thậm chí từ đồng nghiệp, những người trong cùng ngành y.

Đã có lần trong số họ phải nghe những lời nói và nhận những ánh mắt thiếu thiện cảm, xa lánh và rồi những người thầy thuốc này tự chia sẻ, động viên nhau. Nhưng đối với các bác sĩ tại bệnh viện này, tình yêu thương đối với những người bệnh mới là tất cả.
Top