Không nên cấp vĩnh viễn giấy phép kinh doanh karaoke

30/01/2015 17:06

Đó là kiến nghị của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch trong báo cáo tổng kết đánh giá việc triển khai thực hiện các văn bản quản lý nhà nước về karaoke, vũ trường và phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới.

Theo báo cáo của Bộ Văn hoá-Thể thao và Du lịch, giai đoạn 2010-2014, việc triển khai thực hiện các văn bản quản lý nhà nước về karaoke, vũ trường, quán bar và các hoạt động văn hóa có sử dụng nhạc mạnh trên địa bàn cả nước đã đạt được những kết quả tích cực.

Ảnh minh hoạ

Việc triển khai các văn bản quy phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng đến các cơ sở kinh doanh đã nâng cao nhận thức của các chủ cơ sở, qua đó tiếp tục duy trì hoạt động này đi vào nề nếp, phòng ngừa hạn chế mức thấp nhất những hành vi vi phạm có thể xảy ra.

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh hoạt động dịch vụ văn hóa karaoke, vũ trường và chế tài xử lý vi phạm tương được ban hành đối đầy đủ, là hành lang pháp lý quan trọng để các địa phương thực hiện.

Việc quản lý hoạt động kinh doanh vũ trường, karaoke thông qua các hoạt động nghiệp vụ như kiểm tra, thẩm định đủ điều kiện mới cấp phép hoạt động được các địa phương thực hiện nghiêm túc, đúng quy định. Thủ tục cấp phép, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường được cải cách đơn giản hơn, phân cấp quản lý rõ ràng, khuyến khích tạo điều kiện được nhiều doanh nghiệp, cá nhân đầu tư, kinh doanh loại hình dịch vụ đặc biệt và nhạy cảm này. Tính đến tháng 9/2014, cả nước có 36.006 cơ sở kinh doanh karaoke, 719 cơ sở kinh doanh vũ trường.

Trong quá trình triển khai, đại đa số các cơ sở dịch vụ kinh doanh vũ trường, karaoke đã có ý thức tuân thủ, chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật, có tinh thần trách nhiệm, phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương.

Công tác thanh tra, kiểm tra được tiến hành thường xuyên. Theo số liệu thống kê từ các địa phương, tính đến tháng 6/2014, các địa phương đã tổ chức kiểm tra 5.209 lượt, trong đó phát hiện 4.624 cơ sở vi phạm với tổng số tiền xử phạt lên đến 6,2 tỷ đồng (phạt cảnh cáo 1.999 trường hợp; xử phạt hành chính 2.385 trường hợp; thu hồi giấy phép 78 cơ  sở karaoke).

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện các văn bản quản lý nhà nước về karaoke, vũ trường cũng tồn tại những bất cập như một số tổ chức cá nhân kinh doanh vũ trường, karaoke chưa thực hiện tốt các quy định (không có giấy phép kinh doanh, không có giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự, phòng chống cháy nổ…); công tác tuyên truyền về nội dung các quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh dịch vụ ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức.

Bên cạnh đó, một số tổ chức, cá nhân lợi dụng những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý của chính quyền địa phương nhằm thực hiện các hành vi vi phạm; công tác thanh tra, kiểm tra chưa mạnh, thiếu kiên quyết; lực lượng thanh tra, kiểm tra của địa phương mỏng, hạn chế về năng lực, trang thiết bị phục vụ…

Trước tình hình đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 103/2009/NĐ-CP ngày 6/11/2009 của Chính phủ ban hành quy chế hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng; sửa đổi, bổ sung Nghị định số 158/2003/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo.

Chính phủ cần xem xét quy định cụ thể để cấp đổi, gia hạn về việc cấp giấy phép kinh doanh karaoke, vũ trường (2 năm), không nên cấp vĩnh viễn như hiện nay. Việc không gia hạn gây khó khăn cho công tác quản lý của địa phương.

Top