Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về phòng, chống ma tuý trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương

13/11/2019 12:21

Các nước khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đang phải đối mặt với các vấn đề phức tạp về ma tuý và cần đưa ra biện pháp giải quyết, trong đó chú trọng thực hiện các biện pháp toàn diện, cân bằng trên tinh thần cam kết quốc tế về phòng chống ma tuý.

 Các đại biểu dự Hội nghị HONLEA 43 tại Thái Lan. Ảnh: UNODC

Từ ngày 22-25/10, tại Thủ đô Bangkok, Thái Lan đã đăng cai Hội nghị lần thứ 43 Những người đứng đầu cơ quan phòng, chống ma tuý (PCMT) khu vực Châu Á-Thái Bình Dương (HONLEA 43). Hội nghị có sự tham dự của hơn 100 đại biểu đến từ các quốc gia trong khu vực là thành viên của Uỷ ban kinh tế xã hội Liên hợp quốc, các nước quan sát viên Đức, Italia, Quatar, Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (INTERPOL), Uỷ ban Kiểm soát ma tuý thế giới (INCB), Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) và Cơ quan PCMT và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC).

Đoàn Việt Nam tham dự hội nghị do Đại tá Vũ Văn Hậu, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát ĐTTP về ma tuý, Bộ Công an làm trưởng đoàn. Hội nghị diễn ra gồm phiên họp toàn thể và các phiên họp thảo luận theo chuyên đề về công tác PCMT của khu vực thời gian tới.

Thị trường ma tuý bất hợp pháp bùng nổ ở khu vực cận Tam giác vàng

Tại Hội nghị đại biểu các nước đã nhìn nhận và đánh giá xu hướng ma tuý khu vực. Đáng chú ý là từ năm 2010-2016, diện tích trồng cây thuốc phiện trên toàn cầu tăng mạnh từ 190.000 ha (năm 2010) lên 305.000 ha (năm 2016). Tuy nhiên, diện tích gieo trồng thuốc phiện toàn cầu đã giảm khoảng 17% trong năm 2018, nhưng vẫn lớn hơn 60% so với khoảng 10 năm trước. Số lượng thuốc phiện bị thu giữ trong năm 2017 là 693 tấn cao nhất từ trước đến nay, ngoài ra còn có 103 tấn heroin và 87 tấn morphin cũng bị thu giữ trong năm này.

Khu vực Đông và Đông Nam Á nổi lên là thị trường methamphetamine (meth) phát triển nhanh nhất thế giới. Năm 2018, khu vực Đông Á và Đông Nam Á thu giữ khoảng 126 tấn 745 triệu viên meth, trong đó riêng Thái Lan thu giữ 515 triệu viên meth.

Theo báo cáo ma túy thế giới năm 2017, các chất hướng thần mới (NPS) gia tăng nhanh chóng từ năm 2009 đến nay. Thế giới hiện có 892 chất NPS, trong đó 500 chất NPS đã xuất hiện trên các thị trường ma túy bất hợp pháp. Châu Á là thị trường lớn nhất thế giới về các loại ma túy tổng hợp (MTTH), các chất hướng thần như ketamin, piperazines, cannabiods, cathinones tổng hợp. Đáng chú ý thời gian gần đây liên tục phát hiện các đường dây vận chuyển cocain từ khu vực Mỹ La tinh vào các nước Campuchia, Philippines, Việt Nam, Trung Quốc do đối tượng người Châu Phi, Iran cầm đầu đã cho thấy tội phạm ma túy đang biến Đông Nam Á thành điểm trung chuyển mới cho loại ma túy này trước khi đưa sang Mỹ và các nước Châu Âu.

Hội nghị cùng nhìn nhận những khó khăn mà Chính phủ các nước đối mặt với vấn nạn tổ chức tội phạm xuyên quốc gia đang tăng nhanh và chuyển hướng đến Châu Á-Thái Bình Dương hoạt động phạm tội không chỉ về ma tuý mà còn buôn bán động vật hoang dã, tổ chức đưa người di cư bất hợp pháp, mua bán người nhằm mục đích cưỡng bức lao động, bóc lột tình dục, mua bán nội tạng, trẻ sơ sinh… Thị trường ma tuý bất hợp pháp đang bùng nổ tại Bắc Myanmar và khu vực cận Tam giác vàng. Tiền chất bất hợp pháp được sản xuất ở Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh được tuồn vào khu vực Tam giác vàng với số lượng lớn. Trong khi đó, Chính phủ các nước vẫn chưa kiểm soát tốt dẫn đến thất thoát tiền chất công nghiệp vào sản xuất trái phép MTTH. Số lượng MTTH bị thu giữ với số lượng lớn tỷ lệ thuận với việc kiểm soát còn nhiều kẽ hỡ hiện nay.

Phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm ngày càng tinh vi. Chúng giao dịch mua bán ma tuý trên mạng internet, giao dịch tiền qua sàn thương mại điện tử, thanh khoản bằng tiền ảo gây khó khăn cho việc phát hiện điều tra. Năng lực thực thi pháp luật của lực lượng hành pháp các nước còn hạn chế nhất là trong phát hiện, ngăn chặn hoạt động phạm tội qua mạng internet. Tội phạm ma tuý được trang bị vũ khí hiện đại đã gây nhiều tổn thất cho lực lượng hành pháp các nước. Chỉ tính riêng ở Iran, trong 30 năm qua đã có hơn 3.000 sỹ quan, binh sỹ hi sinh, hơn 22.000 người bị thương trong cuộc chiến chống “cái chết trắng”.

