Hướng tới một tương lai của nhân phẩm và bình đẳng cho tất cả mọi người

30/11/2015 15:00

Đó là lời kêu gọi của của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-Moon trong thông điệp nhân ngày Quốc tế xóa bỏ Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái (25/11/2015) và 16 ngày hành động chống bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Theo ông Ban Ki-moon, các tội ác tàn bạo gây ra với phụ nữ và trẻ em gái ở các vùng xung đột, cùng với nạn bạo hành trong gia đình xảy ra ở tất cả các quốc gia – đây chính là những mối đe dọa nghiêm trọng sự tiến bộ của nhân loại.

Ảnh minh họa

Tổng Thư ký LHQ quan ngại sâu sắc trước số phận của phụ nữ và trẻ em gái sống trong những khu vực xung đột vũ trang; họ bị bạo lực, xâm hại tình dục, là nạn nhân của nô lệ tình dục và buôn bán người. Tình trạng bạo lực cực đoan đang định hướng sai lầm cho những giáo lý tôn giáo để biện minh cho tình trạng bắt phụ nữ khuất phục hàng loạt và lạm dụng phụ nữ. Đây không phải là hành vi ngẫu nhiên của bạo lực, hoặc những hậu quả ngẫu nhiên của chiến tranh, mà đây chính là những hành vi có hệ thống nhằm phủ nhận quyền tự do của phụ nữ và muốn kiểm soát cả cơ thể của họ.

Khi cả thế giới đang phấn đấu để chống lại và ngăn chặn chủ nghĩa bạo lực cực đoan thì việc bảo vệ và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái phải là một giải pháp quan trọng. 

Khoảng một nửa trong số 60 triệu người buộc phải di dời chỗ ở hiện nay là phụ nữ. Nhiều người chạy trốn khỏi chiến tranh và bạo lực đã trở thành nạn nhân khai thác của những kẻ buôn người vô đạo đức, và thường xuyên bị phân biệt đối xử về giới và bị bài xích trong xã hội sở tại. Những người ở lại thường quá trẻ, quá già hoặc quá yếu để tham gia vào cuộc hành trình mạo hiểm. Những người bị bỏ lại phía sau này thậm chí còn dễ bị tổn thương hơn so với những người đã rời đi.

Ngay cả ở các khu vực hòa bình, tình trạng bạo lực đối với phụ nữ vẫn còn tồn tại dưới dạng phụ nữ bị giết, bị tấn công tình dục, bị cắt bỏ bộ phận sinh dục ngoài, bị ép kết hôn sớm và bị tấn công đe dọa trên mạng. Những thực hành này không chỉ gây thương tổn tinh thần cho mỗi cá nhân mà còn phá hủy các cơ cấu của xã hội.

Ông Ban Ki-Moon kêu gọi các Chính phủ tăng cường đóng góp cho Quỹ chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ của Liên Hợp Quốc, nhằm giải quyết việc thiếu đầu tư kinh niên trong lĩnh vực này.

Trước đó, Tổng Thư ký LHQ đã phê chuẩn một chiến dịch toàn cầu với tên gọi UNiTE nhằm kêu gọi chung tay đoàn kết chấm dứt tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và đưa ra sáng kiến HeForShe (tạm dịch là "Nam giới vì phụ nữ") nhằm thu hút sự tham gia của những người đàn ông trong việc thúc đẩy bình đẳng giới.

“Chúng ta cũng có thể hướng tới một tương lai của nhân phẩm và bình đẳng cho tất cả mọi người bằng cách hoàn thành các mục tiêu được thông qua của Chương trình nghị sự cho phát triển bền vững năm 2030, trong đó nhận ra tầm quan trọng của việc xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ cũng như các mục tiêu phát triển bền vững liên quan khác. Những đánh giá chính gần đây của các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, các nỗ lực xây dựng hoà bình và các chương trình nghị sự hướng tới phụ nữ, hòa bình và an ninh trên toàn cầu đều đã nêu bật được giá trị quan trọng của việc thu hút phụ nữ tham gia trong các hoạt động gìn giữ hòa bình và đảm bảo an ninh.

Sự phát triển rộng rãi của tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái khiến tất cả chúng ta đều phải giữ vai trò quan trọng trong việc giải quyết và xóa bỏ tình trạng này. Tất cả chúng ta hãy cùng nhau tham gia chấm dứt tội ác này, thúc đẩy bình đẳng giới một cách đầy đủ và hướng tới một thế giới mà phụ nữ và trẻ em gái có được sự an toàn mà họ xứng đáng được hưởng - vì lợi ích của họ và cho tất cả nhân loại”, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-Moon kêu gọi.

 

Top