Người nước ngoài trồng cây cần sa bị xử lý thế nào?

02/08/2021 13:10

Vừa qua, lực lượng chức năng đã phát hiện một số vụ việc người nước ngoài trồng cần sa trái phép. Theo quy định của pháp luật hiện hành thì hành vi trồng cây cần sa và tàng trữ trái phép cần sa khô của người nước ngoài sẽ bị xử lý như thế nào?

 Lực lượng chức năng thu giữ 115 cây cần sa tươi và hơn 4 gram cần sa khô của cặp vợ chồng người Pháp tại Hà Nội. Ảnh: CAHN

Tại Hà Nội, ngày 5/6, Công an phường Ngọc Thụy phối hợp với Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an quận Long Biên) kiểm tra khu vực bãi giữa sông Hồng thuộc địa bàn phường Ngọc Thụy đã phát hiện một vườn trồng nhiều cây cần sa. Tại thời điểm kiểm tra trên khu đất rộng khoảng 3.000 m2 do vợ chồng ông Tiberghien Frederec (55 tuổi, quốc tịch Pháp, tạm trú và làm việc tại Công ty LAVIE Vũ Linh, xã Vũ Linh, H.Yên Bình, Yên Bái) thuê thâm canh, lực lượng chức năng thu giữ 115 cây cần sa tươi với trọng lượng 34 kg và hơn 40 gram cần sa khô.

Trước đó, ngày 7/4, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận phối hợp với Công an xã Thiện Nghiệp tiến hành kiểm tra hành chính nhà bà Hoàng Mỹ Hạnh, SN 1990, ở xã Thiện Nghiệp, thành phố Phan Thiết. Qua kiểm tra phát hiện chồng bà Hạnh là ông Glen Jeffrey Evans, SN 1967, quốc tịch Canada trồng trái phép 476 cây cần sa trong vườn phía sau nhà.

Tại cơ quan Công an, ông Glen Jeffrey Evans khai nhận trồng số cần sa trên với mục đích trị bệnh. Ông Glen Jeffrey Evans cũng đưa ra một giấy phép của ngành chức năng ở Canada với nội dung cho phép ông Glen Jeffrey Evans trồng không quá 25 cây cần sa để trị bệnh. Tuy nhiên, giấy phép này không có giá trị pháp lý tại Việt Nam.

Theo Bộ Công an, Khoản 1, Điều 247 Bộ luật Hình sự quy định: Người nào trồng cây thuốc phiện, cây cô ca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma tuý do Chính phủ quy định thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: a) Đã được giáo dục 2 lần và đã được tạo điều kiện ổn định cuộc sống; b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm; c) Với số lượng từ 500 cây đến dưới 3000 cây.

Tại Khoản 2 của Điều luật là định khung hình phạt tăng nặng. Tại Khoản 4 quy định: Người nào phạm tội thuộc Khoản 1 Điều này nhưng đã tự nguyện phá bỏ, giao nộp cho cơ quan chức năng có thẩm quyền trước khi thu hoạch, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.

Bên cạnh đó, tại Khoản 1, Điều 249 Bộ luật Hình sự quy định: Người nào tàng trữ trái phép chất ma tuý mà không nhằm mục đích mua bán, vận chuyển, sản xuất trái phép chất ma tuý thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc một trong các tội quy định tại các Điều 248, 250, 251 và 252 của Bộ luật này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm;... d) Lá cây cô ca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma tuý do Chính phủ quy định có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;…

Tại Khoản 2, 3, 4 của Điều luật là định khung hình phạt tăng nặng.

Với trường hợp người nước ngoài trồng cây cần sa và tàng trữ trái phép cần sa khô, cần xác minh chủ thể là người nước ngoài có thuộc đối tượng được hưởng quyền “miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự…” hay không; làm rõ hành vi “trồng” hay hành vi “tàng trữ” cây cần sa và các yếu tố cấu thành tội phạm quy định tại Điều 247 và Điều 249 Bộ luật Hình sự đã viện dẫn như trên. Nếu đủ căn cứ thì tiến hành khởi tố, điều tra và đề nghị xử lý theo quy định của pháp luật.

Trường hợp không phải là tội phạm thì căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ để xác định nếu vi phạm thì xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.

Top