 Doi Angkhang, tỉnh Chiang Mai, Thái Lan từ xứ sở của anh túc, nay trở thành vùng nông nghiệp trù phú, có lợi thế phát triển du lịch sinh thái

Giảm thiểu hoạt động trồng cây có chứa chất ma tuý

Bên cạnh đó, các đoàn đã thảo luận theo từng chủ đề về hợp tác quốc tế trong giảm thiểu hoạt động trồng cây có chứa chất ma tuý, phát triển cây trồng thay thế. Hội nghị thống nhất đưa ra khuyến nghị các nước có mô hình thay thế phát huy hiệu quả cần chia sẻ kinh nghiệm với các nước thành viên trong xây dựng chiến lược phát triển cây thay thế phù hợp. Chương trình chuyển đổi sinh kế tại những vùng trồng cây thuốc phiện trước kia phải phù hợp với hoàn cảnh từng quốc gia, hướng tới mang lại nguồn thu nhập hợp pháp, ổn định, bền vững cho người dân nhất là tại vùng núi cao, vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn.

Hội nghị rà soát, thảo luận tình hình tội phạm mua bán, vận chuyển ma tuý trên tuyến đường hàng không, đường bộ, đường biển, bưu điện với thủ đoạn tinh vi. Điển hình là việc đối tượng giao hàng trên biển từ tàu to sang tàu nhỏ để vận chuyển vào đất liền. Vận chuyển MTTH trong bao bỳ gói trà diễn ra phổ biến mấy năm nay. Biện pháp “vận chuyển có kiểm soát” mang lại hiệu quả trong đấu tranh tuy nhiên việc thực hiện còn gặp khó khăn do sự khác biệt về pháp luật giữa các nước. Mạng lưới sỹ quan liên lạc PCMT chưa được duy trì thường xuyên giữa các nước.

Ngoài khu vực Đông Nam Á, Afghanistan đang trở thành trung tâm sản xuất meth lớn, nhiều vụ bắt giữ ở các nước đã cho thấy điều này. Từ đó, các địa biểu thống nhất khuyến nghị các nước cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế, trao đổi thông tin về tình hình, phương thức, thủ đoạn phạm tội của đối tượng, các tuyến vận chuyển ma tuý. Đẩy mạnh hợp tác trong điều tra, khám phá đường dây phạm tội về ma tuý giữa các quốc gia. Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng, thực hiện Bộ quy tắc tiêu chuẩn trong thực hiện vận chuyển có kiểm soát và các biện pháp nghiệp vụ khác.

Các đại biểu cũng thảo luận, đánh giá thực trạng công tác phòng, chống rửa tiền, điều tra nguồn tài chính hợp pháp, lợi dụng mạng internet trong giao dịch ma tuý. Tình hình tội phạm lợi dụng internet trong hoạt động phạm tội diễn ra phức tạp, khó kiểm soát. Năng lực phòng, chống rửa tiền của cảnh sát các nước còn hạn chế, hoạt động điều tra tài chính chưa hiệc quả. Muốn phòng, chống rửa tiền hiệu quả, cần có sự phối hợp giữa cảnh sát, kiểm sát, ngân hàng, kiểm toán, thuế và các cơ quan liên quan.

Tại hội nghị, các đại biểu thống nhất đề nghị các nước cần trao đổi thông tin giữa các cơ quan liên quan nhằm ngăn chặn hoạt động mua bán ma tuý trên mạng internet, giao dịch tiền ảo, rửa tiền. Các nước tăng cường chia sẻ kinh nghiệm, tập huấn nâng cao năng lực cho lực lượng chuyên trách PCMT, tiến hành điều tra tài chính nhằm vào các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia để thu hồi tài sản phi pháp sung nộp ngân sách.

Kết quả hội nghị cho thấy các nước khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đang phải đối mặt với các vấn đề phức tạp về ma tuý và cần đưa ra biện pháp giải quyết, trong đó chú trọng thực hiện các biện pháp toàn diện, cân bằng trên tinh thần cam kết quốc tế về PCMT.

Căn cứ vào kết quả Hội nghị, Cục Cảnh sát ĐTTP về ma tuý báo cáo Bộ Công an cần có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn mọi diễn biến xấu gây bất ổn xã hội do tội phạm ma tuý gây ra. Chủ động công tác tham mưu, hướng dẫn, chỉ đạo, tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng trong nước, Cảnh sát các nước đấu tranh, ngăn chặn không để chuyển hoá từ ma tuý sang các vấn đề khác.

Hiện tại có nhiều mô hình hiệu quả như mô hình ở Doi Angkhang, tỉnh Chiang Mai vốn là điểm nóng về trồng cây thuốc phiện nay trở thành vùng nông nghiệp hàng hóa, có tiềm năng phát triển du lịch của Thái Lan, tuyên truyền PCMT trong trường học ở Trung Quốc, Philippines, tập trung đấu tranh với vấn nạn MTTH và các loại ma tuý mới, chống thất thoát tiền chất… là những vấn đề cần thiết để Việt Nam nghiên cứu, học hỏi, ứng dụng vào thực tiễn trong nước.

Top